Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề xuất 4 cách ứng phó hạn mặn

Đình Thắng (thực hiện) Thứ bảy, ngày 12/03/2016 07:39 AM (GMT+7)
Sau cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với các tỉnh khu vực ĐBSCL hôm 7.3, Bộ NNPTNT và các tỉnh đang ráo riết triển khai hàng loạt giải pháp để phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.
Bình luận 0

Vậy giải pháp nào là cấp bách và có tính khả thi nhất? Phóng viên Dân Việt trao đổi với ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ NNPTNT.

Với tình hình hạn hán  và xâm nhập mặn dự báo kéo dài như hiện nay, Bộ NNPTNT đã có dự báo về những thiệt hại và hậu quả như thế nào, thưa ông?

- Ước tính diện tích sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL bị ảnh hưởng do hạn mặn đã lên tới 140.000ha, trong đó trên 60% tác động đến năng suất cây trồng. Với tình hình này sẽ có khả năng ảnh hưởng đến lịch thời vụ của trên 500.000ha đất nông nghiệp ở ĐBSCL, có thể khu vực này sẽ phải lùi lịch thời vụ xuống giống, gieo trồng.

Ở khu vực Nam Trung Bộ có rất nhiều vùng phải ngừng sản xuất, khu vực Tây Nguyên nhiều diện tích canh tác cà phê có thể sẽ chết khô. Đặc biệt nhiều vùng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, như tỉnh Bến Tre toàn tỉnh bị nước mặn bao vây, số người thiếu nước sinh hoạt lên đến hàng trăm ngàn hộ. Đây là đợt thiên tai ở mức kỷ lục kéo dài, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của nông dân cùng nhiều ngành kinh tế khác.

img

Thiếu nước tưới, ruộng đồng ở huyện Long Phú (Sóc Trăng) nứt nẻ, lúa giảm mạnh năng suất.     Ảnh: T.L

Có lẽ dự báo cần làm quyết liệt hơn, dự báo cần sâu hơn và thông tin có phản hồi, phản hồi từ địa phương để chúng ta đánh giá xem thông tin có đến tận người dân không. Ở đây có rất nhiều cấp phải làm, không chỉ các cơ quan trung ương mà các tỉnh, huyện cũng phải làm tốt. Trong dự báo cũng cần tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả dự báo”. 

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng

Theo phản ánh của các địa phương, điều họ lúng túng nhất hiện nay là triển khai các biện pháp chống hạn, mặn nào hiệu quả. Phía Bộ NNPTNT xác định cần thực hiện những giải pháp gì?

- Qua đợt này có rất nhiều giải pháp để chống hạn và xâm nhập mặn, nhưng chúng tôi cũng xác định một số giải pháp quan trọng. Thứ nhất là công tác dự báo, phải nói rằng dự báo chuyên ngành của Bộ NNPTNT làm rất tốt, dự báo hạn hán và xâm nhập mặn được đưa ra từ tháng 10.2015 và đến tháng 2.2016 dự báo này vẫn đảm bảo được độ chính xác cao.

Có những đợt xả nước khá đột xuất ở thượng nguồn sông Mekong, từ mồng 4 Tết  Bính Thân chúng ta đã nắm được, cũng nhờ vậy mà các địa phương đã chủ động lấy nước, tích nước, do đó đã cứu được rất nhiều diện tích cây nông nghiệp.

Thứ hai, Bộ NNPTNT cũng đã kiến nghị rất nhiều các giải pháp về lịch thời vụ, các nhóm giải pháp kỹ thuật về lịch thời vụ, các hướng chuyển đổi cây trồng, tất cả đều có từ rất sớm. Đặc biệt Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ thị về phòng chống hạn hán với các giải pháp rất kịp thời.

Thứ ba là sự chỉ đạo của địa phương, tôi lấy ví dụ như ở Sóc Trăng, là một tỉnh ven biển, chịu ảnh hưởng nặng của mặn và hạn. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt kịp thời, các giải pháp tuyên truyền, phổ biến, lãnh đạo nhân dân chủ động bám sát diễn biến của thủy triều, của nguồn nước, để chủ động lấy nước ở mọi điều kiện có thể. Tỉnh tăng cường trang thiết bị đo mặn, đồng thời cử cán bộ bám sát cùng dân giải quyết. Như vậy là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng nhân dân tạo ra sự chuyển động hết sức mạnh mẽ, đấy là giải pháp rất ấn tượng. Đấy là giải pháp chúng ta cần nhân rộng ra để có thể lấy được nước và huy động toàn dân chống hạn.

Thứ tư, chúng ta đã từng bước thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), từng bước chuyển đổi các mô hình thích ứng phù hợp như chuyển từ mô hình trồng lúa sang mô hình tôm lúa… Tôi cho đây cũng là nhóm giải pháp ấn tượng.

Chúng tôi đánh giá cao vai trò của truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng đã vào cuộc quyết liệt, đi sâu sát, đến từng điểm để phản ánh, từ đó đưa ra những cảnh báo, những sáng kiến làm tốt, cảnh báo những nơi làm chưa tốt để chấn chỉnh.

Chúng ta đã từng phòng chống lụt bão rất hiệu quả, còn với hạn hán thì dường như vẫn bị động. Theo ông, cần thay đổi tư duy như thế nào để các địa phương cùng chung tay chống hạn?

- Chúng ta cần phải nắm rất sát tình hình, nhận định đúng các diễn biến, dự báo được các kịch bản trong thời gian tới và đề xuất các giải pháp để ứng phó, xây dựng các kịch bản trong trường hợp khẩn cấp. Trên cơ sở đó chúng ta điều chỉnh phát triển kinh tế xã hội của từng vùng, đặc biệt là điều chỉnh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp thủy sản trồng trọt. Hướng chủ động là cần thích ứng với biển đổi khí hậu, ở những vùng ĐBSCL hướng tới phát triển thủy sản, cây trồng chịu mặn.

Ở những khu vực Tây Nguyên cần hạn chế phát triển cây trồng sử dụng nhiều nước. Tăng cường hiệu quả quản lý nước, sử dụng nước tiết kiệm. Bên cạnh đó cần tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chú trọng xây dựng hồ chứa, hệ thống chuyển tiếp nước tiết kiệm. Ở ĐBSCL nghiên cứu xây dựng một số hệ thống cống để đảm bảo quá trình chuyển đổi thích nghi  phù hợp. Tuyên truyền vận động người dân thấy được điều kiện thay đổi, BĐKH để người dân có ý thức chủ động phòng chống ứng phó thiên tai.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem