A Lồng xóa bỏ hủ tục cho bản nghèo

Hồng Vũ Thứ sáu, ngày 16/10/2015 07:54 AM (GMT+7)
Dù tốt nghiệp đại học bằng giỏi, anh Giàng A Lồng (xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) vẫn quyết định về xã làm cán bộ, quyết tâm “lật đổ” những hủ tục, chống đói nghèo.
Bình luận 0

Đói nghèo vì hủ tục

Trong bản Đồng Ruộng ai cũng biết gia đình ông Giàng A Sáu là gia đình giàu có nhất bản với nhiều ruộng nhiều nương, thóc đầy nhà. Riêng bản thân ông Sáu, nguyên là trưởng thôn, cách đây mấy chục năm cũng lấy em họ (con gái của cô ruột). Đến đời con mình, cho dù chính quyền xã đã vận động, ngăn cản nhưng ông Sáu vẫn tổ chức đám cưới linh đình cho con trai với người cháu gái vừa tròn 14 tuổi. Hậu quả là con dâu của ông Sáu chuyển dạ sinh non khi mới mang thai tháng thứ 6. Đứa trẻ tuy được cứu nhưng còi cọc, chậm lớn.

img

Anh Giàng A Lồng dạy kèm học sinh vào buổi tối. Ảnh: H.V

Còn cặp Giàng A Vảng – Vàng Thị Pàng cũng “ưng bụng” là cưới mà không cần biết mình là chị em họ. Kết quả của cuộc hôn nhân này là 3 đứa con nhỏ ra đời luôn thường xuyên đau ốm. Đứa con lớn của Pàng đã 10 tuổi, học lớp 5 nhưng gầy bé như đứa trẻ 6-7 tuổi. Từ nhỏ, em bị mất một mắt vì nhiễm trùng.

Không chỉ với nhiều cuộc hôn nhân cận huyết, cán bộ bản Đồng Ruộng còn đau đầu về nạn tảo hôn. Đồng Ruộng có 43 hộ dân tộc Mông nhưng có tới hàng chục đôi cưới nhau từ thuở 12-13. Riêng năm 2013 có tới 6 đôi tảo hôn. 

Ông Hoàng Hữu Nghị - Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thành cho hay: “80% hộ dân xã Kiên Thành là người dân tộc thiểu số trong đó người Mông, người Tày chiếm đại đa số. Nhiều năm nay, xã vẫn đau đầu về tình trạng hôn nhân cận huyết, tảo hôn. Xã đã tổ chức rất nhiều những lần tuyên truyền, thậm chí là xử phạt nhưng đồng bào vẫn chưa nghe. Dân nghèo nên xử phạt cũng chẳng thu được tiền”.

Thông thạo 7 thứ tiếng

Anh Giàng A Lồng (32 tuổi) là cán bộ văn hóa xã Kiên Thành, tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên với tấm bằng giỏi. Anh là người duy nhất trong xã tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, anh chỉ công tác trên Hạt Kiểm lâm huyện 2 năm rồi lại đau đáu về xã làm việc. Từ năm 2011 đến nay, đảm nhiệm cán bộ văn hóa xã, anh luôn tiên phong để xóa bỏ các hủ tục tại bản làng.

Ngoài tiếng Mông của dân tộc mình, anh Giàng A Lồng còn giao tiếp tiếng Anh trôi chảy, thạo tiếng Kinh, biết 5 thứ tiếng dân tộc khác là Dao, Thái, Tày, Cao Lan, Mường. Nhờ vốn ngôn ngữ và sự hiểu biết của mình, anh đã thường xuyên đến từng hộ trong bản để tiếp xúc và tuyên truyền về chính sách pháp luật, kế hoạch hóa gia đình. Anh còn là người đã góp công lớn trong việc xóa bỏ hủ tục tang ma để người chết trong nhà cả tuần mới đem chôn của dân tộc Mông. Năm trước khi đang tập huấn tại thành phố, nghe tin báo trong bản có Giàng A Súa (17 tuổi) chuẩn bị “bắt” Sổng Thị Mảy (14 tuổi) cùng họ về làm vợ, anh đã bắt xe về ngay để ngăn chặn. Anh cho hay: “Hôn nhân cận huyết là do bà con mình vẫn luôn suy nghĩ “đẻ được là cưới”, “ưng bụng là bắt”. Bà con không hiểu làm như thế là vừa phạm pháp, vừa cho giống con cháu sau này ốm yếu. Mình nói nhiều rồi bà con cũng sẽ hiểu. Đến nay, trong bản đã giảm hẳn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết rồi”.

Tại điểm trường trung tâm xã Kiên Thành có 5 học sinh tiểu học người Mông học bán trú. Buổi tối anh Giàng A Lồng thường qua trường mượn một phòng học để dạy phụ đạo cho các em. “Chỉ có học cao, học được nhiều chữ thì chúng nó mới thoát ly, mới bớt khổ. Ở nhà quanh năm lên rẫy theo bố mẹ trồng măng thì chẳng biết bao giờ mới khá ra được. Các em toàn là con cháu người Mông mình nên không thể bỏ mặc đứa nào được” – anh Lồng tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem