30 điểm vẫn trượt đại học - có nên bỏ điểm cộng ưu tiên?

Hoàng Linh Thứ năm, ngày 03/08/2017 18:29 PM (GMT+7)
Là người từng nhiều năm đi dạy học, tôi nhận biết khao khát của những người trẻ khi bước vào đời là sự cống hiến của bản thân và sự công bằng của thiết chế xã hội mà các em tham gia như một thành viên tích cực.
Bình luận 0

Cơ hội vào đời của cả một lớp trẻ lại được quyết định bởi một chính sách đã có từ 40 năm trước và năm nào cũng bị ta thán.

Đó là chính sách cộng điểm ưu tiên khi xét vào đại học, cho cả khi thi trực tiếp như trước đây hay xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia như năm nay.

Năm nay với cách ra đề bám sát kiến thức cơ bản số điểm tuyệt đối rất nhiều thế nên mới có chuyện 28,5 -29 điểm, thậm chí 30 điểm vẫn có thể trượt đại học.

Học viện An ninh Nhân dân lấy điểm chuẩn ba môn không nhân hệ số là 30,5 cho tổ hợp D01, nữ, ngành Ngôn ngữ Anh. Đại học Phòng cháy chữa cháy có điểm chuẩn 30,25 cho tổ hợp A00, thí sinh nữ miền Bắc… Đó là những trường hợp rất rõ ràng cho thấy, nếu không có điểm cộng, học sinh khu vực 3 không có cơ hội ở những ngành học này, kể cả khi họ đạt điểm tuyệt đối cả 3 môn thi. 

Chính sách cộng điểm, được tính toán dựa trên các tiêu chí như: Mức độ tiếp cận cơ hội học tập, vùng miền, chính sách khuyến khích các đối tượng có công...  xuất phát chủ trương nhân văn, tạo ra sự công bằng về cơ hội, có ý nghĩa khuyến khích những số phận thiệt thòi trong xã hội.

Rất nhiều điều khoản nhưng ngắn gọn thì học sinh giỏi được cộng điểm khuyến khích tối đa lên đến 2 điểm trong khi các diện ưu tiên khác được cộng từ 0,25 đến 0,5 điểm. Cũng theo quy chế của Bộ GD ĐT, nếu thí sinh đồng thời có nhiều loại giấy chứng nhận để được cộng điểm khuyến khích theo quy định tại khoản này cũng chỉ được hưởng mức điểm cộng thêm nhiều nhất là 3,5 điểm.Trong việc làm bài thi, kiếm được 0,25 điểm vượt hơn so với mặt bằng của top điểm đầu đã cực khó cho nên một thí sinh trong diện không được điểm cộng thêm ưu tiên chắc chắn sẽ rớt đại học.

img

Quy định cộng điểm trong thi đại học đang tạo ra những nghịch lý.

Đa phần học sinh, phụ huynh và các nhà giáo dục đều cho rằng cần phải xem xét và tiến tới loại bỏ chính sách cộng điểm ưu tiên này vì bởi nó đã không đảm bảo tính chọn lọc và tính cạnh tranh vốn là tiêu chuẩn cơ bản cho mọi cuộc thi cũng như việc tuyển chọn.

Chúng ta nghĩ sao, con em chúng ta nghĩ sao về sự công bằng mà ngành giáo dục cũng như pháp luật cam kết “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” trong giả định rất hiện thực là có em 28 vẫn trượt đại học nhưng em 25 điểm thì đậu do có 4 điểm ưu tiên.

Là người nhiều năm đi dạy học, tôi nhận biết cái khao khát của những người trẻ khi bước vào đời là sự cống hiến của bản thân và sự công bằng của thiết chế xã hội mà các em tham gia như một thành viên tích cực.

Nhưng ngay từ trong thiết chế tuyển chọn của giáo dục đã đưa ra những tiêu chuẩn thiếu công bằng trong cạnh tranh như trên đã nêu.

Người trẻ sẽ đau đớn nhận ra ngay trong bài học đầu đời rằng, không phải người giỏi nhất mà người có “điều kiện” hơn mới đi qua được khung cửa hẹp vào đại học.

Và xã hội cũng không thể vì thế mà trở nên vô can, chúng ta gây ra sự bất bình đẳng đó và chúng ta cũng chính là nạn nhân của nó.

Những người kém hơn vẫn vào đại học vì nhờ xuất thân hoặc nơi họ sinh ra là ở đâu, con của ai.

Có giáo viên cho biết những ngày qua, ông nhận được hàng chục tin nhắn của học sinh “tức tưởi” trượt nguyện vọng một, dù đạt 28, 29 điểm.

Tôi cũng đồng tình rằng việc cộng điểm ưu tiên khu vực là chính sách tốt, cần duy trì, nhưng nên giảm số điểm cộng đi.

Hiện tại, công thức của Bộ GDĐT là cộng 0,5 điểm với khu vực 2, 1 điểm với khu vực 2 nông thôn và 1,5 điểm với khu vực 1.

Nếu vẫn giữ như mức cộng điểm hiện tại, thí sinh ở khu vực 3 (đô thị) hầu như không được tiếp cận những trường top đầu, có điểm chuẩn cao như công an, quân đội hay ngành y đa khoa và có khả năng sang năm học sinh ở Hà Nội phải tìm cách lui về các tỉnh xa để học hoặc thi tốt nghiệp THPT quốc gia để được hưởng điểm ưu tiên.

img

Vào đại học chỉ là một trong số những con đường Ảnh: Tùng Anh

Tuy nhiên là một người thầy tôi muốn nhắn gửi với các em học sinh, kể cả các em trượt vì không có điểm cộng ưu tiên và các em có điểm cộng rằng trong mắt những người quan tâm đến thế hệ trẻ các em đều được yêu thương như nhau, nhưng đừng quên điểm thi không phải là cái gì tuyệt đối. Nếu đó là tuyệt đối thì những học sinh đạt điểm 30/30 thì không cần đi học tiếp tục làm gì nữa, các em đã quá giỏi.

Bởi vì cuộc sống không phải là một kỳ thi, nó cần một nỗ lực suốt đời giống như slogan làm kim chỉ nam của những trường đại học danh tiếng trên thế giới “Giáo dục là học tập suốt đời”.

Bởi vì cuộc sống không đánh giá chúng ta bằng điểm thi THPT, chúng ta làm việc như thế nào, quan hệ với đồng nghiệp ra sao, chúng ta có thú vị không, chúng ta làm được điều gì tốt cho chính gia đình mình, chúng ta đã làm được gì cho xã hội, đất nước?

Những điều cơ bản đó không hình thành từ điểm thi, điểm cộng ưu tiên mà từ nỗ lực bản thân và những hoài bão lý tưởng vượt ngoài cơm áo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem