Nghề "độc" ngày Tết: Làm đẹp cho cây cảnh, kiếm tiền triệu mỗi ngày

Minh Nguyệt Thứ ba, ngày 13/02/2018 13:45 PM (GMT+7)
Là vùng đất nổi tiếng bởi làng nghề trồng cây cảnh, nhiều năm qua, Nam Định đã định hướng ưu tiên chuyển đổi từ trồng lúa sang làm các mô hình cây, con cho thu nhập cao. Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật làm cây cảnh mà làng nghề cây cảnh trên đất Nam Định phát triển.
Bình luận 0

Làm giàu nhờ nghề trồng cây cảnh

Anh Nguyễn Văn Tự (Hải Hậu, Nam Định) là một trong những nông dân vươn lên làm giàu nhờ nghề trồng cây cảnh. Năm 2016, anh được xã giới thiệu học nghề trồng cây cảnh. Từ đó tới nay, anh áp dụng kiến thức mới vào sản xuất, gò cây vì thế chất lượng cây tăng lên rõ rệt.

img

Nghề trồng cây cảnh ở Nam Định đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn.  Ảnh: N.T

Năm 2017, toàn tỉnh Nam Định đào tạo ở 3 cấp trình độ là 32.526 người, đạt 104,3% kế hoạch năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 42,8%, đạt 100% kế hoạch năm. Cụ thể, cao đẳng 618 người; trung cấp 5.307 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 26.601 người.

“Sau khi học lớp trồng cây cảnh do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức, chúng tôi đã có thêm kiến thức mới trong trồng, chăm sóc cây cảnh. Đặc biệt, kỹ thuật gò cây, tạo thế cũng được chú trọng, làm đẹp hơn, phù hợp với xu thế của thị trường nhiều hơn” – anh Tự nói.

Theo ông Phạm Xuân Hiểu - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Nam Định, năm 2017, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân đã tổ chức được 16 lớp dạy nghề, đào tạo cho 526 lao động nông thôn với các nghề: May công nghiệp; trồng cây lương thực, thực phẩm; chăm sóc, cắt tỉa, uốn cây cảnh, chăn nuôi...

Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp các trung tâm dạy nghề trong tỉnh đào tạo nghề cho 2.000 lao động nông thôn.

“Học viên tham gia lớp học được tiếp thu những kiến thức từ lý thuyết đến thực hành theo chương trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề và hướng dẫn thực hành của giảng viên tại cơ sở sản xuất, trang trại, gia trại, các mô hình tiêu biểu ở địa bàn nông thôn. Trong số những nghề dạy thì nghề trồng cắt tỉa, uốn cây cảnh là thu hút đông học viên nhất” – ông Hiểu nói.

Ông Phạm Xuân Hiểu cho biết, có 80% học viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Không những thế, một số học viên còn mở gia trại, trang trại tại địa phương vươn lên trở thành các điển hình sản xuất kinh doanh giỏi.

Hỗ trợ đầu ra cho nông dân sau học nghề

Song song với quá trình đào tạo nghề, nhiều năm qua, các cấp ngành đặc biệt là hội nông dân luôn làm tốt công tác kết nối gắn với các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ, tư vấn việc làm nhằm giúp cho người học được áp dụng những kiến thức sau mỗi khóa học.

“Đặc biệt, thông qua các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, tổ chức hội đứng ra bảo lãnh, tín chấp cho nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội. Nổi bật trong năm qua, tổ chức Hội đã phối hợp với Ngân hàng NNPTNT tín chấp cho nông dân vay vốn với số tiền dư nợ là 7.550,539 tỷ đồng cho 55.228 lượt hộ vay với số tổ là 2.542 tổ kỹ thuật vay vốn.

Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn với số tiền dư nợ là 986,038 tỷ đồng cho 41.382 lượt hộ vay với số tổ nhận ủy thác  là 1.398 tổ kỹ thuật vay vốn” – ông Hiểu cung cấp thêm thông tin.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp, nhà khoa học tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới về cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản và mua vật tư trả chậm; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch an toàn đến người tiêu dùng; xây dựng mô hình kinh tế tập thể (tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp) liên kết chuỗi giá trị...

Cụ thể, trong năm qua, tỉnh Hội tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật 31 lớp/3.500 lượt người; các huyện, thành Hội phối hợp tổ chức 1.760 lớp cho 185.000 lượt người về chăm sóc lúa, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... Phối hợp cung ứng 6.500 tấn phân Lâm Thao và 13 tấn phân Tiến Nông.

Ông Nguyễn Thanh Long – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định khẳng định, nhiệm vụ trọng tâm của Hội là giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo cho người lao động. Để đạt được mục tiêu đó, thời gian tới các cấp Hội sẽ đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại doanh nghiệp, hoặc các cơ sở sản xuất kinh doanh giỏi của hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem