Đại hội Hội NDVN lần VII: Những phong trào mang dấu ấn nông dân

Anh Thơ Thứ năm, ngày 13/12/2018 08:29 AM (GMT+7)
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VII - nhiệm kỳ 2018 – 2023 đã chính thức khai mạc sáng 12.12 tại Hà Nội. Phát biểu tại Đại hội, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, T.Ư Hội NDVN, các đại biểu đều mong muốn tổ chức Hội phát triển vững mạnh hơn nữa, là nhân tố quan trọng trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn...
Bình luận 0

Đại hội vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Trương Thị Mai, Phạm Bình Minh, Phạm Minh Chính, Nguyễn Văn Bình, Võ Văn Thưởng, Hoàng Trung Hải;  các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Văn Nên, Phan Đình Trạc, Nguyễn Hòa Bình.

img

Các đại biểu tại phiên khai mạc Đại hội sáng 12.12. Ảnh: Đàm Duy

Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân tổ chức được 25.124 cuộc tuần tra biên giới; cung cấp 34.050 nguồn tin có giá trị cho các đồn biên phòng, tố giác 3.937 đối tượng phạm tội; vận động hội viên, nông dân tham gia phát hiện, tố giác được 27.780 vụ vi phạm pháp luật...

Đến dự đại hội còn có nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, MTTQ; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng là lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể T.Ư; lãnh đạo một số tỉnh, thành; đại diện các tổ chức, bạn bè quốc tế; các đồng chí nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN qua các thời kỳ...

Tham dự đại hội có 999 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 10,2 triệu hội viên, nông dân trên cả nước.

Phát triển theo hướng CNH- HĐH

Trong báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội, đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN khẳng định: 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ, Hội NDVN đã phát huy hiệu quả vai trò trung tâm và nòng cốt, giai cấp nông dân đã thực hiện tích cực vai trò chủ thể, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Các phong trào thi đua do Hội phát động và tổ chức thực hiện đã mang lại những kết quả to lớn trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh là những phong trào mang dấu ấn rõ nét của Hội; giúp nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu; góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều vùng nông thôn; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Chủ tịch T.Ư Hội NDVN cho biết, bình quân hàng năm cả nước có 6,5 triệu hộ hội viên, nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, trong đó có 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu. Qua phong trào đã giúp 220.000 hộ nghèo về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động; giúp hơn 100.000 hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả. Tham gia xây dựng nông thôn mới, nông dân trên cả nước đã tự nguyện đóng góp trên 17.000 tỷ đồng, trên 29 triệu ngày công, hiến gần 37 triệu m2 đất, làm mới, sửa chữa, nâng cấp trên 480.000km kênh mương nội đồng và 1.570.000km đường giao thông nông thôn, xóa 29.441 nhà tạm...

Tuy vậy, theo ông Thào Xuân Sùng, bên cạnh kết quả nổi bật đã đạt được, công tác Hội và phong trào nông dân còn có những hạn chế, yếu kém cần quan tâm: Một số nơi công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho nông dân còn hình thức, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của nông dân chưa kịp thời; tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt còn thấp; một số nơi chưa làm tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; tham gia xây dựng và phản biện các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn hạn chế.

Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018- 2023, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng cho biết phương hướng chung là: Xây dựng Hội NDVN trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của Hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

img

 Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng trình bày báo cáo chính trị trong phiên khai mạc Đại hội.  Ảnh: Đ.D

5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Hội NDVN nhiệm kỳ 2018- 2023:
* Xây dựng tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh.
* Vận động hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới văn minh và giảm nghèo bền vững.
* Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
* Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
* Tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế.

(Mời bạn đọc xem nội dung cụ thể trên báo điện tử Dân Việt - danviet.vn)

Mục tiêu tổng quát là: Xây dựng Hội NDVN trong sạch, vững mạnh và tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân. Đổi mới, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề hỗ trợ nông dân và Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với hỗ trợ nông dân khởi nghiệp.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hội NDVN có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực công tác tốt. Phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, phấn đấu hình thành thế hệ người nông dân mới có năng lực quản lý, kỹ năng sản xuất chuyên nghiệp và từng bước trí thức hóa nông dân.

Thực hiện phương hướng và mục tiêu trên, trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội phấn đấu đạt được 14 chỉ tiêu. Hội cũng xác định rõ 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để đạt được phương hướng, mục tiêu và các chỉ tiêu đã đề ra.

Hội cần tiếp tục đổi mới hoạt động

Trong bài phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội với mong muốn Hội NDVN tiếp tục là nhân tố vô cùng quan trọng của Đảng, Nhà nước trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, tổ chức Hội đã thực hiện tốt vai trò là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nông dân; vận động, tuyên truyền, giúp cho nông dân hiểu, đồng thuận thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa nông nghiệp, nông thôn nước ta phát triển mạnh mẽ, đời sống của nông dân được cải thiện về mọi mặt.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết nông dân thực sự trở thành lực lượng cách mạng, lực lượng kinh tế, chính trị, xã hội to lớn và mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước.

Mỗi cán bộ, hội viên, nông dân cần hiểu rõ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân, trong đó, hội viên, nông dân đóng vai trò chủ thể, vừa là lực lượng thực hiện vừa là người được thụ hưởng thành quả, để từ đó huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của giai cấp nông dân và các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, làm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta có bước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa; phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem