Kiên Giang: Năm nào cũng "đào" được 300 triệu từ khoai lang Bông Súng

Ngọc Quyên - Chúc Ly Thứ năm, ngày 18/04/2019 06:15 AM (GMT+7)
Với 1ha đất trồng khoai lang Bông Súng, mỗi năm lão nông Huỳnh Văn Thơm (Mười Thơm), ngụ khu phố 6, thị trấn Giồng Riềng (Giồng Riềng, Kiên Giang) thu nhập hơn 300 triệu đồng, trừ chi phí làm bờ bao, lên liếp, phân bón, lợi nhuận gần 150 triệu đồng. Trong khi đó, ở nhiều địa phương người trồng khoai lang năm được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa...
Bình luận 0

Với 1ha đất trồng khoai lang, mỗi năm lão nông Huỳnh Văn Thơm (Mười Thơm), ngụ khu phố 6, thị trấn Giồng Riềng (Giồng Riềng, Kiên Giang) thu nhập hơn 300 triệu đồng, trừ chi phí làm bờ bao, lên liếp, phân bón, lợi nhuận gần 150 triệu đồng. 

Nhiều người tò mò trong khi giá khoai lang trên thị trường nhiều năm gần đây rất bấp bênh, nhiều gia đình bán đất , sang ruộng vì giá khoai lao dốc, nhưng ông Mười Thơm vẫn sống khỏe với loài cây trồng đã có mặt ở khu phố 6 từ mấy chục năm nay.

“Kinh nghiệm của tôi là canh thời điểm xuống giống khoai lang lúc ít nơi trồng được, để không bị dội chợ và bán được giá cao. Ngoài ra, kỹ thuật làm đất trồng khoai lang cũng cực kỳ quan trọng, quyết định vụ khoai thất bại hay thắng lợi” - ông Mười Thơm thiệt thà nói.

img

Ông Mười Thơm, thị trấn Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang bên luống khoai lang giống Bông Súng đang được ươm mới. Ảnh: NQ.

Với kinh nghiệm theo dõi thị trường của mình, ông Mười Thơm nhận thấy, thông thường mùa nước nổi các vùng trồng khoai lang lớn trong vùng ĐBSCL sẽ ít trồng được khoai lang do ảnh hưởng lũ lên. Nhất là những nơi mực nước lũ cao, không có đê bao kiên cố sẽ không thể trồng khoai lang được. Vậy là cứ khoảng tháng 7 âm lịch ông Mười Thơm lại âm thầm thuê người cuốc dòng, lên luống rồi giâm dây khoai lang xuống.

Cứ như thế, mỗi năm ông Mười Thơm trồng được 2 vụ khoai lang Bông Súng. Để giữ gien giống khoai lang địa phương có từ thời cha ông để lại, cứ khoảng tháng 2 âm lịch hàng năm, ông lại chọn những luống khoai có củ sai, to, trọng lượng khoảng 500gr/củ, cuống nhỏ để ương lấy dây làm dây khoai giống.

img

Nhờ nhiều năm kinh nghiệm, ông Mười Thơm, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang vẫn thu lãi 150 triệu đồng/năm từ khoai lang Bông Súng. Ảnh: NQ.

Theo ông Mười Thơm, mỗi củ khoai giống khi ương có thể cho 25-50 chồi. Với 20 củ khoai giống, ông có thể nhân ra được 400 dây giống, sau đó tiếp tục trồng ở một khu vực riêng để trồng làm dây giống phục vụ ruộng khoai của gia đình và chia cho bà con trong ấp cùng trồng.

Ở tuổi 70, với 50 năm kinh nghiệm trong nghề trồng khoai lang Bông Súng, ông Mười Thơm cho biết: “Trồng khoai lang sợ nhất là khoai bị sùng. Để hạn chế việc sử dụng thuốc hóa học ngừa sâu, hà gây hại ruộng khoai lang, kinh nghiệm của tôi là sau khi thu hoạch khoai xong sẽ ban luống khoai cho bằng phẳng lại, rồi cho nước vào ngập ruộng ngâm suốt trong 15 ngày để diệt mầm bệnh trên ruộng khoai”.

Ngoài ra, trước khi cuốc giòng, ông Mười Thơm xử lý vôi bột trên mặt luống để hạ phèn, giúp khoai sinh trưởng tốt. Với những kinh nghiệm này đã giúp năng suất ruộng khoai lang nhà ông Mười Thơm luôn mức 12-15 tấn/ha.

Có lẽ vì điều kiện đồng đất của thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang cùng với nguồn nước ngọt mát lành quanh năm từ kênh Bông Súng hiền hòa, sự cần mẫn tâm huyết của những lão nông gắn bó nhiều năm với củ khoai như ông Mười Thơm đã góp phần làm nên hương vị đặc trưng của củ khoai lang Bông Súng, ít nơi nào sánh được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem