Bản danh sách Sơn La và sự trung thực của người cán bộ

Phan Đăng Thứ bảy, ngày 20/04/2019 08:30 AM (GMT+7)
Trong bản danh sách cha mẹ những thí sinh được nâng điểm ở Sơn La, hầu hết số này đang hoạt động trong bộ máy công quyền, đang từng ngày từng giờ thực hiện trách nhiệm nêu gương của người cán bộ. Và ai cũng hiểu, một trong những điều cần nêu gương nhất chính là sự trung thực.
Bình luận 0

Tôi còn bị ám ảnh mãi một câu chuyện đọc được cho đến tận bây giờ. Mùa tuyển sinh Đại học năm 2017, N.P.H thi Đại học lần thứ 2. Và kết quả của những năm gò lưng đèn sách là N.P.H đạt được số điểm rất cao: 29,25 điểm. Cả gia đình NPH tin rằng giấc mơ vào Đại học Y Hà Nội của em sẽ thành hiện thực. Ai ngờ, khi Đại học Y Hà Nội công bố điểm, N.P.H bị trượt, vì thiếu 0,05 điểm.

img

Hồi ấy tôi cứ ngồi nghĩ mãi: Chúng ta có thể đo 0,05 điểm bằng thước đo gì? Bằng một cái nháy mắt? Bằng một nửa hay một phần tư cái nháy mắt? Càng nghĩ, càng thấy sự lạnh lùng nghiệt ngã của khoa cử. Nhưng đấy là một phần của khoa cử, ở đâu cũng thế, không thể nào khác được.

Tôi vẫn nhớ nguyên văn những gì N.P.H nói trên tờ điện tử Zing.vn sau mùa thi năm đó: "Số phận em cay đắng quá! Gục ngã trước thiên đường là một điều quá sức chịu đựng với em". Quá sức chịu đựng thì cuối cùng em vẫn phải chịu đựng. Thậm chí, phải tìm cách vượt qua. Vì đơn giản là chẳng còn cách nào khác cả, cuộc chơi này là thế!

img

Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La công bố quyết định khởi tố bà Nguyễn Thanh Nhàn (áo trắng) - phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La. Ảnh: Cơ quan Công an cung cấp. 

Tôi nhớ thêm một chi tiết: Mùa thi 2017, đề thi rất dễ, điểm số rất cao. Nhưng đến mùa thi 2018 thì đề thi rất khó, và điểm số rất thấp. Kỳ lạ là mùa thi 2018, bất chấp xu thế "điểm số rất thấp" thì điểm số của một số thí sinh đến từ những tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Hoà Bình, Sơn La vẫn... cao chót vót. Và đây chính là manh mối đầu tiên để người ta phát hiện ra có hàng trăm thí sinh đã được nâng khống điểm, thậm chí có thí sinh được nâng tới 25 điểm so với điểm thật của mình.

Kinh khủng! Ai cũng nói là kinh khủng! Nhưng có thể còn có một sự thực kinh khủng hơn: Không phải đến bây giờ, ở mùa thi 2017, rất có thể đã xuất hiện những vụ nâng điểm như thế rồi. Chỉ có điều nó đã vô tình được che đậy nhờ cái xu thế "đề dễ - điểm cao" của toàn quốc nói chung. Nếu đúng thế, thì ngay từ mùa thi 2017 phải chăng những thí sinh trượt Đại học vì thiếu 0,05 điểm như thí sinh N.P.H mà tôi vừa kể là những trường hợp "chết oan"?

Các em "chết" vì bị những con người quỷ quyệt - những đường dây quỷ quyệt cướp quyền được "sống", quyền được "phấn đấu", quyền được "ước mơ" của mình? Ai đó từng nói, tham nhũng quyền được ước mơ và thực hiện ước mơ của người khác là thứ tham nhũng đê tiện nhất.  

Một người bạn gửi tôi xem danh sách hơn 20 thí sinh gian dối điểm ở Sơn La. Trước khi xem, tôi nhắm mắt lại và cố hy vọng: Trong danh sách này sẽ có một vài trường hợp nào đó con nhà nghèo. Vì khi đó, chúng ta có quyền an ủi nhau rằng: À, rất có thể đây là một trục trặc kỹ thuật! À, rất có thể sự gian dối chỉ là vô tình. Chỉ cần 1,2 trường hợp con nhà nghèo vô tình rơi vào danh sách này thôi thì ít ra chính mình cũng được "cứu rỗi” ở một khía cạnh nào đó.

Nhưng khi đọc cẩn thận từng trường hợp thì tôi hiểu chẳng có sự "cứu rỗi” nào ở đây cả. Sự thật là sự thật: Tất cả đều là con quan, từ quan tỉnh đến quan huyện, từ quan to đến quan bé. Rồi những ông quan này sẽ ăn nói với con cái mình, với những người thân quen của mình, với nhân dân của mình thế nào đây?

Những vị quan chức Sơn La, có người chưa phát ngôn, nhưng một số người đã phát ngôn thì – lạ thay – cùng mô típ với vị quan chức Hà Giang đã từng phát ngôn trước đây! Rằng, đều rất ngạc nhiên và không hề biết gì về chuyện con mình được nâng điểm. Và rằng: Cũng rất buồn vì ai đó nâng điểm cho con mình.

Có thật là họ không biết hay không? Có thật là họ “vô can” trước việc con mình được nâng điểm? Là một người duy lý và luôn tôn trọng quan điểm "suy đoán vô tội" của toà án, cá nhân tôi cho rằng, cũng có thể một vài người trong số họ thực sự không biết điều này, khi con em họ được nâng 1 vài điểm.

img

Ảnh: Tuổi Trẻ

Nhưng với những trường hợp thí sinh được nâng trên 10 điểm cho 3 môn, thậm chí có thí sinh nâng tới 25 điểm, để từ kẻ “ngoài rìa” bỗng nhiên trở thành những “thủ khoa” với tương lai sáng bừng thì khó có thể tin những bậc phụ huynh lại vô can. Và chính họ đã góp phần đẩy không ít những thí sinh như N.P.H ở phần đầu câu chuyện vào sự nghiệt ngã của số phận.

Thật trùng hợp là vụ gian dối điểm ở Việt Nam diễn ra đúng thời điểm với một vụ gian dối điểm thi vào Đại học ở Mỹ. Và chúng ta hãy thử xem, những ông bố/bà mẹ người Mỹ nói gì?

"Tôi rất xấu hổ", bà Felicity Huffman - nữ diễn viên ngôi sao của Hollywood đã nói như vậy vào buổi sáng ngày 8.4 vừa rồi. Sau phút xấu hổ, bà Felicity Huffman gửi lời xin lỗi tới gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Rồi đặc biệt, bà xin lỗi "các sinh viên đã học tập cần cù ngày đêm để được vào đại học". Chắc chắn bà Felicity Juffman đã sai, và chắc chắn sẽ bị xử phạt rất nặng. Nhưng ít ra sự thừa nhận "xấu hổ" và lời "xin lỗi" của bà cũng giúp cho một chút tử tế được cứu rỗi phần nào.

Bà đã không thể làm gương cho con mình khi bỏ ra 15.000USD để sửa điểm bài thi SAT, nhưng đến lúc này ít ra bà cũng đã làm gương cho con mình về việc dám làm thì dám nhận. Rất có thể, với hành động dám làm - dám nhận, hình ảnh của bà sẽ được cứu chuộc, ít nhất là trong lòng những đứa con. Bi kịch lớn nhất của một ông bố/bà mẹ không phải là nghèo khổ về vật chất, không phải là thất bại về sự nghiệp, mà là đã chết lầm lũi và cay đắng trong tâm hồn của những đứa con.

Trở lại với những bậc phụ huynh của những thí sinh gian dối điểm ở Việt Nam trong mùa thi Đại học năm nay. Thông qua những danh sách mà báo chí tiết lộ, chúng ta biết rất nhiều người trong số này đang hoạt động trong bộ máy công quyền, đang từng ngày từng giờ thực hiện trách nhiệm nêu gương của người cán bộ. Và ai cũng hiểu, một trong những điều cần nêu gương nhất chính là sự trung thực.

Tới đây, cơ quan điều tra chắc chắn sẽ vào cuộc, và chắc chắn sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về mối liên quan giữa những ông bố/bà mẹ này với việc con cái mình được nâng điểm vô tội vạ.

Bây giờ, nếu những người cán bộ còn sự trung thực, chính trực không làm một hành động nào đó để "nêu gương" trước những đứa con mình, e rằng đến lúc cơ quan điều tra vào cuộc và kết luận thì sự "nêu gương" đó cũng đã trở nên quá muộn màng và vô nghĩa.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem