Bài cuối: Chới với khi nghề giáo không còn ưu tiên

Tùng Anh Thứ năm, ngày 15/03/2018 06:17 AM (GMT+7)
Miễn học phí sư phạm, nâng mức lương giáo viên được coi là những giải pháp giúp thay đổi “chất” và “lượng” của ngành sư phạm trong tương lai. Tuy nhiên, tới đây, chính sách miễn học phí sẽ được Bộ GDĐT loại bỏ, trong khi đề xuất tăng lương cho giáo viên lại không nhận được sự ủng hộ.
Bình luận 0

Hy vọng rồi… thất vọng

Để cải thiện đời sống cho giáo viên, mới đây, Bộ GDĐT đã đưa vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đề xuất nâng lương của giáo viên xếp hạng cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp. Đề xuất này của Bộ đã khiến cho không ít giáo viên vui mừng, chờ đón.

img

  Việc đề xuất tăng bậc lương bị loại bỏ sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của đại bộ phận giáo viên (ảnh minh họa). Ảnh: T.A

"Để giải quyết các bất cập về lãng phí ngân sách, thời gian, nguồn nhân lực, cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo và nhân lực ngành giáo dục... Cùng với đó là sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo để nâng cao chất lượng đầu vào; nâng cao vị thế nhà giáo, cùng với chính sách ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục”.

Ông Phan Thanh Bình -
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên,
Thiếu niên và Nhi đồng
của Quốc hội

Tuy nhiên mới đây, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12.3, đề xuất này đã bị gạt bỏ khỏi dự thảo luật. Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính - hai đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện, đưa ra lý do cần rà soát, đánh giá tổng thể về tiền lương và phụ cấp của giáo viên để đảm bảo sự tương quan, thống nhất về tiền lương, phụ cấp với các ngành nghề khác trong giai đoạn tới.

Theo giải thích của đại điện Bộ Nội vụ, hiện nhà giáo đã được ưu ái về mức lương và xếp hạng lương, ngoài ra các chế độ phụ cấp cũng được ưu đãi theo nghề mức cao nhất đến 70% và phụ cấp thâm niên nghề. “Đây là sự ưu đãi đặc biệt của Nhà nước đối với nhà giáo” - Bộ Nội vụ khẳng định. Bộ này cũng cho rằng, việc nhiều bộ, ngành khi xây dựng luật chuyên ngành đã đưa quy định về tiền lương (cả phụ cấp) làm phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề.

Không những việc tăng lương cho giáo viên bị loại bỏ, trong tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Bộ GDĐT đã đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí.

Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, chính sách không thu học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm đã thực hiện được 20 năm và đã có những hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ học sinh nghèo, học giỏi vào sư phạm. Tuy nhiên hiện nay, nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi, số sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực sư phạm.

“Vì vậy, học sinh, sinh viên sư phạm cũng cần phải đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành học khác. Tuy nhiên, để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên sư phạm, Dự thảo Luật quy định về tín dụng sư phạm và sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm, đồng thời Chính phủ quy định cụ thể chế độ tín dụng sư phạm và chính sách bồi hoàn kinh phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích.

Giáo viên sẽ “chới với” hơn

Hai đề xuất hoàn toàn “bất lợi” cho sinh viên sư phạm và giáo viên được đưa ra đúng thời điểm cuộc “khủng hoảng” trên bục giảng về vị thế người thầy đang lên cao trào và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” đã khiến không ít giáo viên hoang mang.

img

Thu nhập của giáo viên vẫn còn ở mức thấp, nhất là giáo viên mầm non... (ảnh chụp tại xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An).  Ảnh: T.A

GS Nguyễn Minh Thuyết đề xuất, nếu không tăng lương cho tất cả thì cũng nên chú ý tới một số đối tượng khó khăn, lương thấp nhất trong ngành giáo dục như cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên mầm non… Có như vậy mới động viên được tinh thần cho thầy cô.

Cô Nguyễn Thu Hương - giáo viên Trường THPT Tiền Hải (Thái Bình) cho rằng, nghề giáo hiện đã chịu khá nhiều áp lực, không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần. Mấy năm qua, đầu vào sư phạm cũng giảm sút, nhiều trường đã phải vét học sinh đến quá sàn, câu chuyện 3 điểm/môn trúng tuyển sư phạm đã khiến không ít người trong nghề đau lòng.

“Rất nhiều học sinh có mơ ước trở thành giáo viên và nhiều giáo viên đang đứng trên bục giảng đang rất mong chờ ở giải pháp tăng lương, thêm nhiều hỗ trợ đặc thù cho sinh viên. Nếu hai chính sách này không được thực hiện thì rất khó để có thể có người giỏi vào sư phạm, cũng khó để giúp giáo viên gắn bó với nghề” - cô Hương chia sẻ.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) lại cho rằng, chính sách miễn học phí thay bằng việc cho mượn tiền từ ngân sách để học tập và có thể hỗ trợ cho cuộc sống của các bạn sinh viên là giải pháp phù hợp vì nó trói buộc trách nhiệm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Giải pháp này đã được nhiều nước áp dụng. So với các ngành khác thì đây vẫn là một ưu đãi mang tính đặc thù.

Tuy nhiên, cũng theo cô Huyền Thảo, cái khó là để được hưởng khoản cho vay này sinh viên cần có việc làm đúng nghề sau khi tốt nghiệp. “Hiện nay sinh viên tốt nghiệp đâu có dễ được làm đúng nghề” - cô Thảo bày tỏ.

Nói về việc giáo viên sẽ không được ưu tiên về mức lương, cô Huyền Thảo cho biết đây sẽ là một tin không vui cho giáo viên trong giai đoạn hiện nay, theo đó đời sống của thầy cô sẽ không thể cái thiện. Nó cũng là cái khó của nhà quản lý vì chính sách không cho phép.

Nói về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới - cho rằng, việc đề xuất tăng bậc lương bị loại bỏ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của đại bộ phận giáo viên.

Theo ông Thuyết, nếu đề xuất được chấp thuận thì mức lương tăng cũng không được nhiều, nhưng sẽ là sự khích lệ, quan tâm về chính sách đối với giáo viên để thầy cô nhiệt tình bước vào công cuộc đổi mới giáo dục.

“Thực ra nghề giáo đang được hưởng một số chế độ lương bậc ưu ái hơn một số nghề khác, ví như phụ cấp thâm niên, bảo lưu tính vào lương hưu, phụ cấp thu hút vùng khó khăn, giờ lên lớp… Tuy nhiên nhìn mặt bằng chung, thu nhập của nhà giáo vẫn còn ở mức thấp, ngoài dạy thêm, học thêm không được khuyến khích, nhà giáo không có nguồn thu nhập khác” - ông Thuyết nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem