Làm gì để ĐBSCL hết cảnh "giàu về tài nguyên, nghèo về kinh tế"?

San Nguyễn Thứ tư, ngày 27/09/2017 14:22 PM (GMT+7)
Sáng 27.9, tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu có quy mô lớn nhất từ trước đến nay để xem xét, đánh giá một cách toàn diện các thách thức, nhận diện được các cơ hội, huy động sáng kiến, kinh nghiệm và nguồn lực để phát triển bền vững ĐBSCL.
Bình luận 0

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại phiên họp sáng nay 27.9.

Báo cáo kết quả thảo luận về Nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở, Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, ĐBSCL không chỉ đảm bảo sinh kế cho 18 triệu dân trong vùng còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cho hơn 92 triệu dân, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 32 tỷ USD vào năm 2016 với thặng dư 7,5 tỷ USD.

Báo Dân Việt xin giới thiệu bài báo cáo này của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường.

Những bước phát triển vượt bậc

ĐBSCL là cuối nguồn của lưu vực sông Mê Kông dài 4.200 km, 795.000 km2 lưu vực trải dài trên 6 quốc gia đổ ra Biển Đông tạo thành vùng châu thổ trù phú khoảng 4 triệu ha với 18 triệu dân cư của 13 tỉnh, thành phố. Sau 42 năm giải phóng, 30 năm đổi mới, từ một vùng nông nghiệp giản đơn chủ yếu là lúa nổi sản lượng trên 4triệu tấn thóc, ĐBSCL đã có bước phát triển vượt bậc trở thành vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước- nơi chiếm tới 54% sản lượng lúa cả nước; 70% sản lượng thủy sản nuôi trồng; 37% sản lượng trái cây (đạt 1 tỷ USD); 90% sản lượng xuất khẩu gạo; 60% kim ngạch xuất khẩu tôm; 100% kim ngạch xuất khẩu cá tra.

Với kết quả vượt bậc đó ĐBSCL bên cạnh việc đảm bảo sinh kế cho 18 triệu dân trong vùng còn góp phần đắc lực đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cho hơn 92 triệu dân một cách vững chắc. Khu vực này đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 32 tỷ USD vào năm 2016 với thặng dư 7,5 tỷ USD. Thế giới biết đến nông sản Việt Nam với vai trò thứ hạng, trong đó có: lúa gạo, tôm, cá tra... là những sản vật vùng này.

img

Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu

Nhiều tác động gây tổn thương lớn

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hiện nay ĐBSCL đang cùng lúc chịu nhiều tác động lớn:

Thứ nhất, tác động biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay mà loài người đang phải đối mặt. Đồng Bằng sông Cửu Long nói riêng, Việt Nam nói chung được coi là một trong năm quốc gia hứng chịu nặng nề nhất;

Thứ hai, tác động phía thượng nguồn do các hoạt động kinh tế sử dụng nguồn nước như: thủy điện, chuyển nước khỏi lưu vực hệ thống, suy giảm nhanh diện tích rừng, thảm thực bì (nơi giữ nước, điều tiết nước) đã, đang và sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng làm thay đổi nhanh chóng căn bản quy luật dòng chảy khi vào đến địa phận vùng châu thổ của chúng ta;

Thứ ba, những điểm bất hợp lý trong sự phát triển kinh tế nội tại vùng Đồng bằng như: việc khai thác tài nguyên cát sỏi, nguồn nước ngầm, các hoạt động kinh tế khác cũng gây nên tổn thương lớn đến vùng châu thổ và sự phát triển bền vững.

Ba nhóm nguyên nhân chính đó cùng lúc tác động và với sự nhào trộn, cộng hưởng tạo ra những tác động tiêu cực lớn nhất trong lịch sử kiến tạo vùng đồng bằng châu thổ mà chúng ta phải chấp nhận đối mặt. Những tác động tiêu cực này sẽ tác động trực tiếp đến kinh tế xã hội, đời sống cư dân, tất cả các ngành kinh tế, các khu vực song có lẽ nông nghiệp - nông dân - nông thôn sẽ là những đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất.

Thời gian qua, hạn, mặn đã dẫn đến lúa không đủ nước ngọt, thời vụ cũ sẽ có khó khăn do những sự thay đổi bất thường của thời tiết, khí hậu, thể hiện rõ nhất 17.000 ha lúa đông xuân 2016-2017 bị bệnh sâu năn cọng hành ở Kiên Giang, Cần Thơ do ảnh hưởng nền nhiệt thấp và mưa sớm. Hoặc thiệt hại lúa Đông Xuân và Xuân Hè giai đoạn thu hoạch vừa qua do mưa lớn, mưa quá nhiều cuối vụ. Sự thay đổi quy luật đó cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến nuôi trồng thủy sản mặn lợ, do sự thay đổi nhanh chóng độ mặn và môi trường nước. Với cây ăn quả, sự thay đổi mùa mưa, tần suất, cường độ làm ảnh hưởng lớn quy luật sinh trưởng, là nguyên nhân nhiều loại quả, nhiều nhà vườn mất mùa vì không đậu quả.

Đối với đời sống dân cư ven sông, ven biển, sự cộng hưởng tác động đã làm cho tốc độ sạt lở diễn ra nhiều hơn, nhanh hơn gây thiệt hại đến tài sản và đe dọa tính mạng người dân cũng như các thiết chế hạ tầng kinh tế. Hạn mặn xuất hiện nhiều hơn một bộ phận người dân sẽ thiếu nước sinh hoạt trong các tháng mùa khô, điển hình 1 triệu người thiếu nước ngọt đầu năm 2016.

img

Đối với đời sống dân cư ven sông, ven biển, sự cộng hưởng tác động đã làm cho tốc độ sạt lở diễn ra nhiều hơn

Với tốc độ sạt lở bờ biển như hiện nay đã làm cho diện tích rừng ngập mặn suy giảm khá nhanh, hiện chỉ còn khoảng 63.000ha, nếu không quyết liệt giữ sẽ dần dần biến mất. Đây là chiếc áo giáp phòng hộ, là hạt nhân hình thành hệ sinh thái bền vững, cái làm nên hồn cốt hệ sinh thái rừng mặn, là môi trường sống của con tôm sú, một đặc sản có giá trị hàng hóa rất lớn, quý của chúng ta.

Tất cả các dạng tác động xấu đó xảy ra ngày càng phức tạp hơn, gây ra thiệt hại lớn hơn. Nông nghiệp ĐBSCL sẽ không còn trù phú, cải thiện sinh kế và việc làm người nông dân trở nên khó khăn hơn, do vậy có thể nói tác động đến khu vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn là lớn nhất, sớm nhất.

Phấn đấu đưa ĐBSCL thành vùng giàu có

Mặc dù nông nghiệp đang đối mặt với những thách thức lớn chưa từng thấy, song khẳng định đây vẫn là vùng có tiềm năng phát triển trở thanh vùng nông nghiệp giàu có của đất nước, của khu vực và của hội nhập thế giới. Bài học Thế giới đã chứng minh đất nước Israel khô cằn, mưa có vùng chỉ 70mm/năm, mặn đến mức biển chết, người ta vẫn xây dựng được nền nông nghiệp hiện đại cho giá trị gia tăng rất cao. Đất nước Hà Lan cũng chỉ 4 triệu ha đất tự nhiên như ĐBSCL của chúng ta, trong đó 2/3 diện tích nằm dưới mực nước biển vẫn có một nền nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu 120 tỷ USD.

Với ĐBSCL, vấn đề là phải tái cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại bền vững trước các biến động đang diễn ra. Tại diễn đàn Hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã kiến nghị 4 nội dung bức thiết trước mắt:

Thứ nhất, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các tỉnh kết hợp với các thành phần kinh tế có chương trình cụ thể trong 5 năm 2018 - 2023 giải quyết căn cốt giống tốt cho ba nhóm sản phẩm chính: Thủy sản, cây ăn quả, lúa gạo bằng các giống chủ lực, đáp ứng cho sản xuất đủ sức cạnh tranh. Trong 10 năm tới phải có bộ giống hiện đại đáp ứng cho ba ngành hàng chủ lực này.

Thứ hai, sửa nhanh Nghị định 210 để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp để trở thành lực lượng liên kết hạt nhân. Tập trung xây dựng các hợp tác xã kiểu mới cùng các trang trại lớn liên kết với doanh nghiệp hình thành sản xuất chuỗi ở các quy mô, cấp độ khác nhau.

img

Trồng các loại cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu 

Thứ ba, có văn bản quy định giữ nguyên 227 nghìn ha rừng của các tỉnh trong vùng, đặc biệt là 63 nghìn ha rừng ngập mặn, không được chuyển đổi dưới bất kỳ hình thức nào trừ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng. Bổ sung đề án và tạo nguồn lực phát triển thêm rừng ngập mặn ở những nơi có điều kiện. Có cơ chế khuyến khích đủ sức hấp dẫn các thành phần kinh tế tạo đất, rừng mới giữ bờ biển, lấn bờ biển bằng chính sách giao đất thời gian dài 50 - 70  năm với diện tích đất, rừng mới được tạo lập ra, như thời gian giao đất rừng loại gỗ quý lâu năm nhằm tăng nhanh thảm rừng xanh, áo giáp chống đỡ tác động từ biển.

Thứ tư, với 41 điểm sạt lở nghiêm trọng bờ sông, bờ biển hiện nay đã trình Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực để xử lý khẩn cấp, không để xảy ra diễn biến nghiêm trọng hơn, khắc phục tốn kém hơn như đoạn Gành Hào (biển Đông) đến cửa sông Cái Lớn – Cái Bé (biển Tây); đoạn lở sông Vàm Nao tỉnh An Giang và một số điểm khẩn cấp khác
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem