Bộ trưởng NNPTNT: Muốn giảm giá thịt lợn, phải cắt bớt trung gian

Anh Thơ (thực hiện) Thứ ba, ngày 07/04/2020 17:35 PM (GMT+7)
Theo lời kêu gọi của Chính phủ, từ ngày 1/4, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã cam kết đưa giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg. Ngay sau đó, giá lợn hơi ở nhiều địa phương cũng đã giảm nhẹ, tuy nhiên, giá thịt lợn tại chợ vẫn cố thủ ở mức cao. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các ngành chức năng cần phối hợp để giảm bớt khâu trung gian.
Bình luận 0

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường. 

Thực hiện cam kết với Chính phủ và Bộ NNPTNT, từ ngày 1/4, đồng loạt các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã đưa giá lợn hơi tại cửa trại xuống mức 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh, siêu thị vẫn cố thủ ở mức cao, thậm chí trong những ngày đầu thực hiện cách ly toàn xã hội, có những nơi giá còn tăng. Theo Bộ trưởng đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

- Việc giá lợn hơi tăng cao trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó, dịch tả lợn châu Phi là nguyên nhân chính khiến nguồn cung thiếu hụt.

Chúng ta biết là dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019 khiến số lượng đàn lợn giảm 20% và thiệt hại 9,3% về khối lượng. Người chăn nuôi đã phải chịu những thiệt hại vô cùng to lớn, đồng thời tác động mạnh lên thị trường, khiến giá thịt lợn đứng ở mức cao trong một thời gian dài.

Giá thịt lợn tăng cao là một phần nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, trong đó chủ yếu là Bộ NNPTNT kết hợp cùng địa phương tập trung đẩy mạnh việc tái đàn. Đến tháng 10/2019, sau khi dịch đi vào ổn định, Bộ có chủ trương kết hợp cùng các địa phương tập trung tái đàn lợn nên nguồn cung không thiếu hụt đến mức trầm trọng.

Tính đến hết quý I/năm 2020, tổng đàn lợn chúng ta so với tháng 12/2019 đã tăng 6,3%, đến cuối tháng 3/2020, số đầu lợn đạt 24 triệu con. Với đà này thì chúng tôi nhận định đến quý III và đầu quý IV/2020, chúng ta sẽ đạt số lượng bằng thời kỳ cao nhất cuối năm 2018, lúc đó chúng ta sẽ có đủ khối lượng để cung cấp cho thị trường.

Chính vì nguồn cung chưa đủ trong từng thời điểm, chúng ta chưa đủ lượng sản phẩm thịt lợn để cung cấp cho thị trường theo yêu cầu nên giá thịt lợn mới tăng cao. Trước khi có dịch, chúng ta cần tới 910.000 tấn thịt lợn mỗi quý nhưng vừa qua mới đạt 820.000-830.000 tấn. Phải đến quý 4 chúng ta mới đạt được sản lượng đó.

Đó là chưa kể, giá thành sản xuất cũng tăng cao do người dân, doanh nghiệp phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu nên dù không muốn giá thịt lợn cũng phải được điều chỉnh.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, giá lợn hơi tăng cao còn do phải qua nhiều khâu trung gian. Các thương lái cũng thừa nhận, không  phải ai cũng mua được tại cổng trại của doanh nghiệp với giá 70.000 đồng/kg, chính vì vậy, dù doanh nghiệp có giảm thì ra đến thị trường cũng phải chênh vài giá. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

- Đúng là trong việc phân phối thịt lợn còn rất nhiều khâu trung gian. Ví dụ như vừa qua 15 doanh nghiệp đưa giá lợn hơi xuất chuồng về mức 70.000 đồng/kg nhưng số lượng lợn ở những doanh nghiệp này chưa đủ dẫn đến chưa đủ sức chi phối.

Thứ hai, do giết mổ nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số nên phải qua rất nhiều khâu, dẫn đến người tiêu dùng chưa được hưởng giá thịt lợn hợp lý như chúng ta mong muốn.

img

Muốn hạ nhiệt giá thịt lợn, cần hỗ trợ nông dân tái đàn. Ảnh: DV.

Vậy theo Bộ trưởng, chúng ta giải quyết dứt điểm tình trạng này như thế nào?

- Giải pháp gốc rễ để bình ổn giá thịt lợn là phải tập trung tái đàn, tăng đàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp cùng với Hiệp hội chăn nuôi và bà con nông dân tăng đàn nhanh nhất nhưng phải an toàn.

Bên cạnh đó, phải phối hợp giữa các ngành Nông nghiệp, Công Thương, các địa phương để làm sao giảm bớt khâu trung gian, từ sản xuất, chế biến đến tiêu dùng ngắn nhất thì giá mới giảm.

Ngoài ra, trong ngắn hạn sẽ tiếp tục nhập khẩu sản phẩm thịt lợn trong chừng mực nhất định để đảm bảo cho thị trường.

"Người tiêu dùng cũng nên lựa chọn nhiều sản phẩm như trứng, cá, gà để đảm bảo bữa ăn gia đình, vừa có lợi cho sức khỏe vừa có giá cả phù hợp, không tạo áp lực về mặt hàng thịt lợn"

(Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường)

Bộ trưởng có khuyến cáo gì đối với các tỉnh đã công bố hết dịch trong việc tái đàn?

- Tốc độ tái đàn quý I đạt 6,3%, nhưng riêng khu vực 15 doanh nghiệp sản xuất rất lớn thì tốc độ lên tới 17%. Dự báo tới đây tốc độ tăng rất nhanh. Bởi vì chúng ta giữ được đàn lợn giống gốc, đàn cụ kỵ, ông bà hiện đạt 109.000 con và 2,7 triệu lợn nái .

Chúng ta đã tổng kết được quy trình an toàn sinh học cho hai nhóm đối tượng chăn nuôi lớn và chăn nuôi nhỏ. Đây là những tiền đề rất tốt cộng với những yếu tố trong hệ sinh thái cho ngành chăn nuôi, chúng tôi tin tưởng sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh, đến cuối quý III, đầu quý IV có được số lượng cao nhất bằng thời kỳ trước khi bị dịch.

Chúng tôi khuyến nghị các tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho đối tượng chăn nuôi nhưng đặc biệt chú ý hỗ trợ bà con nông dân sản xuất nhỏ được tiếp cận các nguồn lực.

Hiện giá giống cao, việc tiếp cận chính sách tín dụng thế nào để tạo sinh kế cho bà con nông dân, những người sản xuất nhỏ, vừa tạo sinh kế vừa góp phần bù đắp những thiệt hại trước đây.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem