Nhận tiền mặt khi thông báo người xin ăn ở Nha Trang

Ngọc Phạm Thứ ba, ngày 01/03/2016 16:28 PM (GMT+7)
Phòng LĐ-TB & XH TP.Nha Trang chọn giải pháp trao tiền mặt cho cá nhân nào phát hiện, thông báo đúng đối tượng ăn xin, sống vô gia cư trên địa bàn thành phố.
Bình luận 0

img

Vấn nạn xin ăn đang được nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước “ra tay” quyết liệt để kéo giảm, thậm chí đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn vào năm 2020. (Ảnh minh họa)

Cuối tháng 2.2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt đề án “Thực hiện mục tiêu không có người lang thang xin ăn trên địa bàn TP.Nha Trang”. Đây là đề án thực hiện trong nhiều năm, với mục tiêu tới năm 2020, mọi phường, xã của TP.Nha Trang sẽ không còn người xin ăn, người lang thang cơ nhỡ.

Trong đó có nội dung: Khi phát hiện người xin ăn, sống nơi công cộng trên địa bàn TP.Nha Trang, người dân có thể gọi về đường dây nóng 0583.525440 của đội chuyên trách, hoặc báo cho UBND xã, phường gần nhất. Người đầu tiên báo tin đúng đối tượng sẽ được hỗ trợ 100.000 đồng/tin.

Về thông tin thưởng 100.000 đồng/tin báo có nêu trong đề án, PV đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Mai Loan - Trưởng phòng LĐ-TB & XH TP.Nha Trang để tìm hiểu rõ hơn về quy trình thực hiện.

Tình hình người xin ăn, người sống vô gia cư trên địa bàn TP.Nha Trang trong năm 2015 và hai tháng đầu năm 2016 ra sao, thưa bà?

Trong năm 2015, chúng tôi đã tập trung được 235 đối tượng. Trong đó, có 175 nam, 60 nữ. Riêng hai tháng đầu năm 2016, đã có 36 đối tượng được tập trung, bao gồm 23 nam và 13 nữ.

Tất cả các đối tượng trên được chuyển cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa quản lý, chăm sóc theo quy định.

img

Ngoài người xin ăn, người sống vô gia cư cũng sẽ được tập trung. (Ảnh minh họa)

Những lý do nào để Phòng LĐ-TB & XH lựa chọn giải pháp hỗ trợ tiền cho cá nhân báo tin người lang thang xin ăn, thưa bà?

Nội dung hỗ trợ tiền nằm trong những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố cũng như khuyến khích người dân cùng tham gia vào việc giải quyết tình trạng trên, vì mục tiêu đảm bảo mỹ quan đô thị, xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện.

Thực tế, chúng tôi cũng có học hỏi từ TP.Đà Nẵng khi đưa ra đề án này. TP.Đà Nẵng đã triển khai và rất thành công.

Nguồn kinh phí để thực hiện đề án đến từ đâu, thưa bà?

Tổng kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2015 - 2020 là gần 7,8 tỉ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh là hơn 5 tỉ đồng và nguồn ngân sách thành phố gần 2,8 tỉ đồng.

Xin bà nói rõ hơn về quy trình từ lúc nhận tin báo của người dân tới khi trao tiền hỗ trợ.

Chúng tôi thành lập đội 524 gồm 11 người, trong đó có 2 công an. Sau khi nhận thông tin từ người dân thông qua đường dây nóng 058.3525.440, đội 524 sẽ xác nhận thông tin chính xác và tiến hành tập trung đối tượng theo quy trình.

Sau khi hoàn tất các thủ tụ chuyển đối tượng vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa theo quy định, đội 524 sẽ liên lạc lại với người báo tin thông qua số điện thoại lưu trong hộp thư thoại của đường dây nóng.

Hoàn thành lấy thông tin, chúng tôi sẽ chuyển tiền hỗ trợ đến người báo tin bằng 2 cách, đó là: Người báo tin trực tiếp đến văn phòng làm việc của đội (tại Phòng LĐ-TB & XH TP.Nha Trang) để nhận, hoặc đại diện UBND xã, phường gần nhất sẽ chuyển trực tiếp đến người báo tin.

Đã có bao nhiêu cuộc gọi tới số đường dây nóng từ khi triển khai đề án?

Thông tin về đề án đã được thông tin rộng rãi từ cuối tháng 2, tuy nhiên chúng tôi chỉ mới bắt đầu thực hiện từ ngày 1.3.2016. Kể từ ngày 1.3, đường dây nóng cũng sẽ hoạt động 24/24, luôn có người trực để tiếp nhận thông tin từ người dân.

Tính đến lúc này, chúng tôi đã nhận được 8 cuộc gọi thông báo phát hiện người xin ăn trên địa bàn. Trong đó, có trường hợp xử lý được và cũng có trường hợp chưa kịp (do đối tượng đã rời đi).

Trước khi có đề án này, đơn vị đã gặp những khó khăn, bất cập gì trong công tác tập trung, kéo giảm người lang thang xin ăn?

Công tác tập trung người lang thang xin ăn chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục mà chủ yếu thực hiện theo các đợt cao điểm vào các ngày lễ lớn, dịp lễ hội, dịp tết,…

Nguyên nhân là địa bàn rộng, lực lượng mỏng (chỉ có 1 người chuyên trách của Phòng LĐ-TB & XH và 2 thanh niên xung kích), chưa có lực lượng thường trực để kịp thời phát hiện, tổ chức tập trung người lang thang xin ăn một cách liên tục.

Bên cạnh đó, do việc quy định “Thế nào là người lang thang xin ăn?” cũng chưa rõ ràng nên vẫn có một số đối tượng lợi dụng bán hàng rong, bán vé số để xin ăn, dẫn đến việc phát hiện, tập trung đối tượng còn nhiều khó khăn.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính quyền tới người dân đối với tình trạng người lang thang xin ăn chưa được quan tâm đúng mức, chưa tạo được sự hợp tác của cộng đồng đối với việc giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn.

Trước đó, cũng chưa có chế độ, chính sách đặc biệt cho cán bộ làm công tác giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, nên chưa thực sự tạo động lực cho cán bộ khi phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn yếu tố nguy hiểm cao.

Cuối cùng, bà kỳ vọng gì ở đề án lần này?

Mục tiêu của chúng tôi là 100% xã, phường trên địa bàn thành phố Nha Trang không có người của địa phương có hành vi lang thang xin ăn.

Xin cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem