Báo Nông Thôn Ngày Nay “vạch mặt” chiêu gian dối của DN đóng tàu 67

Tuấn Dũ Thứ năm, ngày 21/06/2018 06:00 AM (GMT+7)
20 con tàu 67 được đóng tại 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) và Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) bị hư hỏng khiến ngư dân Bình Định lâm vào cảnh nợ nần. Với hàng loạt bài viết kéo dài gần 1 năm qua, nhóm phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã sát cánh cùng ngư dân trong những lúc khốn khó nhất. Đến thời điểm này, các tàu hư hỏng cơ bản đã hoàn thành việc sửa chữa trở lại ngư trường.
Bình luận 0

Sự thật trong con tàu hỏng

Hành trình đi tìm câu trả lời cho những con tàu 67 trị giá hàng chục tỷ đồng bị hư hỏng chỉ sau vài chuyến biển khởi nguồn vào đầu tháng 5.2017, sau khi phóng viên tiếp nhận thông tin từ ngư dân huyện Phù Cát (Bình Định).

img

Ngư dân Nguyễn Văn Lý - có tàu 67 hư hỏng buồn bã ngồi nhặt mảnh rỉ sét trên thân tàu.  Ảnh: T.D

Trong khoảng thời gian gần 1 năm đeo đuổi sự kiện, phóng viên đã có hơn 100 bài viết phản ánh vụ việc 20 con tàu 67 được đóng tại 2 Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu bị hư hỏng khiến ngư dân lâm vào cảnh nợ nần, bán cả gia sản để lo trả nợ, chữa bệnh cho tàu.

Vào cuộc điều tra, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước hàng loạt “chiêu trò” gian dối của các đơn vị đóng tàu và sự thiếu trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm đã đẩy ngư dân lâm vào cảnh khốn khổ.

Hàng loạt sai phạm của các doanh nghiệp được phanh phui như: Tự ý dùng thép Trung Quốc thay thế cho thép Hàn/Nhật không đúng với hóa đơn thanh toán vật liệu (Công ty Đại Nguyên Dương), máy chính Mitsubishi không phải là máy chính hãng như hợp đồng (Công ty Nam Triệu) và rất nhiều sai phạm khác dẫn đến hoạt động hỏng hóc của con tàu.

Bên cạnh đó, những nỗi khổ của ngư dân trong việc bị ngân hàng giam sổ đỏ, giáp mặt với nguy hiểm khi phát hiện sai phạm của doanh nghiệp đóng tàu, cuộc sống thường nhật của họ trong sự cố… đã được cập nhật đều đặn trên mặt báo hằng ngày. Ngồi ngẫm lại sự cố tàu hư hỏng, ngư dân Đinh Công Khánh - chủ tàu vỏ thép có giá trị gần 20 tỷ đồng (Công ty Nam Triệu) vẫn còn bàng hoàng trong nỗi sợ hãi. Con tàu vỏ thép mang bệnh khiến ông lâm nợ, vợ chồng cãi vã, mọi chuyện rơi vào túng quẫn. “Lỗi này là do doanh nghiệp đóng tàu, họ dùng máy không chính hãng khiến tàu hư hỏng. Gần 1 năm qua, thay vì tất bật vươn khơi, hôi tanh mùi cá, mực trực chiến ở ngư trường Hoàng Sa Trường Sa, tôi lại mặc quần áo chỉnh tề, gọn gàng hiếm thấy và đặc biệt bận đi họp như “quan chức” mới tìm được quyền lợi chính đáng cho mình”- ông Khánh nói.

Sát cánh cùng ngư dân

Trong quá trình tác nghiệp, tiếp xúc với nhiều ngư dân có tàu vỏ thép gỉ sét, hỏng hóc và cả những chủ công ty đóng tàu, chúng tôi thấy rõ hai thái cực, cảm xúc hoàn toàn trái ngược. Một bên là nỗi thất vọng, đau đớn khi bị lừa dối và một bên là sự trí trá, phủi bỏ trách nhiệm tới nhẫn tâm.

Thời điểm khoảng tháng 5.2017, len lỏi di chuyển lên tàu vỏ thép BĐ 99567 TS của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (đóng tại Công ty Đại Nguyên Dương) nằm chỏng chơ giữa nắng để ghi hình, tôi bất chợt “rùng mình” bởi những mảng gỉ sét trên boong tàu bị cơn gió mạnh, tấp bay vào người ràn rạt, lạnh cả sống lưng. Thật khó tin, con tàu này trị giá hơn 15 tỷ đồng và chỉ mới ra khơi 3 chuyến biển. Kể từ ngày tàu hư hỏng nằm bờ, ngư dân Mạnh mất ngủ rồi đổ bệnh.

Ông Mạnh nói với tôi: “Thú thật, cả cuộc đời đi biển gặp sóng dữ, tàu lạ dí sát tôi vẫn không ngán. Giờ lên bờ lại sợ quá chừng. Tôi gói ghém quà quê mang ra tận Nam Định để tặng lấy tình vì cứ nghĩ doanh nghiệp chung lý tưởng bám biển với ngư dân. Nhưng khi con trai tôi phát hiện họ làm ăn gian dối, dùng thép Trung Quốc thay thép Hàn/Nhật thì liền bị họ dọa giết”.

Sự cô đơn, tổn thương biểu hiện rõ trên khuôn mặt hốc hác, ánh mắt nhợt nhạt của ông Mạnh. Ai cũng hiểu, ngư dân vốn cả đời vượt sóng biển lại bị “trói chân, trói tay” thì sao chịu nổi?  Thay vì đánh bắt khơi xa thì ngày này qua ngày khác, họ phải theo đuổi hành trình tìm công lý vì việc thép dởm, máy giả… do công ty đóng tàu gây ra và cả “án tù tội” đang treo lơ lửng trên đầu từ khoản nợ hàng chục tỷ đồng với ngân hàng nếu không thể ra khơi nào biết lấy gì mà trả. Với những người đã từng chứng kiến ngư dân rầu rĩ nhớ biển thì không khỏi đau lòng trước cảnh tượng các "cột mốc" chủ quyền phải ôm nỗi đau nằm bờ trong tuyệt vọng. Ngư dân đã kể cho chúng tôi nghe họ phải năn nỉ, kể cả van xin doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan đăng kiểm nhà nước giúp đỡ để có con tàu vững chãi ra khơi bảo vệ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Tình yêu, lý tưởng giữ gìn chủ quyền biển đảo của ngư dân đã bị doanh nghiệp trục lợi phá hoại, niềm tin của họ bị chà đạp một cách thô bạo.

Trong các cuộc họp liên quan, ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phải thốt lên với những từ ngữ rất “nặng” dành cho doanh nghiệp đóng tàu như: “Mấy ông mị dân, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của ngư dân, làm ăn thiếu lương tâm, làm ăn như vậy đất nước chỉ có mạt”. Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cam kết sẽ hỗ trợ ngư dân kiện ra tòa để lấy lại quyền lợi chính đáng của họ.

Trở lại ngư trường

Vụ việc nghiêm trọng đến mức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ vụ việc đóng tàu kém chất lượng ở Bình Định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện ngay trong tháng 8.2017.

Ngay sau sự cố, Bộ NNPTNT đã ra quyết định tạm đình chỉ việc nhận thêm hợp đồng đóng mới đối với 2 doanh nghiệp đóng tàu là Công ty Đại Nguyên Dương, Công ty Nam Triệu và yêu cầu phải có trách nhiệm khắc phục. Hàng loạt cán bộ đăng kiểm (Trung tâm đăng kiểm tàu cá, Tổng cục Thủy sản) có liên quan cũng đã bị xử lý kỷ luật.

Bên cạnh việc phản ánh sai phạm, Báo NTNN đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Tàu vỏ thép 67 - làm sao để nâng bước ngư dân” ngay tại Bình Định (tháng 7.2017). Buổi tọa đàm đưa ra những lời khuyên để ngư dân không lo lắng khi đi trên còn tàu vỏ thép hư hỏng, giúp họ khai thác hiệu quả tàu vỏ thép. Đến tháng 8.2017, tại TP.Đà Nẵng, Báo NTNN cũng đã tham gia cùng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT và UBND TP.Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 - Những vấn đề cần đặt ra” để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của ngư dân.

Đến thời điểm này, hai bên đã cơ bản tìm được sự thống nhất trong việc giải quyết sự cố, các tàu hư hỏng được doanh nghiệp đưa lên bờ sửa chữa và thực hiện việc hỗ trợ cho ngư dân. Điều đáng mừng, có những con tàu đã trở lại ngư trường và thu lợi từ lộc biển của ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa sau thời gian dài nằm bờ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem