Đại lộ danh nhân: “Giẫm đạp lên tên sao gọi là tôn vinh?”

Tất Định Thứ năm, ngày 23/02/2017 18:55 PM (GMT+7)
Con đường vinh danh những danh nhân, nghệ sĩ nằm ở vị trí mà cả ngàn lượt người sẽ đi bộ vào mỗi cuối tuần.
Bình luận 0

img

Theo đề xuất, "Đại lộ danh nhân" sẽ nằm ven hồ Hoàn Kiếm, kéo dài từ tháp Hòa Phong đến đền Bà Kiêu 

Gần đây, thông tin về việc Hà Nội đưa ra ý tưởng xây dựng “Đại lộ danh nhân” ghi danh những danh nhân, nghệ sĩ, nhà khoa học... có đóng góp lớn cho TP thu hút sự chú ý của dư luận.

Nhiều người cho rằng tuyến đường này sẽ tạo điểm nhấn trong không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại nó sẽ gây lên tranh cãi, ai sẽ được ghi danh.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tỏ ra ngạc nhiên trước ý tưởng này. Bởi phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm có hàng ngàn lượt người qua lại vào mỗi dịp cuối tuần, chưa tính đến ngày lễ Tết. Làm “Đại lộ danh nhân” thì không thể tránh được tình trạng người đi đường giẫm chân những viên đá ghi danh.

“Tên là điều rất thiêng liêng với người Việt, khắc tên danh nhân lên mặt đường để cả ngàn người giẫm đạp sao gọi là tôn vinh được? Văn hóa của chúng ta khác văn hóa Mỹ. Những danh nhân, người có công thường được khắc tên lên bia đá đặt ở nơi trang trọng, không phải ở mặt đường, vỉa hè”, PGS Hùng nói.

Theo ông Hùng, nếu xây “Đại lộ danh nhân” sẽ vấp phải một vấn đề gây tranh cãi lớn, ai sẽ xứng đáng được vinh danh ở đó. “Xét danh nhân theo tiêu chí nào? Đóng góp ra sao? Nếu không lập được một hội đồng thẩm định khách quan, con đường đó có thể biến thành nơi ghi thêm vài người háo danh, nhờ vả, xin xỏ để được tôn vinh”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, người nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Hà Nội lại ủng hộ ý tưởng “Đại lộ danh nhân”. Tuy nhiên, thành phố cần cân nhắc vị trí phù hợp.

Ông Tiến cho rằng khu vực hồ Hoàn Kiếm gắn với truyền thuyết lịch sử tâm linh, nơi có Tháp Bút, Đài Nghiên tôn vinh văn hóa truyền thống. Việc xây dựng công trình mang dấu ấn, phong cách phương Tây không phù hợp.

“Ý tưởng tốt thì nên chọn một vị trí tốt, không nên dồn tất cả vào hồ Hoàn Kiếm, nơi quá đông đúc. Chúng ta có những công viên lớn như công viên Hòa Bình thì sao không đặt những danh nhân ở đó”, ông Tiến bày tỏ.

Trước đó, ông Vũ Hồng Dương, Trưởng ban quản lý xây dựng công trình công ích quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, dự án “Xây dựng cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm” trong đó có hạng mục “Đại lộ danh nhân” sẽ được lấy ý kiến của người dân để hoàn thiện.

Theo đó, một đoạn đường Đinh Tiên Hoàng kéo dài từ tháp Hòa Phong tới đền Bà Kiệu được đề xuất cải tạo thành "Đại lộ danh nhân". Cũng theo dự kiến “Đại lộ danh nhân” sẽ là nơi ghi danh những danh nhân, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu... có đóng góp lớn cho sự phát triển của Hà Nội, tương tự như “Đại lộ danh vọng” của nước Mỹ.

Chiều 22.2, trao đổi với PV, ông Phạm Tuấn Long, PCT UBND quận Hoàn Kiếm cho hay, theo kết quả lấy ý kiến người dân, có đến 96% ủng hộ việc cải tạo, chỉnh trang khu vực hồ Hoàn Kiếm, cùng ý tưởng xây dựng “Đại lộ danh nhân”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem