An Giang: Trai khuyết tật quyết làm giàu từ...gáo dừa

Mai Anh - Chúc Ly Thứ hai, ngày 16/09/2019 13:05 PM (GMT+7)
Từ những chiếc gáo dừa thô kệch tưởng chừng là thứ bỏ đi, anh Dương Quý Nghĩa (phường Mỹ Long, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã biến chúng thành những sản phẩm mỹ nghệ vô cùng sắc sảo và đẹp mắt. Điều đặc biệt, anh Nghĩa là một chàng trai vốn bị khuyết tật từ ngày còn nhỏ.
Bình luận 0

Vốn là con út trong gia đình đông anh chị em, nhưng cơn bệnh sốt bại liệt khi còn nhỏ đã khiến đôi chân và 1 tay của anh Nghĩa co quắp. Không đầu hàng với số phận, vào năm 2004 anh đã tìm và theo học lớp dạy nghề làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gáo dừa tại địa phương.

img

Dù cơ thể khiếm khuyết, sức khỏe yếu nhưng anh Nghĩa luôn nung nấu ý định khởi nghiệp làm giàu từ gáo dừa. Ảnh: M.A.

Dù cơ thể khiếm khuyết, sức khỏe lại yếu, thế nhưng 8X này đã không đầu hàng số phận. Bỏ qua những mặc cảm của bản thân, những lời dị nghị…tất cả như tiếp thêm nghị lực để giúp anh tiếp tục theo đuổi nghề. Sau 1 năm, anh dần thành thục từng công đoạn.

Anh Nghĩa chia sẻ: “Thời điểm mới học nghề, do bản thân hơi yếu mà hồi đó chỉ làm bằng tay, khiến tôi rất vất vả. Nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình, động viên của thầy, tôi đã vượt qua. Yêu và mến nghề, nhưng mãi đến năm 2014 tôi mới chính theo đuổi và gắn bó nghề”.

img

img

Từ những chiếc gáo dừa thô kệch tưởng chừng là thứ bỏ đi, qua bàn tay của anh Nghĩa trở nên những sản phẩm thủ công mỹ nghề, đồ lưu niệm, tác phẩm nghệ thuật, vật dụng trang trí sắc sảo. Ảnh: M.A.

Theo anh Nghĩa, để cho ra đời sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng gáo dừa hoàn mỹ phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp.

Trước tiên, những chiếc gáo dừa sau khi mua về phải được tuyển chọn lại và xử lý để tạo hình, tạo dáng cho từng sản phẩm. Kế đến là phân loại gáo dừa theo kích cỡ và màu sắc.

Tùy vào hình dáng và kích cỡ, mà người thợ sẽ tự phát thảo mẫu và các họa tiết sao cho phù hợp, rồi cưa lấy phôi theo thiết kế sản phẩm. Công đoạn cưa cũng có nhiều bước nhỏ như: Cưa thẻ, cưa lọng để tạo ra nhiều chi tiết nhỏ. Tiếp theo là công đoạn chà nhám và đánh bóng các chi tiết. Sau đó, gắn kết và lắp ghép các chi tiết lại với nhau để định hình.

img

img

Để có được một sản phẩm mỹ nghệ từ gáo dừa, người thợ phải tạo tác qua nhiều công đoạn. Ảnh: M.A.

Cái khó nhất của nghề này là người thợ phải định hình từng chi tiết phù hợp với vật gì, con gì trước khi làm để sản phẩm sống động và có hồn. Vì vậy, ngoài sự tỉ mỉ trong khâu chế tác, người làm cần phải có niềm đam mê và sự sáng tạo không ngừng.

Từ những chiếc gáo dừa thô kệch tưởng chừng là thứ bỏ đi, chàng trai này đã biến chúng thành những sản phẩm mỹ nghệ vô cùng sắc sảo và đẹp mắt.

imgimg

img

Những sản phẩm mỹ nghệ đẹp mắt từ gáo dừa của anh Nghĩa. Ảnh: M.A.

Để thoàn thành được một tác phẩm đơn giản, người thợ phải mất hơn 1 ngày, riêng những bức tranh treo tường với nhiều hình ảnh có chi tiết nhỏ có thể mất đến 3-5 ngày. Từ những sản phẩm đơn giản lúc đầu, hiện anh Nghĩa đã cho ra hàng chục mẫu sản phẩm như: Đèn, chậu hoa, tranh… với giá bán dao động từ vài chục ngàn đến hơn triệu đồng/sản phẩm.

img

Nghị lực đi cùng với đam mê đã giúp chàng trai này khởi nghiệp từ những điều giản dị nhất. Ảnh: M.A.

“Niềm ao ước trước mắt của tôi là có một chỗ làm ổn định, để có thêm điều kiện làm ra những sản phẩm độc đáo hơn. Khi có cơ sở ổn định, tôi dự định sẽ mở rộng dạy nghề cho những người có hoàn cảnh khó khăn và đồng cảnh ngộ với mình” - anh Nghĩa thổ lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

Nghị lực đi cùng với đam mê đã giúp chàng trai này khởi nghiệp từ những điều giản dị nhất. Với anh, không có khó khăn nào không thể vượt qua khi chúng ta không ngừng nỗ lực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem