Bản Dao Tiền nhớ ngày Giỗ Tổ

Nguyễn Trương Huyền Chủ nhật, ngày 17/04/2016 16:20 PM (GMT+7)
“Mời ghé thăm Địch Quả quê em. Nâng chén rượu nhớ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Người Dao Tiền không cùng sinh từ bọc trứng. Nhưng tâm hương vẫn hướng đến Vua Hùng...” - câu hát lảnh lót của cô sơn nữ Dao Tiền tuổi 18 khiến con đường từ trung tâm huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) về xã Địch Quả như gần lại.
Bình luận 0

Sơn nữ bảo, ở quê cô ai cũng thuộc câu hát này bởi cứ dịp 10.3 âm lịch, nó lại được cất lên hòa cùng với sự thành kính, thiêng liêng của mọi người hướng về ngày Giỗ Tổ  Hùng Vương...

Không cùng “bọc trứng” vẫn là con dân đất Việt

Theo truyền thuyết tự ngàn đời lưu lại thì người Dao Tiền ở Phú Thọ nói riêng và dân tộc Dao nói chung không sinh ra từ “bọc trăm trứng” của mẹ Âu Cơ mà được sinh ra từ “một quả bầu” gắn với sự tích Bàn Cổ tạo ra muôn loài. Dù khác về Tổ sinh, nhưng trong quá trình an cư, lạc nghiệp trên những vùng đất của tỉnh Phú Thọ, thông qua quá trình giao lưu, tiếp biến với nền văn hóa của người Kinh bản địa, đồng bào Dao Tiền đã biết đến Quốc Tổ của người Việt và theo thời gian, dần dần họ đã tôn thờ Vua Hùng là tổ tiên của mình.

imgĐồng bào Dao Tiền làm bánh Giỗ Tổ Hùng Vương. (ảnh: N.T.H)

Chẳng thế mà từ bao đời nay mỗi dịp lễ tết, khi thắp hương viếng Bàn Cổ (người sinh ra Trời - Đất), Bàn Hồ (ông Tổ của người Dao) thì đồng thời người Dao Tiền cũng thành kính dâng lễ cúng bái Vua Hùng. Nhất là vào dịp 10.3 âm lịch hàng năm, đồng bào Dao Tiền cũng nô nức cùng đồng bào Kinh hướng về ngày Giỗ Tổ.

Chính vì lòng biết ơn sâu nặng đối với mảnh đất đã chở che, nuôi dưỡng cộng đồng mình mà trong các ngày lễ quan trọng từ giỗ, tết đến cưới hỏi, tang ma..., người Dao Tiền đều cúng trình báo tới Vua Hùng và cầu mong được Vua Hùng ban phước, phù hộ cho dân làng, gia đình no đủ, hạnh phúc...

Bên vò rượu đã vơi gần nửa, già Bàn Văn Luân - Trưởng bản Quyết Tiến khề khà “khoe” về phong tục tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ở quê mình: Với người Dao Tiền giữa đại ngàn Địch Quả thì ngày Giỗ Tổ Vua Hùng (mồng 10.3) đã trở thành nét văn hóa tâm linh từ nhiều thế hệ. Đàn ông thì lo ủ rượu, làm hương đốt, phụ nữ thì lo làm bánh, chuẩn bị lễ vật để dâng lên bàn thờ gia đình và rước ra miếu thờ của bản. Đêm ngày 9.3, những người già trong bản bao giờ cũng tập trung để đón chờ cơn mưa rửa Đền Hùng.

“Như người Kinh, chúng tôi tin vào điềm lành của những cơn mưa này, nó không chỉ có ý nghĩa là lau rửa không gian quanh đền thêm sạch sẽ sau một năm đằng đẵng, để lễ Quốc giỗ diễn ra thêm thanh sạch, linh thiêng. Sau cơn mưa rửa đền, bước sang ngày mồng 10.3 âm lịch, nhà nào cũng dâng lễ lên bàn thờ, thắp hương vọng bái Vua Hùng, có nhà thì đem lễ ra miếu thờ của bản để cúng. Trước ban thờ, từ người già đến trẻ con đều kinh cẩn, cúi đầu... Bao nhiêu đời đã qua, dù nhiều thủ tục đã được giảm bớt theo hướng tiết kiệm nhưng không khí đón ngày Giỗ Tổ Vua Hùng của người Dao Tiền vẫn vậy” - già Luận bày tỏ.

Ấm áp ngày Giỗ Vua Tổ

Có mặt ở bản Quyết Tiến những ngày cuối tháng 2 âm lịch, chúng tôi rất ngạc nhiên bởi từ lúc này không khí chuẩn bị cho Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương của người Dao Tiền đã rất nhộn nhịp, trang nghiêm. Bà con bảo rằng, vào ngày 10.3 âm lịch hàng năm, nhà nào trong bản cũng làm cỗ để cúng tổ tiên, thần linh và anh linh của các Vua Hùng.

Không còn tổ chức ăn uống linh đình, dài ngày như trước đây, nên đúng đêm mồng 9.3 âm lịch, một số hộ gia đình có điều kiện mới mổ lợn để các nhà khác cùng “ăn đụng”. Bà con còn quan niệm, nếu nhà nào mà hứng được nước mưa của đêm mồng 9.3 để hôm sau sinh hoạt thì cả năm sẽ được phù hộ, may mắn.

Mặc dù đã 96 tuổi nhưng cụ Bàn Văn Tháu vẫn bảo năm nay, đúng ngày 10.3 âm lịch sẽ chống gậy đi khắp bản để uống rượu Giỗ Tổ cùng con cháu. Cụ vừa vui, vừa xúc động khi ôn lại lịch sử “thiên di” của người Dao sang Việt Nam, việc cộng đồng đã từng gặp nạn và hứa với Trời - Đất, Tổ tiên; việc người Dao Tiền thoát nạn, vào được đất liền, gặp người Giao Chỉ, được nhà vua ra ân cứu giúp..., rồi được dân bản địa là con cháu Vua Hùng cưu mang, giúp đỡ để hòa nhập, làm ăn sinh sống, phát triển...

Có lẽ chính vì sự gắn kết như duyên phận như vậy nên trong các bài hát, bài cúng của người Dao Tiền bao giờ cũng có nội dung thành kính nhắc tới Vua Hùng, Vua Tổ và tự nhận mình là con dân đất Việt: “Gặp được Vua Tổ tốt lòng/ Hướng dẫn người Dao biết làm đồng làm  nương/ Hai tay con lạy Vua Tổ Hùng Vương/ Cho con bông lúa chín đỏ đầy nương/ Ngô bắp đầy vườn, gia súc đầy sân/ Người người sinh sôi, bản làng đông vui/ Kính lạy...

Đúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ở bản Dao Tiền, ai có điều kiện thì bắt xe ô tô, hoặc đi xe máy về thành phố Việt Trì để dự lễ hội Đền Hùng, ai không có điều kiện thì làm lễ bái vọng Vua Hùng ở miếu làng, ở bàn thờ gia đình... /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem