Hôm nay, trường “bắt tay” doanh nghiệp tìm nhân lực ngành nông nghiệp

Anh Thơ Chủ nhật, ngày 21/04/2019 06:00 AM (GMT+7)
Hôm nay, 21.4, Bộ NNPTNT tổ chức hội thảo kết nối cung cầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nông nghiệp với mục tiêu kết nối các cơ sở đào tạo đại học với các doanh nghiệp để đào tạo đúng và trúng nhu cầu của thị trường lao động.
Bình luận 0

Liên kết doanh nghiệp tìm đầu ra cho sinh viên

Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện là một địa chỉ đào tạo uy tín, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp. Học viện luôn coi chất lượng đào tạo và đổi mới quản lý giáo dục là khâu đột phá, có tính quyết định đến tương lai phát triển. Chính vì vậy, việc tăng cường gắn kết giữa học viện với các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo trình độ cao là yêu cầu cấp thiết.

Theo GS-TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện đã tiến hành đa dạng hóa chương trình đào tạo. Đến năm học 2017-2018, Học viện đã xây dựng 33 ngành đào tạo đại học với 77 chương trình đào tạo đại học, 20 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ và 20 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động đa dạng ở trong nước và quốc tế.

Chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở chuẩn đầu ra của ngành, đảm bảo về kiến thức, kỹ năng và tự chủ, trách nhiệm, đảm bảo tính hội nhập cao và tiến tới kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước và khu vực. Học viện đã tăng cường thời gian thực hành của các học phần. Đặc biệt, Học viện đã hợp tác với trên 150 doanh nghiệp và hầu hết các tỉnh, thành nhằm tạo điều kiện thực thành thực tập thực tế cho sinh viên. Việc hợp tác chặt chẽ với khối các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng trong công tác đào tạo sẽ tạo thêm cơ hội cho người học thực hành, cọ sát với thực tế, tiếp cận được các hệ thống máy móc và quy trình sản xuất tiên tiến nhất.

img

  Chăm sóc dưa vân lưới tại Công ty CP đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam (xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân, Hà Nam). ảnh: LƯƠNG THẾ

Trong khi đó, Trường Đại học Thủy lợi cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo. Một trong những hoạt động hợp tác được trường chú trọng phát triển là các chương trình liên kết đào tạo, hợp tác với các trường đại học, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp nước ngoài. Bắt đầu từ năm 2008, nhà trường đã hợp tác với các trường đại học có tiếng trên thế giới để mở chương trình liên kết đào tạo chất lượng cao ở trình độ đại học và thạc sĩ, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh với sự tham gia của nhiều giảng viên nước ngoài của trường đối tác.

Ngoài ra, Trường Đại học Thủy lợi còn tìm kiếm đầu ra tại các công ty nước ngoài cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Theo đó, nhà trường đã ký kết hợp tác với Công ty Samsung Việt Nam và được đầu tư phòng Lab trị giá 1,3 tỷ đồng, đối tác đặt hàng đào tạo một số môn học trong chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin, từ đó những sinh viên được đào tạo theo một số môn học theo nhu cầu doanh nghiệp này sẽ được Công ty Samsung Việt Nam tuyển dụng. Nhà trường cũng đã ký kết hợp tác với các Công ty Minami Fuji, Công ty Work staff, Công ty Kofu (Nhật Bản), Công ty TNHH Esuhai, Công ty VTI Japan và Công ty Học viện Đào tạo quốc tế ATI xây dựng những chương trình đào tạo về ngôn ngữ, văn hóa và phong cách làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đổi mới chương trình đào tạo

Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 

Gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp là xu thế tất yếu khách quan để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội đối với nguồn nhân lực nông nghiệp trong thời kỳ mới”. 
 Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NNPTNT

50% vào năm 2020. Tuy nhiên, dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành này sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo.

Vì vậy, để nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động ngành nông nghiệp, theo GS-TS Nguyễn Thị Lan, cần có chính sách và chương trình đầu tư thỏa đáng cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp; coi đây là sự đầu tư đào tạo nhân lực cho những ngành mà Nhà nước rất cần nhưng khó tuyển sinh. Ngoài ra, Chính phủ cần có chương trình cụ thể để đưa việc đào tạo, nâng cao năng lực, kiến thức khởi nghiệp vào hệ thống các trường nông, lâm, ngư nghiệp và các cơ sở giáo dục có liên quan để thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và mỗi xã là một sản phẩm.

Theo Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, để thực hiện gắn kết cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo nguồn nhân lực nông – lâm – ngư nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo sát hơn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mới. Tìm ra mô hình đào tạo nhân lực hiệu quả nhất, giúp các cơ sở sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng cao hơn. Đặc biệt đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp với các nông trại, trang trại tạo chuỗi liên thông từ sản xuất, bảo quản, chế biến, thương mại, tiêu thụ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem