Anh thợ mộc đi bằng tay và hạnh phúc bất ngờ sau 10 năm tan vỡ

Chủ nhật, ngày 20/01/2013 14:59 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thân thể và đôi tay không khỏe mạnh, đôi chân teo tóp, cong queo, vậy mà với ý chí và nghị lực phi thường, anh Nguyễn Văn Mười Hai, 44 tuổi, trú ở xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh,đã tìm được cho mình một mái ấm gia đình hạnh phúc.
Bình luận 0

Một người bình thường, để thành công với nghề nào đó cũng cần sự cố gắng. Với người không lành lặn như anh Mười Hai thì gian truân hơn gấp nhiều lần. Nhưng anh đã chứng minh được người khuyết tật có thể vượt lên bằng chính bản lĩnh và nghị lực của bản thân. 30 năm qua, anh đã đứng vững và thành thạo với nghề thợ mộc - nghề anh học lỏm từ người chú họ khi còn là đứa trẻ.

img
Anh thợ mộc nổi tiếng tài hoa dù đôi chân teo tóp

Tuổi thơ bất hạnh

Sinh ra và lớn lên tại ấp Mỹ Thới 1, xã Mỹ Hòa. Năm lên 4 tuổi, cơn sốt kéo dài đã làm cho cậu bé Mười Hai vốn to tròn, bụ bẫm bị liệt cả đôi chân dù cha mẹ anh đã hết lòng chữa trị. Từ đó, cậu bé Mười Hai không thể chạy nhảy, nô đùa như bạn bè cùng trang lứa. Cả tuổi thơ, cậu bé bất hạnh chỉ biết nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào mẹ. Mãi đến năm lên 10, cậu mới bắt đầu tập bò lết quanh nhà, cố gắng tự làm một số việc mà không phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác.

Mười Hai hay bò sang chơi với người chú họ làm nghề mộc sống một mình sát vách. Người chú đi làm đâu gần nhà đều đèo theo đứa cháu tật nguyền phía sau xe. Dạo đầu, thấy đứa trẻ nghịch ngợm với đồ nghề, ông chú cũng mặc kệ. Thời gian sau, thấy thằng bé có vẻ gắn bó, thích thú mỗi khi ngồi nhìn mình làm việc nên ông chú cũng thử “truyền nghề” cho cháu.

Sức khỏe kém, đôi tay lóng ngóng, cậu bé Mười Hai đã nhiều lần đóng búa không trúng đinh mà đóng thẳng vào tay tóe máu. Đau lắm nhưng cậu vẫn cắn chặt môi không dám khóc. Ông chú hay làm những vật dụng thông thường, nên chỉ trong vài năm, Mười Hai đã học lỏm hết nghề của chú. Sau đó, anh phải tự học, tự mày mò với nghề. Nhiều lần chán nản vì công việc quá cực nhọc nhưng được gia đình động viên, giúp đỡ, anh đã nỗ lực vượt qua.

Nhờ tư chất thông minh, tư duy sáng tạo, tỉ mỉ cùng đôi tay khéo léo và nghị lực phi thường, từ cậu thiếu niên yếu ớt năm nào, Mười Hai đã trở thành người thợ mộc có tiếng trong vùng. Từ cái bàn, cái ghế, tủ áo, tủ ly, giường ngủ, các vật dụng từ gỗ…, anh đều làm cho khách hài lòng và thán phục với độ tinh xảo cao.

Thậm chí người ta còn thuê anh đẽo cột cất nhà, anh cũng làm thành công. Hàng trăm căn nhà được anh đẽo cột, đục kèo, đóng vách một cách chắc chắn. Chính vì thế, nhiều người mến phục anh. “Trời không thương, không cho mình được lành lặn, nên bản thân phải cố gắng vươn lên chứ không thể ngồi một chỗ mà than thân trách phận. Không thể mãi dựa vào người khác vì cũng có lúc sẽ làm cho họ cảm thấy khó chịu, phải tự khẳng định và nuôi sống được mình.” - anh Mười Hai tâm sự.

Vài tháng mới được sum vầy

Ông Nguyễn Văn Bé, tổ trưởng tổ nhân dân tự quản số 2, ấp Mỹ Thới 1, xã Mỹ Hòa, chia sẻ: “Ý chí của anh Mười Hai thật đáng để người khác phải khâm phục. Hằng ngày anh làm việc hết khả năng để tự nuôi sống bản thân và con gái đang tuổi ăn học. Thời gian gần đây vì sức khỏe kém mà anh phải làm ít lại. Cô Liễu vợ anh phải bôn ba xứ người để mưu sinh, một vài tháng mới về sum họp một lần”.

Hạnh phúc đơn sơ

Khi được hỏi về người vợ của mình, anh Mười Hai mở lòng chia sẻ. Những năm 90, nghề mộc đang được nhiều người chuộng, mình siêng năng lắm nên được cô hàng xóm cảm mến. Hai người thương yêu nhau thật lòng và mong được về sống chung một mái nhà. Song đến lúc thưa chuyện cùng gia đình thì bên nhà gái kịch liệt phản đối.

Họ nói làm thợ mộc lành lặn còn không đủ tiền trang trải cho gia đình huống chi là người thợ tật nguyền lại nghèo rớt như anh. Sau đó, cả nhà buộc cô gái phải lấy một người ở vùng khác. Lúc đó anh buồn và đau khổ lắm nhưng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong bởi thân mình què quặt thì đâu trách được ai.

“10 năm trôi qua, có lẽ do mâu thuẫn vợ chồng không thể hàn gắn được nên cô ấy đã ly hôn với chồng, về với cha mẹ ruột. Sau đó vài năm, chúng tôi vun bồi lại tình cảm và tình nguyện đến với nhau, cha mẹ và anh chị em hai bên đều thuận tình chấp nhận. Hạnh phúc đến bất ngờ và bình dị vậy đó chú à!” - anh cười mãn nguyện.

img
Người thợ mộc tật nguyền cười hạnh phúc bên con gái

Anh Mười Hai cho biết, căn nhà lá mà gia đình anh đang ở được cất vừa tròn một năm trên phần đất của người anh trai để lại. Hằng ngày, với đôi tay còn khỏe mạnh, anh di chuyển thay đôi chân tật nguyền để chăm lo cho đứa con gái bé mới 8 tuổi. Vợ anh là chị Lương Thị Liễu, kém anh 6 tuổi, đang đi phụ bán quán cho người bà con ở TP.HCM để trang trải thêm cuộc sống gia đình.

“Hiện tại vợ tôi nhiều bệnh lắm, bệnh thận, khớp, phổi nên tiền làm ra chủ yếu cũng chỉ mua thuốc. Bản thân tôi cũng vậy, hoàn cảnh tật nguyền, sức khỏe yếu lại không đồng vốn làm ăn. Mà nghề mộc hiện nay rất bấp bênh. Giờ người ta chỉ để ý vẻ bề ngoài mà không cần biết chất lượng, độ bền. Thậm chí, thứ đó được làm bằng gỗ cây gì người ta cũng không cần quan tâm. Chỉ thấy đẹp, bóng là mua, vừa rẻ vừa không tốn sức đốn cây, cưa ván, rồi thuê thợ” - anh Mười Hai thở dài nói về người vợ và nghề nghiệp của mình.

Ông Trương Thanh Tùng, trưởng ban nhân dân ấp Mỹ Thới 1, xã Mỹ Hòa, cho biết dù vợ chồng anh Mười Hai cố gắng nhiều trong cuộc sống nhưng họ vẫn là một trong những nhà có hoàn cảnh khó khăn nhất ở địa phương, được cấp sổ nghèo hơn một năm qua. Hiện tại, sức khỏe của anh Mười Hai không còn được như trước, nghề mộc cũng không làm được nhiều nên rất cần sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm trong xã hội.

Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem