Ăn Tết phải đề phòng cúm chết người H7N9, H5N1

Thứ bảy, ngày 25/01/2014 13:59 PM (GMT+7)
Số người nhiễm và tử vong do cúm gia cầm H7N9 đang tăng cao trong những ngày đầu năm mới 2014. Nguy cơ dịch bệnh cúm A/H5N1 cũng tăng cao do việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm gia tăng trong dịp Tết.
Bình luận 0
Ngày 24.1, tin từ Bộ Y tế cho biết, sau 3 tháng “im hơi lặng tiếng”, từ cuối năm 2013 đến nay, các ca nhiễm cúm A(H7N9) lại đang gia tăng trở lại ở Trung Quốc.

Tính từ ngày 31.3.2013 đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận 164 người nhiễm cúm gia cầm H7N9 ở 12 tỉnh, thành phố và đã có 51 người bị chết (chiếm 31% số người mắc), xu hướng lan xuống các tỉnh biên giới giáp Việt Nam.
img
Gia cầm được bày bán tự do là một nguy cơ phát tán virus cúm.

Bệnh xảy ra liên quan đến tiếp xúc, phơi nhiễm với gia cầm nhiễm vi rút cúm A/H7N9. Vi rút cúm A/H5N1 lưu hành ở các đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện dịch bệnh… Nguy cơ dịch bệnh cúm A/H5N1 được cảnh báo gia tăng cao ở nhiều nước trên trong khu vực cũng như ở Việt Nam liên quan đến thời tiết mùa Đông – Xuân, việc giao lưu dân cư với vùng dịch bệnh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn thịt và sản phẩm gia cầm nhiễm vi rút cúm A/H7N9.

Do đó, để chủ động phối hợp phòng chống có hiệu quả nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm A/H7N9 ở người, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo:

- Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân: lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng gia cầm có nguồn gốc và đã được kiểm dịch theo quy định; nấu chín kỹ thịt và các sản phẩm gia cầm trước khi ăn; không ăn tiết canh, thức ăn chế biến từ gia cầm, sản phẩm gia cầm còn sống, tái; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh; hạn chế tiếp xúc với gia cầm, đặc biệt không tiếp xúc với gia cầm và người nhiễm bệnh khi không có nhiệm vụ, không cho trẻ em tiếp xúc hoặc chơi cạnh nơi chăn nuôi, nhốt giữ gia cầm.

- Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại, khu vực chăn thả gia cầm; vệ sinh thú y trong chăn nuôi gia cầm; không giết mổ và ăn thịt các loại gia cầm bị ốm, chết; bảo đảm vệ sinh trước, trong và sau khi giết mổ; sử dụng thớt riêng để sơ chế, chế biến thịt sống và thịt chín; đeo khẩu trang, găng tay khi phải tiếp xúc với gia cầm nghi ngờ bị bệnh; rửa tay bằng xà phòng và thay quần áo sau khi tiếp xúc với gia cầm.

- Không buôn bán, vận chuyển, sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu, ốm, chết, chưa được kiểm dịch theo quy định.
Diệu Linh (Diệu Linh )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem