CSGT TP.HCM: Dịch vụ Uber, Grab làm tăng áp lực giao thông

Ngọc Phạm Thứ năm, ngày 13/10/2016 15:29 PM (GMT+7)
Mật độ giao thông tại TP.HCM trở nên dày đặc một phần là do áp lực từ ô tô dùng dịch vụ Uber, Grab.
Bình luận 0

img

Buổi hội thảo có đại diện của các sở, ngành liên quan.

Tại Hội nghị “Sơ kết 9 tháng triển khai thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” do Bộ GTVT tổ chức tại TP.HCM, trung tá Huỳnh Trung Phong - Phó trưởng phòng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67) - Công an TP.HCM cho biết: Trong 9 tháng đầu năm, TP.HCM đã ghi nhận khoảng 60.000 ô tô con đăng ký mới, tức hơn 6.000 xe/tháng hay 200 xe/ngày, chưa tính các loại xe khác.

Theo trung tá Phong, so với cùng kỳ năm 2015, con số này tăng 30%, vô tình tạo một áp lực rất lớn cho giao thông đường bộ tại TP.HCM. Đặc biệt từ tháng 9 trở lại đây, mật độ phương tiện lưu thông trên đường trở nên dày đặc.

“Chúng tôi khẳng định lượng xe tham gia hoạt động vận tải theo hợp đồng điện tử của Grab và Uber có gây ảnh hưởng tới hoạt động giao thông của thành phố trong 9 tháng đầu năm vừa qua”, trung tá Phong nói.

img

Một số hợp đồng điện tử được gửi tới email của hành khách khi đi Uber, Grab.

Mặc dù vậy, theo trung tá Phong, phần mềm hỗ trợ gọi xe đã được thế giới ứng dụng từ rất lâu, còn Việt Nam chỉ mới áp dụng trong thời gian gần đây, chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM. Ban đầu, loại hình này đã cho thấy tính hiệu quả, chẳng hạn trước đây các phương tiện phải liên tục lưu thông trên đường để tìm khách thì nay đã hạn chế điều đó.

“Do các ứng dụng này mang lại những mặt tích cực nhất định, hỗ trợ kinh doanh tốt nên nhiều cá nhân, doanh nghiệp có xu hướng mua xe để kinh doanh. Kết quả, từ bản chất giúp giảm áp lực giao thông thì các ứng dụng này đã vô tình khiến lượng xe ô tô lưu thông trên đường tăng lên đáng kể”, trung tá Phong nhận định.

Liên quan tới ý kiến của đại diện PC67- Công an TP,HCM, đại diện Phòng Quản lý Vận tải (Sở GTVT TP.Hà Nội) cho rằng: Ở những địa phương có mật độ giao thông lớn, cơ quan chức năng cần nghiên cứu giới hạn vừa đủ số lượng phương tiện chạy theo hợp đồng điện tử.

Trước đó, trong một sự kiện khác ở TP.HCM, ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Grab Việt Nam từng cho biết: "Những đối tác muốn tham gia chạy xe GrabCar nên tận dụng nguồn xe nhàn rỗi, tham gia vào các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp vận tải để chạy xe, chứ không nên mua xe mới. Việc mua xe mới sẽ làm gia tăng lưu lượng xe lưu thông trên đường, khiến tình hình giao thông tệ hơn, không đúng tôn chỉ ban đầu của Grab."

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện ở Việt Nam chỉ mới có 3 ứng dụng công nghệ kết nối hành khách với lái xe được phép hoạt động thí điểm, đó là GrabCar của Công ty TNHH Grab Việt Nam, V-Car của Công ty Cổ phần Ánh Dương (Vinasun) và Thanh Cong Car của Công ty Cổ phần Vận tải 57 Hà Nội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem