Trưởng bản có “của ăn, của để” nhờ nuôi trâu, trồng lúa

Phan Mạnh Chi - Văn Chiến Thứ tư, ngày 17/10/2018 06:45 AM (GMT+7)
Mạnh dạn vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội đầu tư chăn nuôi dê, lợn, gà, vịt... gia đình anh Sùng Có Mù, bản Lù Suối Tổng (xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá giả, có “của ăn, của để” trong bản. Anh Mù được bà con dân bản tín nhiệm bầu làm trưởng bản Lù Suối Tổng.
Bình luận 0

Trước năm 2011, gia đình anh Sùng Có Mù nằm trong diện hộ đặc biệt khó khăn của bản. Vợ chồng anh làm lụng, vất vả, quần quật cả ngày trên nương, dưới ruộng mà kinh tế gia đình mãi không khá lên được. Vào thời kì giáp hạt, gia đình anh phải chạy ăn từng bữa.

“Lúc đó tôi nghĩ, muốn thoát khỏi đói nghèo thì phải thay đổi thói quen canh tác, chứ không nên chỉ dựa vào cây ngô, cây lúa. Nghĩ là làm, tôi quyết định vay vốn ưu đãi từ phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Sìn Hồ để đầu tư chăn nuôi” – Sùng Có Mù vui vẻ kể lại.

img

Trưởng bản Sùng Có Mù vỗ béo trâu bán ra thị trường

Với 30 triệu đồng vay từ phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện, anh Mù mua 8 con dê, 10 con lợn, 30 con gà vịt về nuôi. Anh làm chuồng trại cẩn thận. Vừa mầy mò học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi quan sách báo, ti vi, anh Mù vừa tích cực tham gia các lớp tập huấn về kĩ thuật chăn nuôi do xã, huyện tổ chức. Hàng ngày, anh dậy từ rất sớm vệ sinh chuồng lợn, cho chúng ăn, sau đó mới lùa đàn dê đi chăn thả trên đồi. Đàn lợn, dê, gà, vịt được anh chăm chút, cho ăn đủ chất dinh dưỡng nên sinh trưởng, phát triển tốt. Nhìn đàn lợn, đàn dê lớn dần theo năm tháng, vợ chồng anh khấp khởi mừng thầm. Đến thời kì lợn xuất chuồng, anh bán được gần 1 tấn lợn hơi với giá gần 60.000 đồng/kg, thu hơn 50 triệu đồng.

img

Anh Mù luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động của bản

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, với số tiền có được từ bán lợn, gà, anh tiếp tục đầu tư  mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng đàn lên 20 con lợn, hàng trăm con gà, vịt, đồng thời mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào chăm sóc, nâng cao năng suất lúa, ngô.

Nhờ đó năm 2014, anh thu trên 2 tấn thóc, 3 tấn ngô, thu 150 triệu từ bán gia súc gia cầm. Đặc biệt năm 2015, anh tập trung nuôi 10 con trâu theo hình thức vỗ béo tại chuồng, chuyển toàn bộ hai ha ruộng sang gieo lúa lai, ngoài ra còn nuôi thêm cá, gà, vịt.

img

Mạnh dạn đưa giống lúa lai vào sản xuất, năng suất lúa của gia đình anh Mù cao hơn nhiều so với sử dụng giống địa phương

Năm 2017, anh Mù thu 220 triệu đồng từ chăn nuôi trâu, lợn, gà, vịt. Một khoản tiền không phải đơn giản để kiếm được đối với đồng bào vùng khó khăn như ở Làng Mô.

Thấy anh làm ăn hiệu quả, nhiều hộ dân trong bản đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi lợn, gà. Được anh chỉ bảo tận tình kĩ thuật chăm sóc lợn, gà, dê, nhiều gia đình trong bản đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi có hiệu quả. Anh Mù được dân bản tín nhiệm bầu làm trưởng bản Lù Suối Tổng từ năm 2013.

 img

Nhờ chăn nuôi, gia đình anh Mù có của ăn, của để, mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền

“Trước đây già đình tôi nghèo lắm, nhưng mình nghĩ muốn có cuộc sống ấm no, đầy đủ thì phải chịu khó. Và cũng may có Nhà nước cho vay vốn nên gia đình đã có điều kiện để chăn nuôi, trồng lúa tốt hơn. Nhờ chăn nuôi trâu, lợn, gà, vịt mà gia đình tôi có của ăn, của để, mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền dùng trong sinh hoạt. Mình là trưởng bản thì phải thực hiện trước, sau đó vận động bà con làm theo. Mình gương mẫu thì nói ai cũng nghe thôi” – anh Mù phấn khởi cho biết.

“Anh Sùng Có Mù không chỉ gương mẫu trong mọi hoạt động, làm tốt vai trò, trách nhiệm của người trưởng bản mà còn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình. Chúng tôi tuyên truyền, vận động bà con học tập, noi gương anh Mù trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng nông thôn mới” - ông Giàng A Kỷ - Phó chủ tịch UBND xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ, cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem