Bộ trưởng NN&PTNT lì xì công nhân vận hành trạm bơm nước đổ ải

Khương Lực Thứ tư, ngày 22/01/2020 19:02 PM (GMT+7)
Ngày 22/1, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã dẫn đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra công tác lấy nước, làm đất tại các huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) và vận hành trạm bơm Hữu Bị thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà.
Bình luận 0

Tranh thủ nguồn nước về, những ngày này bà con nông dân Nam Định đang tích cực xuống đồng làm đất.

“Có nước là trưởng thôn thông báo cho bà con trên loa phát thanh ra đồng làm đất. Nước năm nay khá dồi dào, bà con ra đồng làm đồng loạt chứ không làm riêng lẻ. Nước đủ giờ chỉ lên luống, be bờ chuẩn bị cấy. Mong muốn sang năm mới thuận lợi mùa màng bội thu” - chị Nguyễn Thị Liên, người dân xã Cộng Hòa (Vụ Bản, Nam Định) chia sẻ.

img

img

Tranh thủ nguồn nước, nông dân xã Cộng Hòa (Vụ Bản, Nam Định) đồng loạt ra đồng làm đất để giữ nước

Vụ Đông Xuân 2019 - 2020, tỉnh Nam Định có kế hoạch gieo cấy trên 76.000ha lúa. Năm nay tình hình xâm nhập mặn sâu hơn so với các năm trước gây khó khăn cho việc lấy nước vào đồng ruộng, đặc biệt là tại một số huyện ven biển như Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Đến nay, vẫn còn một số xã ở huyện Nghĩa Hưng độ mặn còn cao chưa thể lấy nước.

Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, đến thời điểm hiện tại tổng diện tích có nước trên địa bàn là trên 52.000ha, đạt 69,1% diện tích gieo cấy. Hiện tại tổng diện tích còn khó khăn về nước tưới trên địa bàn khoảng 17.400ha.

Do đó, tỉnh Nam Định đề nghị Bộ NN&PTNT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quan tâm điều chỉnh nâng cao mực nước khi xả và đảm bảo mực nước xả trong đợt 2 cao hơn để đẩy mặn, hỗ trợ các địa phương ven biển lấy nước đổ ải.

img

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trao đổi về tình hình lấy nước tại Nam Định. Ảnh: K.L

Kiểm tra thực tế lấy nước tại các cánh đồng thuộc xã Cộng Hòa (Vụ Bản, Nam Định), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Nam Định cũng như các địa phương đã hoàn toàn chủ động phương án lấy nước trong điều kiện khó khăn về nguồn nước. Đặc biệt, các tỉnh ven biển nằm ở cuối nguồn đã tận dụng các đợt triều cường để đưa nước vào nội đồng.

Bộ trưởng đề nghị tỉnh Nam Định cần khẩn trương lấy nước trong 3 đợt xả nước ở các hồ thủy điện, đảm bảo chủ động lấy nước phục vụ làm đất, gieo cấy, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất. Cùng với đó, địa phương cần thường xuyên kiểm tra các bờ vùng, bờ thửa để quản lý chặt chẽ nguồn nước, không để thất thoát lãng phí nguồn nước.

img

img

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra lịch vận hành trạm bơm Hữu Bị thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà. Ảnh: K.L

img

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lì xì mừng may mắn đầu năm cho công nhân vận hành trạm bơm. Ảnh: K.L

Theo đánh giá của Bộ trưởng, một trong những khó khăn lớn nhất trong sản xuất vụ đông xuân năm nay là dung tích 3 hồ chứa lớn thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang thiếu hụt 40- 60% so với trung bình nhiều năm.

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT đã nhận diện được vấn đề này từ rất sớm và có kế hoạch chuẩn bị từ tháng 10/2019. Bộ đã tổ chức hội nghị, mời 12 tỉnh, thành khu vực Trung du và đồng bằng Bắc bộ để quán triệt công tác lấy nước, đảm bảo hiệu quả cao.

Tính đến 15h ngày 22/1, diện tích có nước là 255.500 ha, đạt 48,1%, gồm: Hà Nam 81,8%; Nam Định 71,0%; Phú Thọ 69,0%; Ninh Bình 52,7%; Hải Phòng 42,9%; Thái Bình 42,2%; Vĩnh Phúc 41,6%; Hà Nội 37,0%; Hải Dương 34,7%; Hưng Yên 29,9%; Bắc Ninh 29,9%.

Trong đó, diện tích có nước tại các tỉnh Hải Phòng và Thái Bình tăng nhanh (mức tăng lần lượt là 14,6% và 11,0%) do một số cống vùng triều tại các địa phương này đã được tăng thời gian vận hành.

Tại các khu vực chân đất cao, khó khăn về nguồn nước, các địa phương cũng đã chủ động chuyển đổi hơn 1 vạn héc ta lúa sang cây trồng cạn (điển hình như Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ), qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất vụ đông xuân”, Bộ trưởng thông tin.

Điểm nhấn trong công tác lấy nước năm nay, đó là các địa phương trước đây thường xuyên lấy nước chậm như TP. Hà Nội, thì đã chuẩn bị các phương án từ rất sớm như lắp đặt thêm các trạm bơm dã chiến, bơm cưỡng bức... Do đó, tiến độ lấy nước được đẩy nhanh.

Trong ngày 22/1, dòng chảy hạ du hệ thống sông Hồng tiếp tục được duy trì ở mức tốt; mực nước trung bình tại Trạm Thủy văn Hà Nội tính đến 15h đạt trung bình 1,71m, cao nhất đạt 1,93 m lúc 09h. Dự báo, dòng chảy sẽ tiếp tục được duy trì ở mức tương đối cao trong ngày 23/1 (ngày cuối cùng của Đợt 1), mực nước tại Hà Nội cao nhất đạt 2,0m vào lúc 9-11h.

Không nên gieo mạ trong tuần tới khi nhiệt độ hạ thấp

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, vụ Đông Xuân năm nay có hai khó khăn phải đối mặt là thời tiết ấm và thiếu nước.

Với tiến độ lấy nước như hiện nay, về cơ bản sẽ khắc phục được việc thiếu nước. Đối với vụ Đông Xuân ấm, ông Cường khuyến cáo các địa phương và bà con nông dân cần tập trung gieo cấy các trà muộn, khung thời vụ tốt nhất là trước 20/2 và muộn nhất là 28/2.

Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng lưu ý việc một số địa phương bà con đang chuẩn bị gieo mạ thì nên dừng lại khi Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo, trong vài ngày tới nhiệt độ hạ thấp, dao động ở mức 11-130C và sẽ kéo dài gần 1 tuần. Với mức nhiệt độ này, bà con không nên gieo mạ.

Đối với diện tích mạ trà sớm đã gieo thì bà con chủ động các biện pháp để bảo vệ như: che phủ nilong, bón tro bếp, lân, kali và giữ nước, đặc biệt là về buổi tối.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem