28 chuyến bay đêm/giờ có giảm ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất?

Vinh Hải Thứ năm, ngày 12/01/2017 11:51 AM (GMT+7)
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng nếu tăng chuyến vào những khung giờ cao điểm ở Tân Sơn Nhất có thể dẫn tới hỗn loạn.
Bình luận 0

img

Các tuyến đường quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất giờ cũng thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải (Ảnh: Hữu Công).

Sở GTVT TP.HCM vừa kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng không VN điều chỉnh thời gian cất và hạ cánh xuống sân bay như tăng cường các chuyến bay đêm (từ 22h - 5h), hạn chế việc tăng các chuyến bay vào thời gian ban ngày (từ 6h – 22h) trong dịp cao điểm Tết. 

Ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết Hội đồng điều phối giờ hạ, cất cánh cũng đã chốt phương án tăng chuyến trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán.

Theo đó, Hội đồng đề nghị các hãng tăng vào các giờ thấp điểm đó, không tạo thêm các giờ cao điểm đến 40 - 42 chuyến/ giờ nữa. Bởi với những khung giờ cao điểm này ngày thường Tân Sơn Nhất đã quá tải rồi, nếu tạo thêm giờ các giờ cao điểm nữa có thể gây hỗn loạn.

Ông Lại Xuân Thanh cho biết: “Ban đầu, các hãng dự tính tăng tổng số chuyến trong dịp Tết này là 2.400. Nhưng số chuyến bay muốn tăng đều tập trung vào giờ cao điểm. Trong khi ở Tân Sơn Nhất đã có một số giờ cao điểm khai thác đến  40 và 42 chuyến/ giờ. Vì vậy, Hội đồng đã thống nhất giữ nguyên slot các giờ cao điểm như hiện tại, không tạo thêm các giờ cao điểm khác vào dịp Tết mà san các chuyến bay tăng vào các giờ thấp điểm”.

Cụ thể, các khung giờ ban ngày mà chưa khai thác đến 38 chuyến/ giờ thì cho khai thác đến giới hạn này. Còn khung giờ ban đêm bình thường chỉ khai thác 7 - 10 chuyến/giờ thì các chuyến bay tăng được bố trí vào các khung giờ này để đạt đến 28 chuyến/giờ.

Cục trưởng Cục Hàng không nhấn mạnh việc phân bổ khung giờ bay vẫn đặt trên nguyên tắc cao nhất là phải bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.

“Mục tiêu là đảm bảo an ninh an toàn hàng không, chất lượng dịch vụ. Nếu bây giờ cứ cố nâng chuyến bay giờ cao điểm lên 48 - 50 chuyến/ giờ gây rối loạn trên bầu trời ai chịu trách nhiệm” - ông Thanh cho hay.

Để đảm bảo an toàn trong việc bay đêm, Cục Hàng không cho biết việc điều tiết bay phải được kiểm tra từ nguồn lực, năng lực kế hoạch phục vụ của tất cả các bên như: phi công, tiếp viên, đơn vị phục vụ mặt đất đến sân bay, bộ phận soi chiếu, đảm bảo an ninh, quản lý điều hành bay. Cục Hàng không và Cảng vụ hàng không trực tiếp kiểm tra, việc chuẩn bị từ phương tiện, trang thiết bị đến con người phải đảm bảo.

Trao đổi với Dân Việt, đại diện hãng hàng không VietJet Air cho biết hãng bay luôn sẵn sàng nhân lực, phương tiện, kỹ thuật để đảm bảo an toàn bay cho các đợt cao điểm bởi đã được lên kế hoạch từ rất lâu.

“Các sân bay trên thế giới việc bay đêm là bình thường. Chỉ có ở nước ta việc bay đêm còn ít, chưa tạo thành thói quen. Thói quen từ các đơn vị phục vụ mặt đất ở cảng hàng không, cho đến thói quen đi lại của hành khách” – vị đại diện này cho biết.

Để khuyến khích các hãng hàng không bay đêm, các cảng hàng không đủ điều kiện kỹ thuật nên có phương án giảm phí trong giờ thấp điểm để hãng hàng không cũng giảm giá vé cho hành khách bay vào khung giờ buổi đêm. Điều này sẽ giảm tải cho hạ tầng cả trong và ngoài sân bay.

Tuy nhiên, đại diện của VietJet Air cho biết một số đường bay địa phương khách có nhu cầu cao nhưng các hãng hàng không không thể bay buổi tối đến đó được do hạ tầng kỹ thuật ở sân bay chưa đảm bảo.

Còn ông Dương Trí Thành – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) cho rằng việc sân bay Tân Sơn Nhất được tăng cường lịch bay đêm từ 22h đến 5h sáng hôm sau sẽ dẫn đến áp lực lên thi công, kỹ thuật, sân bay ùn tắc, kiểm tra giám sát.

“An toàn hàng không là yêu cầu quan trọng và cấp bách trong môi trường sức ép căng thẳng về hạ tầng như hiện nay. Chúng tôi cam kết đảm bảo an toàn, tính chuyên nghiệp trong thời gian sắp tới” – ông Thành khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem