Bận lòng ở trời Tây: Sướng nhất là giao thông

Thứ năm, ngày 04/10/2012 06:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có lẽ do ở nhà mở mắt ra là đã bức xúc với giao thông nên sang đây tôi thực sự cảm thấy lòng mình thật nhẹ nhõm mỗi khi rong ruổi trên đường.
Bình luận 0

Luật ngự trị không gian

Tôi đến Áo theo lời mời của vợ chồng Lê Chiên - cán bộ Sứ quán Việt Nam tại Áo. Ngày đầu ở Viên, Lê Chiên dẫn tôi thăm sơ bộ gần hết các điểm đáng đến. Viên đẹp như một nàng công chúa yêu kiều dẫu tuổi đã cả ngàn năm. Cảm giác thời gian không bị cắt khúc ở diện mạo kiến trúc.

img
Một góc Thủ đô Viên.

Lê Chiên bảo, có người quay lại sau vài chục năm xa cách, thấy Viên vẫn như xưa. Không phải so trong vài chục năm, cả trăm năm Viên vẫn là Viên. Không có nghĩa Viên không có gì đổi mới, như xưa là tính thống nhất, hài hòa của kiến trúc thủ đô được quy hoạch và tuân thủ với bất kỳ ngôi nhà, ngõ phố nào mới sinh sau.

Trên đồi mang tên Đỉnh Quyền Lực ngắm toàn cảnh Viên sáng sớm, dù dốt về kiến trúc như tôi cũng hiểu được: Trải qua nhiều triều đại khác nhau, Viên là sản phẩm của một tầm nhìn, thẩm mỹ kiến trúc thống nhất xuyên suốt các vương triều Áo. Mọi sự kế tục chỉ làm cho Viên ngày một đẹp hơn, hoàn mỹ hơn.

Người sống ở Viên bảo, thành phố này cũng bị kẹt xe. Nhưng là kẹt trong trật tự. Viên có những phố hẹp chẳng kém Hàng Bồ, Hàng Ngang của thủ đô ta. Ô tô đỗ dưới lòng đường, đỗ cả hai bên. Nhưng những chiếc xe bus dài ngoằng vẫn có thể cua với tốc độ khá nhanh giữa hai hàng ô tô đậu kín.

Nhớ đường Xuân Thủy, Cầu Giấy ở Hà Nội hàng ngày tôi vẫn đi làm rộng hơn nhiều tuyến phố ở đây, ô tô ít hơn ở đây, vậy mà ngày nào cũng tắc ứ ự. Điều khác biệt không khó tìm. Ở đây tịnh không một khẩu hiệu, một pa nô tuyên truyền, nhiệt liệt chào mừng, không sắc màu lòe loẹt, không bườm xươm vỉa hè. Chỉ có sơn kẻ làn đường, biển chỉ dẫn, đèn xanh đỏ ngự trị trong không gian đi lại. Luật giao thông hiện hữu ở mỗi bước đi, ở mỗi mét đường.

Thông tin là tiền bạc

Với visa được lưu trú 15 ngày, tôi muốn tranh thủ đi nhiều nước trong khối Schengen. Và tôi đã qua những 8 nước. Thuận lợi về thủ tục, đa dạng về phương tiện, chính xác về thời gian, chi tiết về thông tin… đó là những điều kiện quan trọng nhất giúp bất kỳ du khách nào cũng có thể thực hiện chuyến đi tiết kiệm và hiệu quả nhất.

Lang thang trên đất Áo, Hungary, Czech, Slovakia, Croatia, Slovenia, Đức, Italia, bằng tàu hỏa, ô tô, tàu thủy, tàu điện ngầm, tàu nổi, xe bus, tôi cảm nhận ngành giao thông châu Âu luôn “đọc được” nhu cầu cần biết gì của một người từ lúc mua vé cho tới khi đến đích. Mọi điều muốn biết đều được thông tin hoặc trên bảng lịch trình ở nhà ga, hoặc các biển chỉ dẫn trên đường, góc phố.

Nhớ lần xuống ga Wolfshal để vào sân bay Viên. Từ ga lên mặt đất có hai hướng. Tôi đang lúng túng chưa biết đi theo hướng nào thì thấy ngay trước mắt có bản chỉ dẫn chi tiết: Hãng hàng không nào làm thủ tục check-in ở khu vực nào, bàn nào thì đi theo hướng nào. Lên mặt đất thấy có rất ít người qua lại, không biết sân bay xa hay gần. Nhưng rồi cũng không cần hỏi vì từng bước đi, bạn đều được dẫn dắt bằng những mũi tên, ký hiệu dễ tìm để bạn đến khu vực làm thủ tục. Rất khoa học và cụ thể!

Cái navi tít tít

Hiệp và Chiến thay nhau cùng chúng tôi rong ruổi châu Âu. Cả hai ở Áo đã hơn 20 năm và nay là công dân Áo. Hiệp thật thà bảo: “Hồi ở nhà, em quậy lắm. Vậy mà sang đây bọn em ngoan hẳn”. Công việc ổn định, lương cao, luật pháp nghiêm, không ngoan sao được.

Khi đi xuyên quốc gia, cánh lái xe châu Âu dùng thiết bị dẫn đường Navigation. Có cảm giác rằng, lái xe và cảnh sát ở xứ này phối hợp với nhau thực hiện luật giao thông chứ không phải rình nhau kẻ trốn, người chộp. Cái navi ngoài chức năng dẫn đường, thỉnh thoảng lại kêu “tít tít” khi Hiệp và Chiến đang cao hứng tốc độ. Đó là nó báo phía trước có camera và tài xế cần đi đúng tốc độ quy định.

Vào đường cao tốc phải mua vé. Vé tháng, vé 10 ngày, vé trong ngày. Vé bán ở trạm dừng chân, chỗ bán xăng. Lái xe phải dán vé lên kính trước. Qua 8 nước, tôi không gặp anh cảnh sát giao thông nào đứng chặn đường. Có chốt cảnh sát, lái xe được báo trước bằng biển báo.

Lang thang trên đất Áo, Hungary, Czech, Slovakia, Croatia, Slovenia, Đức, Italia, bằng tàu hỏa, ô tô, tàu thủy, tàu điện ngầm, tàu nổi, xe bus, tôi cảm nhận ngành giao thông châu Âu luôn “đọc được” nhu cầu cần biết gì của một người từ lúc mua vé cho tới khi đến đích.

Láu cá như ở nhà, khối lái xe trốn được vé xa lộ. Nhưng bạn có thể sẽ gặp các tình huống sau: Một ngày nào đó có “trát” gửi về tận nhà mời bạn nộp phạt, kể cả vi phạm ở nước ngoài. Kẻ phát hiện là các máy quay đặt trên đường. Mức phạt rất cao so với giá vé quy định. Hoặc bạn bất ngờ gặp viên cảnh sát nào đó ngẫu hứng đi tuần. Phạt nặng. Không xin xỏ.

Chuyện đỗ xe cũng thế. Mua vé tự động, tự giác lấy xe theo giờ mua. Chẳng có nhân viên nào kiểm tra. Đi lại ở nội đô các nước châu Âu (xe bus, tàu điện ngầm, tàu điện nổi) cũng vậy, tự động mua vé, tự động cho vào hộp dập ngày giờ. Khôn vặt thì khối kiểu trốn.

Nhưng ở xứ này, tự trọng cá nhân cao hơn đồng tiền. Hơn nữa, tiền đi lại quá rẻ. Vé 6-7 euro (1 euro chừng 26.000 đồng) đi thoải mái cả ngày tất cả các phương tiện. “Với lại, khi mình tự giác chấp hành luật thì lòng mình sẽ rất thanh thản anh ạ”- hai công dân Áo gốc Việt nói với tôi như thế.

Bài 2: Gặp Danube nhớ... sông Lô

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem