Thành lập Ngân hàng đất trị giá 20 tỷ đồng đầu tiên ở miền Tây

Chúc Ly - Ngọc Quyên Thứ bảy, ngày 21/07/2018 18:45 PM (GMT+7)
Để có nguồn vật liệu thay thế cát san lấp đắt tiền và ngày càng khan hiếm, tỉnh Cà Mau đang xây dựng một ngân hàng đất, với giá trị 20 tỷ đồng.
Bình luận 0

Qua thống kê, hiện tỉnh Cà Mau cần 600.000m3 cát để thực hiện những công trình tái định cư cấp bách cho dân và đắp nền đê ven biển. Trong khi các tỉnh miền Tây gặp cảnh khan hiếm cát, dẫn đến sốt giá vật liệu xây dựng, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã gặp nhiều khó khăn.

Ông Tô Quốc Nam - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: Tỉnh có 290.000ha đất nuôi trồng thủy sản được bà con nạo vét bùn hàng năm. Lượng bùn này rất nhiều nhưng không có chỗ chứa, nên nhiều người lén lút bơm ra kênh rạch khiến cho dòng chảy bị tắt. Tình trạng này diễn ra nhiều thì nhà nước sẽ tốn chi phí rất lớn để thông luồng cho tàu thuyền đi lại. Có ngân hàng đất thì sẽ giảm được khoản chi này.

Cũng theo ông Nam, khi có vật liệu thay thế thì tuyến đê biển rộng 7,5m, dài 35km từ Sông Đốc của huyện Trần Văn Thời đến xã Khánh Hội, huyện U Minh mới được thực hiện sớm. Hiện nhiều nơi ở khu vực ven biển này đang đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng.

img

Ngân hàng đất ở Cà Mau có diện tích khoảng 11ha. (Ảnh: CTV).

Ngoài ra, tỉnh Cà Mau cũng tính đến phương án thu bùn nạo vét ao nuôi tôm. Phương án đưa ra là bùn bơm vào sà lan rồi cho thêm chất phụ gia vào, trộn đều để tăng độ kết dính trước khi đưa đến nơi cần san lấp.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, các nhà khoa học đang có kế hoạch đến Cà Mau lấy mẫu bùn rồi trộn với chất phụ gia để xem độ kết dính như thế nào. Ngân hàng đất ở Cà Mau rộng 11ha tại xã Trần Thới, huyện Cái Nước.

Để có thêm kinh nghiệm thực tế, lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau đã cùng Ngân hàng Thế giới (WB) đến Hà Lan tham quan mô hình ngân hàng đất được đầu tư rất hiệu quả tại nước này.

img

Bãi chứa bùn của ngân hàng đất 20 tỷ đồng ở tỉnh Cà Mau. (Ảnh: CTV).

Theo đó, cách làm của Hà Lan là có một lực lượng chuyên đi nạo vét kênh mương từ nông thôn đến đô thị rồi mang về ngân hàng đất. Tại đây, đất được phân loại để làm phân hữu cơ trước khi trộn phụ gia để mang đi san lấp nền đường, công trình dân dụng...

Sau chuyến thực tế, Sở NNPTNT Cà Mau trình phương án cho Bộ NNPTNT và được WB đầu tư 20 tỷ đồng để triển khai dự án ngân hàng đất duy nhất ở miền Tây. Hiện, dự án đang bước vào giai đoạn chuẩn bị khai thác bùn để đưa về ngân hàng dự trữ.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nam cho rằng: “Cà Mau mỗi năm có đến 10 triệu m3 đất bùn được nạo vét. Chúng tôi hỏi lãnh đạo các ngân hàng đất ở Hà Lan nếu diện tích chứa đất khoảng 11ha như Cà Mau thì mỗi năm họ đạt doanh thu đến 3 triệu Euro. Việc khan hiếm cát chắc chắn sẽ còn kéo dài, làm ngân hàng đất là phương án tốt cho tương lai”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem