26 mẹ Việt Nam anh hùng ở ngôi làng bên bờ Lạch Trổ

Quỳnh Nga-Hữu Anh Thứ sáu, ngày 01/09/2017 06:15 AM (GMT+7)
Chiến tranh đã lùi xa, quê hương thay da đổi thịt từng ngày... nhưng ký ức về những nỗi đau thương, gian khổ mất chồng, mất con có lẽ chưa bao giờ nguôi trong lòng những người mẹ Việt Nam anh hùng. Bên sông Lạch Trổ, ở ngôi làng mang tên Bùi Xá (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), 26 mẹ Việt Nam anh hùng đã bao năm nén nỗi đau, tự nhủ với lòng rằng: Khi đất nước cần, mẹ sẵn sàng hy sinh...
Bình luận 0

Vùng quê kiên cường

Về Bùi Xá hôm nay, chúng tôi ngỡ ngàng trước màu xanh bạt ngàn của vườn cây, hoa trái, những bãi ngô dài tít tắp bên triền sông… Vậy mà mấy chục năm trước, trong kháng chiến chống Mỹ, nơi này là trận địa thả bom của kẻ địch nhằm biến Lạch Trổ (một nhánh sông của sông La và sông Lam, dài chưa đầy 2km) thành con sông chết, bởi Lạch Trổ là tuyến đường sông huyết mạch, điểm dừng chân bốc hàng hóa, nhu yếu phẩm, đạn dược vận chuyển từ đường biển vào để đưa lên đường bộ vận chuyển tiếp ra tiền tiến. Dù bom đạn cày xới, nhà cửa sập đổ, cháy rụi, nhiều người chết và bị thương… nhưng người dân nơi đây vẫn không rời “mục tiêu” mà họ âm thầm che chở.

img

Bà Phạm Thị Sánh (phải) - người láng giềng thân cận hàng ngày vẫn bầu bạn với mẹ Ngụ.  Ảnh:  H.A

Bùi Xá không chỉ được biết đến là nơi rất nhiều gia đình có chung một ngày giỗ người thân. Những người được tưởng nhớ ấy chẳng phải là liệt sĩ, cũng không phải là thương binh. Họ chỉ là những người dân yêu nước, sự hy sinh, đóng góp của những người dân nơi đây trong chiến tranh rất đỗi tự hào, mà câu chuyện làng có tới 26 bà mẹ được phong mẹ Việt Nam anh hùng là minh chứng.

Ông Hoàng Xuân Kỷ - nguyên Trạm trưởng Trạm Y tế Bùi Xá cho biết: “Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, trên dòng sông này tôi đã cứu sống không biết bao nhiêu người và cũng chứng kiến không ít những cuộc chia ly đầy nước mắt. “Vào mùa xuân năm 1965, mẹ Phùng Thị Cháu tiễn đứa con duy nhất lên đường nhập ngũ. Chồng mẹ là một cán bộ cách mạng bị giặc bắt, tù đày và chết trước năm 1945. Nén nỗi đau mất chồng chưa nguôi ngoai, nhưng khi đất nước cần, mẹ Cháu vẫn động viên người con trai duy nhất lên đường nhập ngũ. Ngờ đâu, sau lần tiễn con bên bờ sông ấy lại là lần cuối cùng mẹ được gặp mặt con” - ông Kỷ rơm rớm nước mắt kể.

Dù mẹ Ngụ đã được hưởng mọi chế độ đãi ngộ của Nhà nước, nhưng nói về sau này, mẹ có nỗi trăn trở là khi mình qua đời thì không có ai lo hương khói cho ban thờ cho chồng và con mẹ.

Tiếp câu chuyện của ông Hoàng Xuân Kỷ, ông Nguyễn Phúc- nguyên Bí thư xã Bùi Xá chia sẻ: “Vợ chồng mẹ Nguyễn Thị Quyển sinh được 5 người con. Hai người con trai là Trần Nghĩa và Trần Lợi đều lần lượt hy sinh ở chiến trường Lâm Đồng và Đồng Nai. Cô con gái Trần Thị Lan cũng tham gia thanh niên xung phong, sau đó lấy chồng và sinh sống ở Vinh. Còn hai cô con gái còn lại thì không may mắn như những người khác, sau một trận ốm nhừ tử, cả hai cháu đều bị dị tật ở chân, đi lại rất khó khăn”.

Dang dở lời hứa với mẹ

Bùi Xá có đến 26 mẹ đã được phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng đến nay chỉ còn một người còn sống là mẹ Nguyễn Thị Ngụ. Trên đường dẫn chúng tôi đến nhà mẹ Ngụ, ông Nguyễn Phúc cho biết: “Mẹ Ngụ năm nay đã 84 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn. Mẹ là người duy nhất trong xã có con trai hy sinh trong thời bình”.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ nhắn, mẹ Nguyễn Thị Ngụ không giấu nổi xúc động: “Vợ chồng mẹ sinh được 1 người con. Chồng mẹ là Nguyễn Hiệp tham gia chiến trường B, Campuchia… sau hòa bình về làm việc tại Tổng cục Kỹ thuật. Con trai mẹ là Nguyễn Việt Hồng (SN 1960) tiếp tục sự nghiệp của cha, năm 1978 cháu nhập ngũ, là phi công ở Trung đoàn 29, Sư đoàn 372. Năm 1986 trong một lần bay huấn luyện tác chiến, cháu đã hy sinh. Khi hay tin Hồng hy sinh, ông nhà tôi vì thương con mà suy sụp, ốm đau rồi ra đi, để lại mình tôi..”.

Đôi mắt mẹ Ngụ ngấn lệ khi nhắc về con trai Nguyễn Viết Hồng, người con trai hi sinh khi tuổi đời còn quá trẻ: “Trước lúc lên đường nhập ngũ, Hồng trò chuyện sáng đêm với mẹ. Sợ con mệt, mẹ cứ dục nó đi ngủ mai lấy sức về đơn vị, nhưng nó cứ nằm ôm mẹ thủ thỉ. Nó bảo, mẹ cứ yên tâm con sẽ cố gắng học tập để trở thành phi công giỏi và còn lấy vợ để mẹ bồng cháu nội nữa. Nhưng những lời hứa ấy mãi mãi không thể thực hiện được nữa”.

Đem câu chuyện ở Bùi Xá hỏi ông Trần Hữu Hùng-Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Đức Thọ, được ông cho biết: “Huyện Đức Thọ có 256 mẹ Việt Nam anh hùng, hiện nay còn 14 mẹ còn sống. Riêng xã Bùi Xá là địa phương ghi nhận có số mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất huyện và cả tỉnh này, với 26 mẹ. Bùi Xá cũng là làng quê giàu truyền thống cách mạng, và những câu chuyện về cuộc đời, về sự hy sinh thầm lặng của các mẹ đã để lại cho thế hệ sau những bài học quý giá về cuộc sống”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem