Lãi tiền tỷ nhờ nuôi lươn ở chuồng heo bỏ không sau dịch tả

Trần Đáng Chủ nhật, ngày 08/12/2019 06:30 AM (GMT+7)
Sau khi bán hết đàn heo lớn nhất nhì TP.HCM bởi dịch tả heo châu Phi (ASF), lão nông Ba Nhoai (Phạm Đức Nhoai, xã An Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM) cải tạo chuồng heo để nuôi lươn không bùn.
Bình luận 0

Đây là trại nuôi lươn không bùn lớn nhất TP HCM hiện nay. Theo ông Ba Nhoai, hiện ông có 300 bể (khoảng 8m2/bể) để nuôi lươn không bùn.   

img

Ông Ba Nhoai (giữa) đang xem nhân công cho lươn ăn trong trại.

Ông Ba Nhoai chia sẻ, giống là khâu đặc biệt quan trọng dẫn đến thành công trong việc nuôi lươn không bùn trong bể xi măng.

“Lươn giống nhân tạo không mang lại hiệu quả cao bằng lươn tự nhiên do tỷ lệ hao hụt của lươn nhân tạo rất cao. Đa phần lươn giống tôi mua từ Campuchia. Phần còn lại tôi thu mua từ các tỉnh miền Tây, như: Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang”, ông Ba Nhoai bộc bạch.

Theo đó, cứ mỗi bể nuôi ông thả là 70 kg lươn giống, trọng lượng từ 30 - 35 con/kg. Sau 7 tháng nuôi, tỷ lệ lươn sống bình quân đạt 85%, năng suất thu hoạch từ 350 - 450 kg/bể, trọng lượng khoảng 3 - 4 con/kg.

Từ đầu năm 2019 đến nay, ông Phạm Đức Nhoai đã nhập hàng chục tấn lươn giốngvới giá trị hàng tỷ đồng.

Nguồn nước cũng là một vấn đề cự kỳ quan trọng khi nuôi lươn. Theo ông Ba Nhoai, nguồn nước nuôi lươn phải nước sạch, nước không bị nhiễm phèn, không vượt quá 6,5 pH. Sau khoảng 2 giờ cho lươn ăn, phải thay nước trong bể.  

“Và lưu ý tránh gây tiếng ồn tại khu vực nuôi lươn, để lươn không giật mình, khó chóng lớn...”, ông Ba Nhoai chia sẻ kinh nghiệm nuôi lươn không bùn trong bể xi măng.

Cũng theo ông Ba Nhoai, thức ăn của lươn không thể thiếu là trùn quế. Chính trùn quế sẽ làm cho lươn chóng lớn. Trùn quế chiếm gần 1/2 trong tỷ trọng hỗn hợp thức ăn cho lươn nuôi.

img

Cứ mỗi vụ thu hoạch lươn ông Ba Nhoai thu cả chục tỷ đồng.

Chính vì thế, để chủ động nguồn trùn quế, ông Ba Nhoai đã mở trại nuôi bò thịt để lấy phân nuôi trùn quế. Hiện, trại bò thịt của ông Ba Nhoai có hơn 100 con bò siêu thịt đang vỗ béo. Mỗi con cân nặng 500 - 600kg. Nguồn phân bò ông Nhoai dùng để nuôi trùn quế; trùn quế thành phẩm ông Nhoai dùng để chế biến thức ăn cho lươn nuôi.

Theo ông Phạm Phú Cường,Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi, cứ 2 năm ông Ba Nhoai nuôi 3 vụ lươn. Sau mỗi vụ thu hoạch bán lươn, ông Ba Nhoai thu cả chục tỷ đồng.

Từ năm 2008, tại TP đã xuất hiện mô hình nuôi lươn theo phương thức mới là nuôi trong bể không bùn và sử dụng giá đỡ/vạt làm chỗ ở cho lươn thay thế ống nước hay gạch nung như trước.

Mô hình nuôi lươn không bùn cho kết quả tốt, nhưng chưa phát triển do giống chủ yếu nhập từ Thái Lan, Campuchia chiếm 95% với giá thành cao, 5% còn lại từ các tỉnh miền Tây.

Theo Sở NN PTNT TP.HCM, sản lượng tiêu thụ nguồn lươn thịt thương phẩm tại thị trường TP. HCM  hơn 2.300 tấn/năm, trong đó, khoảng 3% là lươn thịt có nguồn gốc nuôi tại TP. HCM, tương đương hơn 194 tấn/năm, còn lại 97% số lượng lươn thịt được nhập từ các tỉnh, như: Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Tây Ninh...

Ông Ba Nhoai cho biết, hiện đầu ra cho con lươn rộng mở. “Ai đến thăm cũng bảo tôi nuôi nhiều quá. Nhưng tôi nuôi lươn không đủ bán”, ông khẳng định. Sau khi lươn đến hạn thu hoạch, thương lái tìm đến tận trại thu mua.

img

Ông Ba Nhoai vỗ béo bò vừa lấy phân nuôi trùn quế làm thức ăn cho lươn, vừa bán thịt.

Theo ông Ba Nhoai, không có bí quyết thành công trong nuôi lươn. “Cái chính là cần cù, học hỏi. Và đặc biệt là dự đoán thị trường, chọn đúng thời điểm để sản xuất”, ông chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem