“Ba cần, ba không” và “ba kiên” để nâng cao văn hóa giao thông

Thùy Anh Thứ ba, ngày 03/10/2017 06:30 AM (GMT+7)
Xây dựng văn hóa giao thông được xem là một trong những biện pháp quan trọng nhằm giảm bớt tai nạn giao thông. Thế nhưng, bên cạnh những nét đẹp trong giao thông ở Thủ đô, chúng ta vẫn bắt gặp những hình ảnh không đẹp như lấn chiếm vỉa hè, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn đường…
Bình luận 0

Ý thức tham gia giao thông còn hạn chế

Các chuyên gia về văn hóa cho rằng, văn hóa giao thông không đơn thuần chỉ là văn hóa pháp quyền chấp hành và thực thi pháp luật, mà hàm chứa trong nó cả văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông.

img

Ra quân lập lại trật tự vỉa hè ở Hà Nội. Ảnh: T.A

Thành ủy Hà Nội đã có Chỉ thị 18/CT-TU “về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố”. UBND thành phố có Kế hoạch số 62 thực hiện Nghị quyết số 32/2007/CP của Chính phủ “về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông”. Trong đó, chú trọng nhấn mạnh tới biện pháp tuyên truyền, giáo dục xây dựng “văn hoá giao thông” cho người Hà Nội.

Theo GS-TS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong những lý do khiến Hà Nội bị kẹt xe là do cơ sở hạ tầng của thành phố còn quá kém, cùng với đó là ý thức tham gia giao thông của người dân Thủ đô còn hạn chế. Tình trạng chạy xe lấn làn, chạy xe phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm… vẫn còn xảy ra nhiều.

“Tôi đã từng chứng kiến hình ảnh mấy người tham gia giao thông đi xe máy đỗ chắn hết đường rẽ của các phương tiện khác. Khi góp ý, mấy vị này sửng cồ lên, muốn nhờ cảnh sát giao thông can thiệp nhưng đâu phải điểm giao thông nào cũng có cảnh sát đứng” – ông Tung nói.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, thực tế giao thông Hà Nội, về mặt tuyên truyền, các ngành, cấp chỉ đạo làm tốt. Tuy nhiên, văn hóa giao thông với hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được, ý thức của nhiều người tham gia giao thông thấp. Những biển báo, biển cấm cũng không còn phát huy tác dụng khi người dân vẫn cố ý không chấp hành. Cảnh đèo ba, đèo bốn người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… vẫn xảy ra hàng ngày, hàng giờ trên các con đường của thành phố.

Theo thống kê của Công an TP.Hà Nội, các lỗi vi phạm thường gặp nhiều nhất là: Vi phạm vạch sơn, đỗ dừng sai quy định, đi sai phần đường. Một số chuyên gia giao thông cho rằng, văn hóa giao thông đang ở mức báo động. Theo đó, để giải quyết, chúng ta phải tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân. Hiện, người dân mới chỉ nói mà chưa tham gia đóng góp ý thức văn hóa giao thông.

Vỉa hè bị lấn chiếm

Ông Trịnh Hoà Bình – Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội học (Viện Xã hội học) cho rằng, điều cốt yếu là cần nâng cao văn hoá khi tham gia giao thông cho người dân, tiếp đó là lực lượng quản lý giao thông.

Ông Bình cho rằng, mỗi người cần ý thức tuân thủ Luật Giao thông; không đi lấn chiếm vỉa hè, phi xe trên vỉa hè, vào đường cấm; không vứt rác, phế thải xuống đường làm cản trở xe cộ đi lại cũng nằm trong phạm trù của văn hoá giao thông. “Không thể biện hộ bằng câu: “Đường ta ta cứ đi, hè ta ta cứ bày” được, mà phải tuân thủ luật pháp. Văn hoá giao thông chính là nơi phản ánh trực diện trình độ văn hoá, văn minh của một đô thị. Nhìn vào thực trạng giao thông ở đó là đã có thể đánh giá được mức độ tiến bộ của thành phố ấy” – ông Bình nói.

Để có văn hoá giao thông, mọi người đều cần biết những điều cơ bản của Luật Giao thông. Trong số này có rất nhiều điều dễ nhớ, dễ hiểu như: Đi bên tay phải theo làn đường quy định; không đi vào đường cấm, đường ngược chiều; không phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ; không dừng đỗ tuỳ tiện ở lòng đường; không đi dàn ngang hàng đôi, hàng ba; đi bộ trên vỉa hè; đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm…

Sở GTVT TP.Hà Nội cũng đã phát động, toàn dân trên địa bàn hưởng ứng thực hiện phong trào  “Ba cần, ba không”. Đó là cần tự giác thực hiện nghiêm Luật Giao thông; cần tôn trọng trật tự và nhường nhịn nhau trên đường; cần tập trung vào lái xe an toàn; không uống rượu, phóng nhanh, vượt đèn đỏ; không chen lách, xô đẩy, đối đầu nhau khi ùn tắc; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không vứt rác ra đường.

Ngoài ra, lực lượng quản lý trật tự an toàn giao thông cũng nêu khẩu hiệu “ba kiên”: Kiên quyết xử lý vi phạm giao thông theo đúng luật; kiên quyết không để lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm cản trở giao thông; kiên quyết không vị nể và giữ mình trong sạch, không để bất cứ ai mua chuộc. Người tham gia giao thông thực hiện tốt “ba cần, ba không”; người tổ chức, quản lý giao thông thực hiện tốt “ba kiên”, đó chính là chúng ta cùng chung tay xây dựng văn hoá giao thông người Hà Nội. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem