Bi kịch của người trồng lúa: Có nên "xoá sổ" cây lúa ở vùng đất khó?

Nguyên Vỹ - Huỳnh Xây - Chúc Ly Thứ tư, ngày 19/09/2018 13:15 PM (GMT+7)
Hiện nay, ở một số vùng sản xuất lúa không hiệu quả tại ĐBSCL và Đông Nam Bộ, người dân đã mạnh dạn và chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với cây lúa.
Bình luận 0

Thu tiền tỷ từ bưởi, dâu tằm

Ông Tăng Tấn Hưng (xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) cho biết, do chi phí đầu tư trồng lúa cao nhưng thu nhập lại bèo bọt nên ông quyết định cải tạo 3.000m² trong tổng số trên 4ha đất trồng lúa của gia đình để trồng 400 gốc bưởi da xanh. Đến nay, diện tích vườn bưởi của ông đã tăng lên 1ha. Với 1.400 gốc bưởi xa danh, giá bán bình quân 40.000 đồng/kg, ông Hưng thu về 1 tỷ đồng/vụ.

Ông Hưng cũng cho biết: “Trồng bưởi tuy vất vả hơn trồng lúa nhưng bù lại giá cả ổn định và có thu nhập cao hơn. Ngoài việc thu lời từ bán trái, gia đình tôi còn có khoản thu nhập không nhỏ nhờ chiết cành bưởi giống bán cho bà con trong vùng”.

img

Người dân huyện Châu Thành (Long An) thu nhập cao từ việc chuyển từ lúa sang cây thanh long. Ảnh: H.X

Nhìn ra cánh đồng vừa thu hoạch xong, bà Lê Thị Tùng (ngụ xã Tân Bình huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) kể, hiện toàn bộ vùng này người dân chỉ làm 2 vụ đông xuân và hè thu rồi nghỉ chứ không làm tiếp vụ 3 (vụ mùa). Nhà bà Tùng trồng 5 sào lúa chỉ cho thu nhập chưa đến 20 triệu đồng, trong khi 1 sào đất còn lại trồng bưởi cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/năm. “Không những giá trị kinh tế cao, trồng bưởi còn nhàn hơn so với làm lúa nhiều” - bà Tùng nói.

Trong khi đó, ông Trần Văn Cượng ở ấp Hưng Thới 2 (xã Phú Hưng, huyện Phú Tân, An Giang) đã chuyển đổi 3.000m² đất trồng lúa sang trồng dâu tằm. Ông Cượng cho biết: “Loại cây này ít tốn công sức chăm sóc, hiệu quả mang lại cũng khá tốt. Lúc đầu, gia đình tôi cũng nản với cây lúa lắm nhưng không biết chuyển đổi sang cây trồng gì cho hiệu quả. Nhờ Hội Nông dân xã dẫn đi tham quan mô hình trồng dâu tằm ở xã Mỹ Khánh (TP.Long Xuyên), thấy phù hợp nên tôi đã quyết định chọn loại cây này để đổi đời”.

Hiện nay, vườn dâu tằm của ông Cượng đã hơn 1 năm tuổi và cho trái. Trung bình mỗi ngày ông Cượng bán trên 45kg trái dâu tằm, với giá 50.000 đồng/kg, bỏ túi 2.250.000 đồng. Ngoài việc bán trái, gia đình ông Cượng còn làm thêm rượu, mứt dâu tằm để bán.

Tại tỉnh Kiên Giang, việc chuyển đổi cây lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác cũng đã được thực hiện từ nhiều năm. Theo đó, UBND tỉnh này đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi thủy sản trên đất trồng lúa kém hiệu quả.

img

Mô hình trồng màu thay thế cây lúa kém hiệu quả của HTX trồng màu Thịnh Phát (xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng) là một điển hình. Mô hình này đã giúp 28 hộ thành viên vươn lên khá giả.

Theo anh Trương Văn Sinh – thành viên HTX trồng màu Thịnh Phát: “Tham gia HTX, tôi được hướng dẫn kỹ thuật trồng màu theo hướng an toàn, sản phẩm lại được tiêu thụ ổn định với giá từ bằng đến cao hơn giá thị trường tới 20%. Với 2,5 công màu, tôi lãi 10-15 triệu đồng/vụ. Trên bờ liếp tôi trồng đu đủ, đậu đũa, thả thêm bầy vịt đẻ để có thêm thu nhập”.

Nếu giữ lúa phải hạ bằng được giá thành

Mặc dù theo tính toán của Bộ Tài chính, giá thành sản xuất lúa vụ hè thu của vùng ĐBSCL tăng nhưng ở một số nơi, người dân vẫn thực hiện tốt việc hạ giá thành sản xuất. Đơn cử như ở huyện Đức Huệ (Long An) và xã Mỹ Hòa, xã Trường Xuân (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp), giá thành sản xuất lúa chỉ từ 2.000-2.200 đồng/kg nhờ trồng theo quy trình VietGAP.

Theo mô hình này, người dân bón phân vừa phải, sạ giống ít, bón lót, xử lý đất ở khâu ban đầu tốt nên ít sâu bệnh, nông dân không cần phun thuốc hay bón phân nhiều lần. Với giá bán hiện nay, người dân thu lời rất cao, hơn nữa còn góp phần giúp giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế phát khí thải nhà kính.

Theo Nghị định 35/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý sử dụng đất trồng lúa, các địa phương sẽ được phép linh hoạt chuyển đổi sang cây trồng hàng năm khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản, miễn là không làm biến dạng đất lúa và khi cần vẫn có thể trồng lại lúa.

Ông Huỳnh Ngọc Vân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng cho rằng, do nhiều nguyên nhân, sản xuất lúa ngày càng khó khăn, đặc biệt đối với những hộ dân có diện tích nhỏ. Vì vậy, với những vùng trồng lúa cho hiệu quả thấp thì cần chuyển sang cây trồng khác.

Những diện tích giữ lại thì phải nâng cao hiệu quả bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc hạ giá thành sản xuất kết hợp với việc áp dụng giống lúa chất lượng cao, kháng sâu bệnh.

GS-TS Võ Tòng Xuân - chuyên gia về cây lúa ở ĐBSCL nhận định, giá thành sản xuất lúa mà Bộ Tài chính công bố là lấy số liệu từ nhiều nơi, trong đó có số liệu lấy từ những nông dân sản xuất theo cách truyền thống. Căn cứ vào số liệu này, ngành chức năng sau đó sẽ xác định giá thu mua sao cho người dân lời 30%. Nhưng với cách tính này, người dân trồng lúa theo cách truyền thống sẽ không có lời, còn làm theo quy trình VietGAP thì vẫn đảm bảo lợi nhuận.

Trong khi đó, theo Sở NNPTNT tỉnh An Giang, trong 4 năm (2017 - 2020), tỉnh này sẽ có khoảng 46.000ha (chiếm 20%) đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh chuyển sang trồng cây ăn trái và rau màu. Tương tự, tại tỉnh Trà Vinh - vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn mặn, theo kế hoạch năm 2018 địa phương này sẽ chuyển đổi hàng nghìn ha lúa sang trồng cây cây trồng khác, đặc biệt chú trọng vào cây ăn trái. Trước đó, nhiều nông dân trong tỉnh chuyển đổi sang trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa từ 3,8 - 7,6 lần.

GS - TS Võ Tòng Xuân: Không nhất thiết giữ 3,8 triệu ha đất lúa

Về việc có nên giữ bằng được 3,8 triệu ha đất lúa trong điều kiện thời tiết khó khăn như hiện nay không thì tôi cho rằng không nên. Theo tôi, trong giai đoạn này, chúng ta không cần quá chú trọng đến vấn đề an ninh lương thực nữa vì đã có dư lúa để xuất khẩu. Ở những vùng khó trồng, năng suất thấp cần mạnh dạn thay thế bằng cây trồng khác để nông dân có lời hơn. Tuy nhiên, ngành chức năng địa phương phải kết nối với doanh nghiệp, nhà phân phối, nhằm đảm bảo đầu ra cho người dân.

Bây giờ qua huyện Châu Thành (Long An) sẽ không còn thấy cây lúa nữa, mà thay bằng cây thanh long ruột đỏ. Ở đây, huyện mạnh dạn ký hợp đồng với doanh nghiệp xuất khẩu nên đã “xoá sổ” cây lúa, người dân có thu nhập cao rất nhiều lần so với trước đây.

Nông dân Nguyễn Hoàng Nhân (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh): Trồng nhãn thu nhập cao gấp 5 lần lúa

Mấy năm nay việc trồng lúa kém hiệu quả, nếu may mắn, thời tiết chiều lòng người thì lợi nhuận thu được khoảng 5 – 10 triệu đồng/ha/vụ nhưng tốn rất nhiều công chăm sóc. Trong khi đó nếu trồng nhãn sẽ đem lại lợi nhuận cao, ổn định, vì vậy gia đình tôi đã quyết định bỏ lúa chuyển sang trồng nhãn. Cây nhãn trồng từ năm thứ 2 cho thu hoạch. Từ năm thứ 5 trở đi cho năng suất trung bình từ 15 - 17 tấn/ha.

Với giá bán dao động 15.000 - 20.000 đồng/kg, thì sau khi trừ chi phí đầu tư hàng năm khoảng 40 - 50 triệu đồng, người dân thu lợi khoảng 200 triệu đồng/ha/năm, cao gấp khoảng 5 lần so với trồng lúa.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định Đỗ Hải Điền: Cho thuê lại ruộng bỏ hoang

Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, Nam Định sẽ chuyển đổi hơn 12.000ha đất lúa kém hiệu quả, chân vàn cao, khó khăn nước tưới (chiếm khoảng 10-15% trên tổng số diện tích đất lúa hiện có là 75.000ha) sang các hình thức sản xuất khác như nuôi thủy sản, trồng rau màu, cây ăn trái.

Đối với các địa phương có nhiều lao động đi làm công nhân ở công ty, xí nghiệp, cần có chính sách tích tụ ruộng đất bằng hình thức cho các tổ chức, cá nhân thuê lại ruộng đất của những gia đình không có nhu cầu sản xuất để sản xuất theo cánh đồng lớn, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

P.V (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem