Kiểm soát gỗ bất hợp pháp để rộng cửa vào EU

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 09/01/2019 20:01 PM (GMT+7)
Theo bà Heidi Hautala – Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu, người tiêu dùng châu Âu ngày càng hướng đến những sản phẩm minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, thân thiện với môi trường và đảm bảo các tiêu chuẩn đạo đức, nếu sản phẩm gỗ đáp ứng được những yêu cầu này thì cánh cửa vào thị trường EU rất rộng mở.
Bình luận 0

Chinh phục thị trường lớn 

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, Liên minh châu Âu (EU) đang là thị trường lớn thứ 4 của Việt Nam về xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ. Những năm gần đây, xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường này chiếm tỷ trọng từ 13 - 17% tổng kim ngạch thương mại gỗ.

img

Xuất khẩu gỗ sang EU rất rộng mở nếu đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp. Ảnh: Khanh Nguyên

Sau 6 năm đàm phán, Hiệp định VPA/FLEGT đã được Việt Nam - EU ký vào ngày 19.10.2018 tại Bỉ. Trước khi Hiệp định có hiệu lực cần hoàn thiện các thủ tục phê duyệt Hiệp định theo quy định pháp luật của mỗi bên. Về phía Việt Nam, Hiệp định là điều ước quốc tế được ký nhân danh Chính phủ. Về phía EU, Hiệp định cần phải được sự đồng thuận của Nghị viện châu Âu trước khi đệ trình lên Hội đồng châu Âu phê duyệt.

“Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam hiện đã có mặt tại 28 thị trường trong EU, chủ yếu là sản phẩm gỗ ngoài trời. Việt Nam không xuất khẩu gỗ nguyên liệu sang EU và các sản phẩm gỗ xuất sang thị trường này được kiểm soát chặt chẽ. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để chúng ta thực hiện tốt VPA/FLEGT” – Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh. Cũng theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Hiệp định VPA/FLEGT sẽ giúp tăng cường quản trị rừng, giải quyết vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp, thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ được xác minh hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU và các thị trường khác.

Thông tin thêm về vấn đề minh bạch hóa nguồn gỗ nhập khẩu, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, không chỉ nhập khẩu từ các nước láng giềng mà kể cả kiểm soát chuỗi cung từ các quốc gia khác là vấn đề mà Việt Nam quan tâm trong suốt 6 năm đàm phán Hiệp định này. Trên cơ sở thỏa thuận với EU và các đối tác về kiểm soát nguồn gốc gỗ, mới đây, Việt Nam đã sửa đổi một số quy định trong Luật Lâm nghiệp. Lần đầu tiên, Luật Lâm nghiệp có đề cập đến việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chuỗi cung hợp pháp theo thông lệ mới. Sau Luật Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã trình Chính phủ ban hành 4 nghị định, 7 thông tư hướng dẫn, trong đó có 1 thông tư chuyên đề truy xuất và kiểm soát nguồn gốc gỗ, bắt đầu thực thi từ ngày 1.1.2019.

“Trên các quan hệ song phương cũng như thông qua các tổ chức quốc tế, chúng tôi muốn không chỉ Việt Nam vinh dự mãi là nước thứ hai tham gia ký Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) mà sẽ vận động các nước trong khu vực cùng tham gia vào chương trình FLEGT, tốt nhất là ký được Hiệp định đối tác tự nguyện với EU hoặc Việt Nam cùng với nước bạn chấp nhận việc kiểm soát chuỗi cung ứng” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Trách nhiệm giải trình không chỉ trên giấy tờ

Liên quan đến vấn đề này, bà Heidi Hautala nhấn mạnh: Hiệp định Đối tác tự nguyện với Việt Nam là Hiệp định thứ 2 tại khu vực châu Á mà EU đã ký kết Đây là một bước đi quan trọng của EU trong việc xây dựng chiến lược nhằm nâng cao đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại châu Á chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Trên cơ sở hệ thống trách nhiệm giải trình cho nhà nhập khẩu, hệ thống này có thể được xem là một thành tựu lớn của Hiệp định. Việt Nam cần nỗ lực thực hiện để đảm bảo rằng trách nhiệm giải trình không chỉ dừng lại ở việc thực hiện trách nhiệm trên giấy tờ.

“Chỉ những sản phẩm gỗ hợp pháp mới vào được thị trường EU. Chúng ta cần hài hoà hoá các quy định, trong đó không chỉ quan tâm đến con người mà còn cả vấn đề môi trường. Việc cấp phép theo Hiệp định mới vào EU trong thời gian tới cần chú trọng ngay trong thời gian này để thúc đẩy công việc mỗi bên, cả quá trình phê chuẩn Hiệp định. Chúng tôi muốn đảm bảo cả chuỗi cung ứng và sản phẩm phải đảm bảo gỗ hợp pháp” – bà Heidi nói.

Việt Nam hiện đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản, bao gồm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cũng như tăng cường vai trò giám sát của các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội ngành nghề và các bên liên quan trong quá trình thực hiện Hiệp định. Khi Hiệp định được thực hiện đầy đủ, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ phải có giấy phép về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản do phía Việt Nam cấp, mở ra một chặng đường phát triển bền vững cho ngành gỗ Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem