"Thủ phủ" hoa anh túc đổi thay như phép màu

Thứ hai, ngày 01/08/2011 18:54 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) nằm sát biên giới Việt - Lào, từng được xem là thủ phủ ma tuý với những cánh đồng hoa anh túc bạt ngàn. Mấy năm trở lại đây, Tri Lễ đã đổi thay như có phép màu...
Bình luận 0

Tri Lễ là xã có 1,5km đường biên giáp với nước bạn Lào, địa hình hiểm trở, có độ cao hơn 800m so với mực nước biển; dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (gồm 30 bản, trong đó có 8 bản người Mông).

"Thủ phủ" hoa anh túc

Ông Thò Bá Và (70 tuổi) ở bản Pả Khốm kể: "Vào những năm 90 của thế kỷ trước, cây thuốc phiện được trồng rất nhiều ở đây. Trong vườn nhà, trên nương rẫy đi đâu cũng thấy cây thuốc phiện. Làng bản già trẻ đều say lử đử vì cái khói mê hoặc đó…". Không những là xã trồng nhiều cây thuốc phiện, mà còn nổi tiếng cả nước về những đường dây ma tuý xuyên quốc gia. Mỗi năm có đến hàng chục vụ buôn bán vận chuyển trái phép chất ma tuý bị các cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ.

img
Người dân Tri Lễ phấn khởi được mùa dứa.

Ông Lô Xuân Thu - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: "Nhiều năm liền, ma tuý từ bản địa, từ Lào sang làm cho Tri Lễ trở thành điểm nóng và là nơi trung chuyển, phân phối ma tuý đi khắp nơi. Cơn bão ma tuý đã làm cho nhiều bản làng vắng bóng đàn ông vì họ đã chết hoặc vào tù vì ma tuý. Xã có hàng trăm con nghiện khiến cho bản làng xác xơ, tiêu điều".

Xoá cây anh túc, dân bản ấm no

Trước tình hình đó, chính quyền xã Tri Lễ đã thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng 519 phòng chống, đấu tranh, tăng cường tuyên truyền tác hại ma túy đến người dân và vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự. Đặc biệt là vận động bà con xoá bỏ cây thuốc phiện và hướng dẫn cách trồng lúa nước, chăn nuôi…

An ninh trật tự từng bước được đảm bảo đã tạo điều kiện cho các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội ở đây có điều kiện phát triển. Từ chỗ chỉ có vài chục ha lúa nước, đến nay xã Tri Lễ đã khai hoang đưa vào sử dụng 576 ha lúa nước đạt sản lượng 2.246 tấn, 200ha sắn, gần 100ha ngô lai cho năng suất cao.

img Hiện nay trên địa bàn đồn quản lý tuyệt đối không có tình trạng tái trồng cây thuốc phiện. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán trái phép chất ma túy vẫn còn, chủ yếu là các đối tượng từ Lào mang sang bán về xuôi. img

Thượng tá Nguyễn Việt Thà - Chính trị viên Đồn Biên phòng 519

Hiện toàn xã có gần 6.000 con trâu, bò, ngựa, hơn 1.000 con dê, 1.500 con lợn. Nhiều mô hình trang trại được hình thành cho thu nhập cao như gia đình ông Lô Văn Thái có 15 con trâu, bò, 200 con gia cầm, 10 con nhím… cho thu nhập trung bình 50 triệu đồng/năm. Các mô hình kinh tế mới cũng được người dân học hỏi và ứng dụng như trồng cây ăn quả chất lượng cao, trồng cây công nghiệp, đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Văn hóa, xã hội đang là điểm sáng của xã vùng cao này khi tỷ lệ gia đình văn hóa chiếm 20%, số bản văn hóa ngày càng tăng. 100% hộ có phương tiện nghe nhìn và trên 70% hộ có xe máy, tỷ lệ điện thoại đạt 60 máy/100 dân. Công tác giáo dục cũng được các cấp quan tâm nên không còn tình trạng học sinh bỏ học, 100% cháu nhỏ được đưa đến lớp, hoàn thành phổ cập tiểu học...

Ông Thò Chư Hờ ở bản Pả Khốm phấn khởi : “Từ khi được cán bộ và Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, vận động, bà con ta đã bỏ được thói quen trồng cây thuốc phiện để trồng lúa, chăn nuôi nên dân bản được ấm no. Nhờ kinh tế phát triển mà ta nuôi được mấy đứa con học hành đàng hoàng. Bà con ta cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem