Chuyện lạ: Một xã đào tạo tới 600... hoạn lợn viên

Thùy Anh Thứ năm, ngày 23/03/2017 15:33 PM (GMT+7)
Nghe thì có vẻ hài hước, nhưng đây là một trong những thông tin được ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đề cập trong Hội nghị Công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, do Bộ NNPTNT phối hợp Bộ LĐTBXH tổ chức ngày 23.3.
Bình luận 0

Chuyện đào tạo nghề nông nghiệp chưa sát, đào tạo chỉ đánh trống ghi tên, nhận tiền, lao động sau học nghề không có việc làm... là thực trạng đã được nhiều đại biểu tham gia hội nghị thẳng thắn chỉ ra.

img

Một lớp dạy nghề Chăn nuôi thú y ở Hà Giang cho bà con dân tộc (Thùy Anh)

Báo cáo của Bộ LĐTBXH cho biết, hiện trên cả nước có trên 5 triệu lao động nông thôn qua đào tạo. Trong đó gần 3,5 triệu lao động nông thôn đào tạo theo Quyết định 1956, trên 40% học nghề nông nghiệp, gần 60% học nghề phi nông nghiệp.

“Đáng mừng là sau học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm việc làm mới nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn, nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản, từ chỗ tham gia học nghề với mục tiêu hỗ trợ tiền ăn chuyển sang học để nắm bắt khoa học, ứng dụng sản xuất, kỹ năng để nâng cao đời sống, thu nhập” – ông Dung nói.

Bên cạnh những thành tích, ông Dung cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại. Một số nơi vẫn còn tình trạng lao động nông thôn gặp gì dạy đó, "đánh trống ghi tên" để chi tiền.

“Thậm chí có vị đại biểu Quốc hội còn có ý kiến rằng mục tiêu của Quyết định 1956 đặt ra lớn nhưng tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế. Có những xã đào tạo tập trung khoảng 600 người chuyên một nghề hoạn lợn. Nếu đào tạo nghề thật, đi làm việc thật và có việc thì còn được, nhưng nếu chỉ đánh trống ghi tên để chi tiền thì cần phải xem xét” – ông Dung lưu ý.

img

Các học viên thực hành tại một lớp dạy nghề hoạn lợn ở Hà Giang. Ảnh: T.A

Ông Dung cũng cho rằng, Bộ NNPTNN muốn xây dựng ngành nông nghiệp công nghệ cao thì buộc phải đào tạo nghề. Không đào tạo, tập huấn thì làm sao làm được. Tuy nhiên, cần phải đánh giá cụ thể cái được, cái chưa được để từ đó tìm giải pháp thực hiện tốt hơn. Không thể đào tạo ồ ạt rồi phó mặc đầu ra.

Giai đoạn 2016-2020, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đưa vào nội dung trong thành phần của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 1600 16.8.2016 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của chương trình là đào tạo nghề cho 5,5 triệu lao động nông thôn, trong đó 1,4 triệu người học nghề nông nghiệp, 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp. 

Thừa nhận những khó khăn, đại diện Sở NNPTNT tỉnh An Giang cũng cho rằng công tác chỉ đạo dạy nghề ở tuyến huyện, tuyến xã còn thiếu tập trung, việc lựa chọn nghành đào tạo thiếu linh hoạt. Việc đào tạo chưa thích ứng với tình hình phát triển kinh tế của địa phương, dạy nghề chưa gắn với giải quyết việc làm. Thậm chí có địa phương còn buông lỏng kiểm tra, giám sát dẫn tới chất lượng và hiệu quả dạy nghề chưa cao.

Trước thực trạng này, Bộ LĐTBXH và Bộ NNPTNN đã thống nhất các giải pháp nhằm truyền thông thay đổi nhận thức của lao động cũng như lãnh đạo địa phương về vấn đề dạy nghề và học nghề. Đồng thời tăng cường công tác theo dõi, giám sát và phân bổ kinh phí dạy nghề.  Đặc biệt, hai bộ cũng nhấn mạnh việc triển khai dạy nghề cần bám sát nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương, gắn với chuyển đổi nghề nghiệp và dịch chuyển từ lao động phi chính thức sang chính thức.

                                                                     

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem