Những thứ Việt Nam vứt đi hóa ra lại có thể mang về tiền tỷ

Nguyễn Tố Thứ hai, ngày 20/08/2018 17:13 PM (GMT+7)
Là nước nông nghiệp, mỗi năm Việt Nam thu về hơn 35 tỷ USD từ xuất khẩu các loại nông sản, tuy nhiên, có một mặt hàng rất tiềm năng mà chúng ta vẫn đang bỏ ngỏ chính là “rác” nông nghiệp hay còn gọi là phế phẩm nông nghiệp. Loại sản phẩm này đang được các nước phát triển ưa chuộng nhưng thay vì tận dụng triệt để, nhiều địa phương chỉ để… vứt đi.
Bình luận 0

Vì sao phế phẩm nông nghiệp “hút hồn” các nước giàu?

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong việc chế biến, xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ “rác” nông nghiệp, ông Đàm Văn Hoạt, Tổng Giám đốc VietFarm cho biết: “Các nước tiên tiến như Nhật Bản rất chuộng các sản phẩm từ phế phẩm nông nghiệp. Họ không mua giá trị dinh dưỡng trong các loại phụ phẩm nông sản vì tỷ lệ này khá thấp, mà chủ yếu cần… chất xơ”.

img

Các loại phế phẩm nông nghiệp được thế giới ưa chuộng. Ảnh: IT

ây là nguồn thức ăn rất cần thiết đối với nhiều quốc gia, các loại gia súc như lạc đà, trâu, bò, dê, cừu, ngựa… cần chất xơ để hỗ trợ tiêu hoá.

Đặc biệt ở những nước Trung Đông, nơi diện tích đất canh tác hạn chế nên phụ phẩm nhập về có thể cho gia súc ăn trực tiếp hoặc tưới nước cho mềm rồi phối trộn với các loại thức ăn chăn nuôi khác.

 “Có rất, rất nhiều loại “rác” nông sản ở Việt Nam có thể trở thành những sản phẩm xuất khẩu cho lợi nhuận cao!”, ông Hoạt tiết lộ. Đó có thể là vỏ càphê, cacao, vỏ hạt điều, các loại trái cây, lõi ngô, rơm rạ… “Những thứ này, hàng năm các nhà máy thải ra khối lượng khổng lồ, nếu không làm nguyên liệu thức ăn, có thể biến chúng thành thành phần hữu cơ có giá trị xuất khẩu cao. Vậy mà ít có doanh nghiệp nào làm” – ông Hoạt tiếc nuối.

Trên thực tế quốc gia nào cũng có ngành nông nghiệp phát triển, nơi đó đều có rác phụ phẩm nông nghiệp. Các quốc gia châu Âu, châu Mỹ, châu Á đều đang dư ra lượng rác thải loại này khá lớn, nhưng theo ông Hoạt, sở dĩ nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chuộng nhập lõi ngô (bắp) để làm giá thể trồng các loại nấm sạch; người Arập, Kuwait, Iraq… chuộng bã mì, rỉ mật, bã mía… từ Việt Nam, mà không phải nguồn hàng từ Hoa Kỳ hay một số nước phát triển, vì họ biết chúng chưa bị ảnh hưởng bởi các nguồn giống biến đổi gen (GMO).

Cho đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia chưa phổ biến cây trồng GMO, đây là điều các quốc gia như Nhật, Trung Đông cần tìm nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Sản lượng rác nông sản ở Việt Nam phong phú, số lượng nhiều, chế biến dạng ép viên dễ vận chuyển… cũng là lợi thế cho các nhà nhập khẩu tìm đến.

Thị trường tiềm năng

Từ trước đến nay rơm được xem là phế phẩm trong quy trình sản xuất lúa ở ĐBSCL. Với vòng quay sản xuất 3 vụ liên tiếp trong năm, một lượng lớn phế phẩm này thường được nông dân xử lý bằng cách đốt bỏ, cày vùi xuống đất; phần rất ít được người dân tận dụng để trồng nấm rơm, hoa màu hay chăn nuôi trâu bò nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình.

img

Chỉ xơ dừa - một trong những mặt hàng phế phẩm ăn khách của Việt Nam. Ảnh: IT

Chính vì vậy việc Nông trường Sông Hậu lãnh đạo Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ) ký hợp đồng với Hiệp hội xuất nhập khẩu thịt bò Nhật Bản (JBIX) về dự án hợp tác chế biến rơm xuất khẩu số lượng lớn từ miền Tây sang Nhật Bản được coi là “chuyện lạ”.

Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường Sông Hậu, cho biết: Nhu cầu của J-BIX mỗi năm khoảng 220.000 tấn để chế biến làm thức ăn chăn nuôi, do đó đây là cơ hội lớn với Nông trường Sông Hậu và bà con nông dân vùng lân cận có thể tăng thêm thu nhập từ phế phẩm. Vì từ trước đến nay sau khi thu hoạch lúa xong, nguồn rơm rạ thải ra bà con phải đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường, hoặc cày vùi lấp xuống trong quá trình cải tạo đất, gây ngộ độc hữu cơ cho đồng ruộng.

“Chính vì vậy, việc có thể xuất khẩu được nguồn phế phẩm này giúp nông dân không phải mất công xử lý, vừa tăng thêm thu nhập. "Chúng tôi sẽ đánh giá lại vùng nguyên liệu xem khả năng cung ứng của mình tới đâu, nếu cần sẽ mở rộng ra các vùng lân cận để đáp ứng nhu cầu của đối tác", ông Phú nói.

Cũng xuất khẩu bã mía sang Nhật Bản để làm thức ăn gia súc, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Kim Nghĩa (Long An), cho biết: năm 2007 công ty của ông chỉ đơn thuần xuất khẩu bã mía, nhưng một năm sau thì đi vào chuyên sâu, mở rộng hơn.

Công ty nghiên cứu phát triển thêm nhiều loại sản phẩm khác và phối trộn các sản phẩm này với nhau theo yêu cầu của khách hàng, như bã mía lên men, bã dứa lên men, viên nén bã mía, viên nén bã dứa... và rất được khách hàng ưa chuộng.

Rõ ràng nhiều doanh nghiệp đã khá nhanh nhạy nắm bắt được nhu cầu của các thị trường tiềm năng, tuy nhiên, giống như yếu kém chung của các ngành nghề khác: chúng ta vẫn sản xuất manh mún nên không thể có nguồn nguyên liệu lớn để chủ động sản xuất. Chưa kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng sản phẩm không cao. Phải chăng đó chính là rào cản khiến cho ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu “rác” nông nghiệp dù không mới nhưng vẫn luôn ở dạng tiềm năng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem