VCCI: Dự thảo về phân bón tạo điều kiện cho… tham nhũng, tiêu cực

Nguyên Linh Thứ ba, ngày 23/07/2019 10:42 AM (GMT+7)
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) vừa gửi dự thảo lấy ý kiến rộng rãi góp ý Nghị định mới về quản lý phân bón. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dự thảo Nghị định mới do Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) soạn thảo lần này, có nhiều yếu tố “hành là chính”, làm khó cho doanh nghiệp, thậm chí có thể tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực.
Bình luận 0

Quy định rất nhiều thủ tục hành chính

Cụ thể, theo VCCI, dự thảo quy định rất nhiều các thủ tục hành chính nhưng lại chưa đáp ứng được các yêu cầu của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính tại Nghị định 63/2010/NĐ-CP. 

Trong đó, thứ nhất, cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu thêm thành phần hồ sơ so với quy định tại Nghị định này. Thứ hai, cơ quan tiếp nhận chỉ được phép yêu cầu bổ sung hồ sơ một lần.

img

Dự thảo Nghị định mới về quản lý phân bón đang gây nhiều tranh cãi.

Đối với các hồ sơ yêu cầu bản dịch: Một số thủ tục hành chính của dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải nộp tài liệu bản dịch ra tiếng Việt “có xác nhận của cơ quan dịch thuật”. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hiện có tình trạng một số cơ quan nhà nước khi yêu cầu doanh nghiệp nộp bản dịch hồ sơ sau đó từ chối hoặc chậm làm thủ tục bởi lý do bản dịch chưa chuẩn. Điều này khiến các doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, mất thời gian, thậm chí còn là cơ hội cho tham nhũng tiêu cực.

Do đó, VCCI đề nghị, về vấn đề tài liệu dịch, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng: Cho phép doanh nghiệp tự dịch hồ sơ và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch mà không cần có xác nhận của bất kỳ bên thứ ba nào khác; Trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công chứng và bản dịch đã được đơn vị cung cấp dịch vụ công chứng xác nhận, cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được phép từ chối vì lý do bản dịch không chính xác.

Thời gian xem xét, thẩm định hồ sơ quá lâu

Đối với thời hạn xem xét tính đầy đủ của hồ sơ: Tất cả các thủ tục hành chính của dự thảo hiện đều đang để thời gian xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ là 3 ngày. So sánh với nhiều thủ tục hành chính trong các lĩnh vực khác thì thời gian này là quá dài. Nhiều thủ tục hành chính khác yêu cầu cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải trả lời về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ ngay khi nộp hồ sơ trực tiếp, hoặc chỉ trong 1 ngày khi nộp hồ sơ qua bưu chính và trực tuyến.

Về thời hạn thực hiện thủ tục hành chính: Dự thảo quy định rất nhiều thời hạn làm thủ tục hành chính nhưng lại không đầy đủ. Ví dụ, Điều 4.3 của Dự thảo chỉ quy định thời hạn từ khi “nhận đủ hồ sơ hợp lệ” đến khi “tổ chức thẩm định để đánh giá hồ sơ”, nhưng lại chưa quy định thời gian “thẩm định đánh giá hồ sơ” mất bao lâu, cũng chưa có quy định từ khi “thẩm định đánh giá hồ sơ” cho đến khi ban hành Quyết định công nhận phân bón lưu hành là bao lâu?.

 Đây là một lỗ hổng pháp lý có thể khiến cơ quan thực hiện thủ tục hành chính kéo dài thời gian mãi mãi.

Nhiều thủ tục hành chính khác trong Dự thảo cũng đang có vấn đề tương tự, tức là chỉ quy định thời hạn từ khi nhận hồ sơ hợp lệ đến khi tổ chức đánh giá, thẩm định, kiểm tra, nhưng lại không có quy định thời hạn từ khi tổ chức đánh giá, thẩm định, kiểm tra đến khi trả lời thủ tục hành chính. Ví dụ như các thủ tục cấp lại Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Điều 5.3.a, thủ tục gia hạn Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Điều 6.3, thủ tục công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón tại Điều 9.3, và nhiều thủ tục khác.

Về hồ sơ đăng ký lưu hành phân bón: Điều 4.2.đ của Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải nộp “mẫu nhãn phân bón” trong thành phần hồ sơ đăng ký lưu hành phân bón. Theo quy định của Luật Trồng trọt, phân bón được chấp nhận đăng ký lưu hành chỉ cần phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật và có kết quả khảo nghiệm. Luật không có bất kỳ yêu cầu phải đáp ứng quy định về mẫu nhãn phân bón trước khi đăng ký lưu hành.

Điều 47 và 48 của Luật Trồng trọt chỉ quy định về tên phân bón và việc ghi nhãn phải phù hợp với Quyết định công nhận phân bón lưu hành. Quy định nộp mẫu nhãn phân bón khi đăng ký lưu hành đã vượt quá yêu cầu của Luật Trồng trọt. Cơ quan nhà nước vẫn có thể bảo đảm doanh nghiệp tuân thủ Điều 47 và Điều 48 khi kiểm tra thực tế hàng hoá trong lưu thông.

Trên thực tế, doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi nội dung của nhãn hàng hoá mà vẫn phù hợp với quy định của pháp luật nhằm có hình thức bao bì đẹp hơn. Việc yêu cầu phải nộp “mẫu nhãn phân bón” ngay khi đăng ký lưu hành sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi điều chỉnh hình thức của nhãn hàng hoá.

img

Sản xuất phân bón tại Việt Nam.

Đối với thời hạn cấp chứng nhận đăng ký lưu hành: Điều 4.3 của Dự thảo quy định thời hạn thẩm định đánh giá hồ sơ đăng ký lưu hành là 6 tháng kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Theo các quy định tại Dự thảo, việc đánh giá này chỉ được thực hiện trên hồ sơ do doanh nghiệp nộp, không có hoạt động kiểm tra thực tế hay thử nghiệm, thí nghiệm khác.

Toàn bộ hoạt động khảo nghiệm và thử nghiệm (các công đoạn mất nhiều thời gian nhất) đã được thực hiện tại đơn vị có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ khảo nghiệm và chứng nhận sự phù hợp được cơ quan nhà nước cấp phép.

Việc kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ lên đến 6 tháng là không hợp lý. Đó là chưa kể trường hợp một số loại phân bón được miễn khảo nghiệm khi đăng ký lưu hành thì việc xem xét hồ sơ có thể diễn ra rất nhanh chóng.

So sánh với Điều 5.3.a của dự thảo về thời hạn cấp lại Quyết định công nhận phân bón lưu hành chỉ có 7 ngày làm việc, trong đó có trường hợp cấp lại khi bổ sung thêm phương thức sử dụng, đối tượng cây trồng và phải có kết quả khảo nghiệm. Như vậy có thể thấy, cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể xem xét tính phù hợp của kết quả khảo nghiệm chỉ trong 7 ngày làm việc.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo rút ngắn thời gian cấp đăng ký lưu hành phân bón tối đa là 1 tháng.

Đối với hồ sơ đề nghị cấp lại Quyết định công nhận phân bón lưu hành. Theo VCCI, điều 5.2.c của Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải nộp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân hoặc Giấy chứng nhận đầu tư. Trong khi đó, hồ sơ khi cấp mới Quyết định công nhận phân bón lưu hành lại không yêu cầu nộp những loại giấy tờ này.

Như vậy, khi đăng ký phân bón mới, cơ quan nhà nước đã chấp nhận cơ chế doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm, nhưng không hiểu vì sao khi cấp lại đăng ký lưu hành lại bắt doanh nghiệp phải nộp hồ sơ chứng minh. Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ thành phần hồ sơ tại Điều 5.2.c và cho phép cơ chế doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm.

Còn về hồ sơ đề nghị gia hạn Quyết định công nhận phân bón lưu hành: Điều 6.2.b của Dự thảo quy định thành phần hồ sơ khi gia hạn lưu hành phân bón phải có thông báo tiếp nhận công bố hợp quy. Tuy nhiên, trong thủ tục cấp mới đăng ký lưu hành tại Điều 4.2.b lại chỉ yêu cầu doanh nghiệp nộp phiếu kết quả thử nghiệm. Không rõ vì sao hai thủ tục này có cùng tính chất như nhau nhưng lại yêu cầu khác nhau về thành phần hồ sơ như vậy. Đề nghị cơ quan soạn thảo quy định đơn giản theo hướng doanh nghiệp chỉ cần nộp phiếu kết quả thử nghiệm là được.

Về hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón: Điều 12.3 của Dự thảo quy định doanh nghiệp phải nộp phiếu kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh đối với máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và các thiết bị đo lường, thử nghiệm.

Trong khi đó, Điều 41.2 của Luật Trồng trọt về các điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón không có yêu cầu các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và các thiết bị đo lường, thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh. Như vậy, quy định tại Điều 12.3 của Dự thảo hiện đang trái Luật Trồng trọt khi đưa thêm yêu cầu để được cấp phép. Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

Góp ý tương tự cho Điều 15.5.c của Dự thảo yêu cầu nộp phiếu kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh đối với máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và các thiết bị đo lường thử nghiệm trong hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.

Điều 12.5 và Điều 12.6 của Dự thảo cũng yêu cầu doanh nghiệp phải nộp Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết hoặc Giấy xác nhận đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc Cam kết bảo vệ môi trường, và Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy hoặc phương án chữa cháy của cơ sở.

Các thành phần hồ sơ này cũng vượt quá yêu cầu tại Điều 41.2 của Luật Trồng trọt. Đề nghị cơ quan soạn thảo nội dung này của Dự thảo. Hơn nữa, việc bảo đảm các yêu cầu về môi trường, phòng cháy chữa cháy sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường, không cần thiết phải đưa nội dung này vào quy định cấp phép đủ điều kiện kinh doanh.

Góp ý tương tự với Điều 15.5.c của dự thảo yêu cầu nộp các giấy phép môi trường trong hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.

img

VCCI cho rằng, rất nhiều các quy định trong Nghị định mới về phân bón chỉ mang tính thủ tục, có thể tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực.

Điều kiện sản xuất phân bón: Mục 4 của Phụ lục II của Dự thảo về điều kiện sản xuất phân bón yêu cầu doanh nghiệp phải có cân hoặc thiết bị đo lường, thiết bị kiểm soát thể tích theo pháp luật về đo lường. Trong khi đó, Điều 41.2 của Luật trồng trọt không có yêu cầu này. Lưu ý, Điều 41.4 của Luật Trồng trọt chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện sản xuất phân bón tại Điều 41.2, chứ không được bổ sung thêm điều kiện mới vượt quá Luật. Hơn nữa, việc giám sát về khối lượng, dung tích sản phẩm bao gói đã được thực hiện thông qua cơ chế hậu kiểm hàng hoá trên thị trường. Bản thân người tiêu dùng cũng sẽ yêu cầu người bán phải cân đúng, đo đủ. Do đó, việc Nhà nước kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh là không cần thiết. Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ nội dung này.

Hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón:

Điều 19.2.đ yêu cầu doanh nghiệp phải nộp Giấy chứng nhận lưu hành tự do do nước xuất khẩu cấp hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy chuẩn của nước xuất khẩu khi nhập khẩu phân bón theo giấy phép. Theo Điều 44.2 của Luật Trồng trọt, các trường hợp phân bón nhập khẩu theo giấy phép là để khảo nghiệm, dùng nội bộ cho một số dự án, làm quà tặng, hàng mẫu, tham gia hội chợ triển lãm, nghiên cứu khoa học, làm nguyên liệu.

Những trường hợp này, phân bón không được mua bán trên thị trường mà được sử dụng cho các mục đích nghiên cứu, nội bộ, thậm chí không được sử dụng trên thực tiễn. Do đó, việc yêu cầu phải có Giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy chuẩn của nước xuất khẩu là không cần thiết. Hơn nữa, một số trường hợp phân bón đang trong giai đoạn nghiên cứu, khảo nghiệm ở cả nước ngoài lẫn Việt Nam thì không thể có các loại giấy tờ này.

Kiểm tra chuyên ngành phân bón nhập khẩu: Điều 20.1 của Dự thảo quy định cho phép doanh nghiệp nộp hồ sơ kiểm tra chuyên ngành phân bón nhập khẩu qua hình thức dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, trên thực tế, trên website của Cục Bảo vệ thực vật, website dịch vụ công trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và Cổng thông tin Một cửa Quốc gia đều chưa cho phép thực hiện thủ tục đăng ký kiểm tra chuyên ngành phân bón nhập khẩu trực tuyến cấp độ 3 và cấp độ 4. Nhằm thực hiện các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 của Chính phủ, đề nghị Bộ Nông nghiệp nhanh chóng ứng dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và cấp độ 4 đối với kiểm tra phân bón nhập khẩu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem