9 người chết, 14 người bị thương trong bão số 5

Chủ nhật, ngày 19/08/2012 20:02 PM (GMT+7)
Dân Việt - Tính đến sáng 19.8, bão số 5 làm 9 người chết và 14 người bị thương. Hơn 11 nghìn căn nhà bị sập, đổ, tốc mái và hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu, ao đầm bị ảnh hưởng.
Bình luận 0

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTW), tính đến 7 giờ ngày 19.8, bão số 5 làm 9 người chết. Tại Hà Nội có 1 người chết do cây đổ; tại Yên Bái 1 người bị lũ cuốn trôi; tại Bắc Giang 1 người chết do sạt lở đất vào nhà; tại Lào Cai 1 người bị lũ cuốn.

img
Một chiếc taxi bị đè bẹp dúm trên đường phố Hà Nội trong cơn bão số 5 vừa qua

Số người thiệt mạng tại Vĩnh Phúc là 3 người, trong đó 1 chiến sỹ công an bị nước cuốn trôi trong khi làm nhiệm vụ, 1 người bị chết đuối khi đi vớt củi và 1 người bị lốc làm đổ nhà; tại Sơn La có 2 người chết do điện giật. Cả nước có 14 người bị thương; 166 căn nhà bị đổ sập (Yên Bái 144 căn; Phú Thọ 7 căn; Bắc Giang 1 căn, Lạng Sơn 1 căn; Vĩnh Phúc 2 căn; Hà Giang 11 căn). Có đến 11.588 căn nhà bị tốc mái, hư hại.

Diện tích lúa bị ngập là 20.589,8 ha (Hà Nội 215 ha, Điện Biên 50,5 ha, Yên Bái 4 ha, Phú Thọ 949,3 ha, Bắc Giang 500 ha, Vĩnh Phúc 5.822 ha, Hải Dương 13.049 ha). 2.328,7 ha hoa màu bị ngập (Hải Phòng: 03 ha; Phú Thọ: 134,7 ha; Tuyên Quang: 03 ha; Vĩnh Phúc: 368 ha; Hải Dương: 1.820 ha). Diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập là 1.346 ha (Phú Thọ 72 ha, Vĩnh Phúc 33 ha, Hải Dương 1.241 ha). Bão làm 900 m3 đường quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở.

Theo báo cáo của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và thành phố Hà Nội, do ảnh hưởng của mưa bão số 5 đã gây ra một số sự cố đê điều. Tại Bắc Giang, mưa bão làm sạt lở bãi sông khu vực K2+570-K2+750 đê tả Thương. Tại Nam Định, kè Quy Phú đê hữu Hồng, huyện Nam Trực bị sạt lở. Tại Hà Nội, mưa lớn gây sạt lở mái thượng lưu đê tả Cà Lồ đoạn K5+500-K5+550, dài 50m. Hải Dương xuất hiện sự cố sạt lở mái thượng lưu đê tả sông Rạng đoạn K4+595-K4+620, dài 25m. Cung sạt lấn sâu vào mái đê thượng lưu 1,3m.

Ngay trong ngày 18.8, Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLBTW đã cử các Đoàn công tác đến kiểm tra hiện trường các vị trí đê xảy ra sự cố để cùng địa phương có giải pháp xử lý phù hợp. Hiện các địa phương đang khẩn trương triển khai phương án hộ đê, đảm bảo an toàn cho đê và khu vực.

Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và PTNT cử đoàn công tác một số tỉnh Đồng bằng Bắc bộ để xác định mức độ ngập úng và thiệt hại về lúa và hoa mầu; sẽ có báo cáo chi tiết sau khi đi kiểm tra. Ngày 19.8, Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLBTW tiếp tục cử đoàn công tác tới các tỉnh Yên Bái và Vĩnh Phúc để kiểm tra tình hình lốc, ngập lụt và thiệt hại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem