17 tuổi mới đi học, cô gái miền núi cãi lời cha mẹ thành tiến sĩ

Trà Li (New York Post) Thứ hai, ngày 24/02/2020 07:00 AM (GMT+7)
17 tuổi mới được đến trường, tiến sĩ Tara Westover không ít lần oán trách cha mẹ khi tư tưởng của họ biến cô trở thành người thiếu hiểu biết. Nhưng tất cả oán trách đó dần trở thành động lực thôi thúc cô không ngừng học tập.
Bình luận 0

Gia đình nói không với giáo dục, bệnh viện

Cha mẹ của Tara Westover là người theo đạo Mormon (được khởi xướng ở vùng ngoại ô New York từ những năm 1820). Cả gia đình sinh sống lẩn khuất trên vùng núi Buck Buck Peak phía đông nam bang Idaho (Mỹ).

Tara là con út trong gia đình 7 người con. Cô được sinh ra tại nhà vào năm 1986 vì cha cô không cho phép con cái được sinh ra trong bệnh viện hay để lộ sự tồn tại của con cái với chính quyền. Mãi đến năm 9 tuổi, Tara mới có giấy khai sinh. Thậm chí, khi đi làm giấy tờ, không một ai trong gia đình nhớ chính xác ngày sinh của Tara.

img

Tara Westover lớn lên mà không hề biết đến trường học, bệnh viên.

Có tâm lý nghi kỵ chính quyền, cha Tara tuyệt đối cấm các con đến trường học. Mỗi khi các con hỏi những câu hỏi liên quan việc đến trường, ông đều nói: "Nó (trường học) chỉ dùng để tẩy não thôi!". Chính vì vậy, gia đình Tara đã tự giáo dục tại nhà bằng vài cuốn sách mà mẹ cô thu thập được.

Vào những ngày hiếm hoi khi Tara được "học", cô thừa nhận mình chỉ mở cuốn sách toán chừng 10 phút. Cha mẹ cho phép Tara theo đuổi âm nhạc, học piano và nhảy sau một lần cô được mọi người khen ngợi khi biểu diễn trong một dàn hợp xướng tại nhà thờ.

Bên cạnh việc từ chối nền giáo dục, gia đình Tara cò nói không với cả y học hiện đại. Mẹ cô - một nhà thảo dược học và một nữ hộ sinh tự học bị mất trí nhớ trong một vụ tai nạn - đã tự điều trị thương tích cho cả nhà bằng các loại thảo dược bà kiếm được. Tara vẫn còn nhớ như in lần được mẹ chữa vết thương do bị một thanh sắt đâm vào chân hồi 10 tuổi, trong nhà máy phế liệu của gia đình. Cô miêu tả nó là rất "đáng sợ" khi các loại thảo mộc không thể chữa lành vết thương.

Bước ngoặt từ tâm sự của anh trai

Hầu hết anh chị em của Tara đều sống cuộc sống ẩn dật và kết hôn sớm. Tara từng mong mình sẽ làm điều tương tự, cho đến khi một người anh trai của cô tên Tyler tâm sự rằng, tấm bằng âm nhạc sẽ giúp cô trở thành trưởng dàn hợp xướng của thị trấn.

Tyler là đứa trẻ duy nhất trong nhà được học ở trường lớp. Để được đi học, anh đã cãi lại lời cha mẹ, rời khỏi ngôi nhà trên núi của gia đình và tự bươn trải để đóng học phí.

Như được tiếp thêm động lực sau lời động viên của anh trai, Tara ngồi xe 40 dặm để mua một cuốn sách giáo khoa lượng giác và đăng ký học bằng máy tính tại doanh nghiệp địa phương nơi cô làm kế toán. Khi nhận được giấy báo nhập học lần đầu tiên ở tuổi 16 tại một trường trung học gần đó, cô lúng túng, không biết trả lời thế nào và không hề có kinh nghiệm đi học theo trường lớp. "Hơn cả ngu ngốc, khi đó, tôi cảm thấy mình thật nực cười", Tara nhớ lại.

Sau đó, Tara đã đỗ vào Đại học Brigham Young. Năm 2004, cô chuyển đến một căn hộ gần trường và bắt đầu đi học chính thức ở tuổi 17. Cô cũng tự trả tiền học bằng số tiền kiếm được với công việc kế toán và nhân viên bán hàng tạp hóa. Thay vì mừng cho con gái, cha Tara chỉ im lặng buồn bã.

Các lớp học đông đúc thực sự là một cuộc chiến với Tara. Cô chưa từng được dạy viết một bài luận hay ghi chép. Những câu hỏi ngây ngô của cô trên giảng đường đại học đã khiến cô cảm thấy oán giận chính cha mẹ mình. Cô xấu hổ vì mình thiếu hiểu biết, rồi quay sang giận dữ cha mẹ vì để cô lớn lên với một cái đầu rỗng tuếch. Nhưng cơn giận đó đã nhanh chóng trở thành "cơn đói" kiến thức.

img

Năm 17 tuổi, Tara mới lần đầu tiên được đến trường đúng nghĩa.

Sau đó, Tara được hướng dẫn nộp đơn xin du học tại Đại học Cambridge ở Anh. Khi đó, Tara không biết Cambridge là gì, nhưng cô đã xuất sắc giành được một tấm vé vào trường, đồng thời lấy được một khoản vay dành cho sinh viên để chi trả lệ phí.

Thế giới quan của cô lúc này thực sự được rộng mở. Ở Đại học Cambridge, cô làm đề án tốt nghiệp lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của chính mình và được giáo sư hướng dẫn chia sẻ là một trong những đề án tốt nhất mà ông từng đọc trong suốt 30 năm qua tại Đại học Cambridge.

Năm 2008, Tara trở về Đại học Brigham Young để lấy bằng cử nhân. Trong năm học cuối, cô giành được học bổng Gates Cambridge - tài trợ hoàn toàn cho cô trở về Anh để học lấy bằng thạc sĩ. Khi đó, cha cô một mực không đồng ý. Thậm chí, cha mẹ còn không đến dự bữa tối tốt nghiệp danh dự của cô.

Trong suốt thời gian cô học thạc sĩ tại Anh, Tara vẫn giữ liên lạc với gia đình và nhiều lần về thăm nhà, nhưng cô cảm thấy cha mẹ ngày càng xa lánh mình. Khi cô giành được học bổng sau đại học tại Harvard, cha mẹ đến gặp cô để thực hiện lễ trừ tà. “Những gì cha tôi muốn không phải là diệt trong quỷ trong tôi. Mà là diệt tôi".

Năm 2010, Tara trở lại Đại học Cambridge để lấy bằng tiến sĩ. Lúc này, hầu hết anh chị em đều đã cắt đứt liên lạc với cô. Năm 2014, khi cô lấy bằng tiến sĩ lịch sử, cô có cơ hội gặp lại anh trai Tyler, cô chú và vài người anh em họ của mình, những người cũng bị cha mẹ cô ghẻ lạnh vì đi học.

img

Học giả Tara trò chuyện với Bill Gates.

Trải qua hành trình dài lột xác từ cô gái vùng núi thiếu hiểu biết đến tiến sĩ, học giả về lịch sử, Tara nhận ra một điều: "Bạn có thể yêu ai đó nhưng vẫn chọn cách nói lời chia tay với họ. Bạn cũng có thể nhớ một người mỗi ngày nhưng vui mừng khi họ không còn là một phần trong cuộc sống của bạn nữa".

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem