Dịch tả lợn châu Phi ở Hưng Yên, Thái Bình: Ai là thủ phạm?

Anh Thơ Thứ tư, ngày 20/02/2019 06:00 AM (GMT+7)
Cuối cùng thì điều không mong muốn đã đến, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình khiến hàng trăm con lợn buộc phải tiêu hủy. Trước mắt, hai ổ dịch này đã cơ bản được khống chế.
Bình luận 0

Tại sao dịch vào sâu trong nội địa?

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), đã có 3 ổ dịch lợn châu Phi được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

Cụ thể, tại TP.Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), đã phát hiện hộ ông Dương Văn Vũ ở xã Trung Nghĩa; hộ ông Lê Xuân Tình (xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ) có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Và tại tỉnh Thái Bình, đã phát hiện dịch tại một số hộ chăn nuôi tại xã Đông Đô, huyện Hưng Hà.

Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, thông tin dịch bệnh tả lợn châu Phi có ở một số địa phương bắt đầu xuất hiện từ ngày 1.2.2019. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương vào cuộc tiêu hủy toàn bộ số lợn của hộ chăn nuôi.

img

Lực lượng thú y xem xét mẫu bệnh phẩm và tiêu hủy đàn lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi tại Hưng Yên.

Cụ thể, tổng số lợn tiêu hủy ở TP.Hưng Yên là 33 con; ổ dịch ở huyện Yên Mỹ 101 con; ổ dịch ở Thái Bình là 123 con, chủ yếu là lợn con theo mẹ, lợn choai,…

Về lý do tại sao dịch lại xảy ra sâu trong nội địa, theo ông Đông, có thể do chim di cư, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc, Mông Cổ và nhiều nước khác đang có dịch; chưa kể lưu lượng người, phương tiện qua lại biên giới phía Bắc rất lớn; việc nhập lậu lợn qua biên giới chưa được kiểm soát, đã có nhiều vụ buôn lậu lợn và sản phẩm từ lợn được phát hiện.

Ông Đông cho rằng, bệnh dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh mới trong khu vực nên hết sức thận trọng. “Chúng tôi phải lấy mẫu xét nghiệm tại nhiều phòng thí nghiệm, tham vấn quốc tế sau đó mới khẳng định đây là mầm bệnh mới. Khi xảy ra các ổ dịch, ngay lập tức chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn đã vào cuộc quyết liệt. Trước hết, ngăn chặn ngay việc bán chạy lợn” – ông Đông khẳng định.

Cũng theo ông Đông, ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Cục Thú y đã phối hợp với các địa phương ngay lập tức tiêu hủy toàn bộ số lợn của hộ chăn nuôi; thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực có dịch, đường ra vào ổ dịch; thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch; tổ chức rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn; tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm các hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch và có kết quả âm tính.

“Cho đến thời điểm này, xung quanh khu vực phát hiện dịch bệnh không phát sinh ổ dịch mới và đã qua 18 ngày, ổ dịch về cơ bản được khống chế” – ông Đông nhấn mạnh.

Không có khái niệm chữa trị, chỉ còn cách tiêu hủy

img

Các chốt kiểm dịch ngay lập tức được lập nên ở các địa phương có dịch.

Theo ông Nguyễn Văn Long –Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y), biểu hiện rõ nhất của dịch tả lợn châu Phi là lợn sốt cao, trên 40 – 42 độ C; chết ở nhiều loại lợn và không chết ồ ạt.

“Đây là loại bệnh không có khái niệm chữa trị, nên khi mắc bệnh, biện pháp duy nhất là tiêu hủy” – ông Long nói.

Ông Phạm Văn Đông cũng nhấn mạnh, dù đã phát hiện dịch nhưng đây là những ổ dịch nhỏ nên người dân không nên hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp để phòng chống dịch, nhất là các biện pháp sinh học như rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, tiêu độc khử trùng. "Tuyệt đối không được đưa lợn bệnh ra ngoài vùng dịch" - ông Đông nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đông, dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn mà lựa chọn những sản phẩm có đủ truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Cục Thú y cũng khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện thường xuyên vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh; có biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng; không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các sản phẩm thịt lợn bệnh; mua con giống rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn thừa; thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín.

Khi phát hiện lợn bệnh, tuyệt đối không bán chạy lợn bệnh; không giết mổ, không bán chạy lợn bệnh; không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường vì bệnh này không điều trị được, chưa có vaccine điều trị.

Đối với các trang trại quy mô lớn, tăng cường các biện pháp an toàn sinh học; yêu cầu tất cả các cán bộ, công nhân kỹ thuật phải thực hiện nghiêm; có biện pháp xử lý, sát trùng mọi phương tiện, dụng cụ ra vào trang trại; có biện pháp ngăn chặn côn trùng. Thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng khu vực nuôi, khu vực xung quanh; trên các tuyến đường trong và từ ngoài đi vào trại.

Khi có lợn bệnh; nghi bị bệnh phải báo chính quyền và cơ quan chuyên môn để lấy mẫu xác định nguyên nhân; không được bán chạy, giêtr mổ, vận chuyển đi nơi khác.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 14/02/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.

Tại Trung Quốc: Theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 03/8/2018 đến ngày 14/02/2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 105 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh. Tổng cộng đã có hơn 950.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem