6 thay đổi trong chính sách an sinh có hiệu lực từ 1.7

Thuỳ Anh Thứ sáu, ngày 30/06/2017 08:53 AM (GMT+7)
Tăng lương cơ sở, tăng tiền lưu trú khi đi công tác, tăng tiền mua BHYT, tăng trợ cấp chế độ thai sản, tăng trợ cấp lương hưu... là những chính sách có hiệu lực từ ngày mai (1.7).
Bình luận 0

Tăng lương cơ sở cho công nhân viên chức, lực lượng vũ trang

img

Ảnh minh họa

Nghị định 47 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở năm 2017, áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang… Cụ thể, mức lương cơ sở sẽ tăng từ mức 1.210.000 đồng/tháng lên 1.300.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương cơ sở sẽ tăng 90.000 đồng/tháng so với hiện nay.

9 nhóm đối tượng được xếp hưởng mức lương, phụ cấp theo Nghị định này bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động.

Tăng lương cơ sở cũng kéo theo nhiều chính sách khác phải tăng theo do quy định cách tính dựa trên tiền lương cơ sở hàng tháng.

Tăng tiền lưu trú

Thông tư 40/2017/TT-BTC do Bộ Tài Chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị có hiệu lực.

Cụ thể, công chức, viên chức, cán bộ và người lao động ở đất liền được cử đi công tác hoặc làm nhiệm vụ trên biển, đảo được hưởng phụ cấp lưu trú 250.000 đồng/người/ngày (áp dụng cho cả những ngày đi, về và làm việc trên biển, đảo).

Đối với thanh toán theo hình thức khoán, cấp lãnh đạo cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng và các chức danh lãnh đạp có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên mức khoán 1.000.000 đồng/ngày/người; không phân biệt nơi đến công tác.

Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo quy định của pháp luật tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ,...

Tăng mức phí tham gia BHYT hộ gia đình

Quy định của Luật BHYT, mức tham gia BHYT hộ gia đình được xây dựng trên “nền” lương cơ sở. Mức đóng phí BHYT bằng 4,5% theo lương cơ sở.  Do đó, lương cơ sở tăng thì từ 1.7, mức phí tham gia BHYT cũng tăng từ 653.000 đồng/người/năm lên 702.000 đồng/người/năm. Theo quy định, người tham gia BHYT tự nguyện sẽ tham gia theo hộ gia đình và được miễn giảm từ người thứ hai theo mức 70%; 60%, 50%, 40%... Tức là người thứ nhất mua thẻ BHYT phải trả 702.000 đồng, người thứ hai trong gia đình mua trả 492.000 đồng, người thứ 3 giảm còn 422.000 đồng, đến người thứ 4, thứ 5 còn 281.000 đồng/thẻ.

Tăng trợ cấp thai sản 7,4%

Việc điều chỉnh lương cơ sở cũng nâng mức trợ cấp một lần sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi (trợ cấp thai sản) tăng khoảng 7,4% so với hiện hành.

Theo Điều 39 - Luật BHXH năm 2014 có quy định, lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhân con nuôi dưới 6 tháng tuổi được trợ cấp 1 lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận con nuôi.

Đối với trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì người cha được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 2 lần mức lương cơ sở (là 2,6 triệu đồng) tại tháng sinh con cho mỗi con.

Tăng mức đóng BHXH tự nguyện, bắt buộc

Từ ngày 1.7.2107, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng thay đổi do lương cơ sở thay đổi. Cụ thể mức cao nhất bằng 20 lần lương tối thiểu vùng là 26.000.000 đồng/tháng (1.300.000 đồng/tháng x 20 lần).

Tăng trợ cấp ưu đãi hàng tháng

Nghị quyết số 27/2016/QH14 ngày 11.11.2016 của Quốc hội về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 cũng quyết định dành kinh phí để tăng trợ cấp ưu đãi.

Theo đó, mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức lương cơ sở. Mức tăng là 7,44%. Đối tượng hưởng là những người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH trước ngày 1.7.2017.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem