Báo cáo về Sông Tranh 2: Cách làm cẩu thả là... phổ biến

Thứ sáu, ngày 28/09/2012 07:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khi nghe chuyện EVN làm Báo cáo đánh giá tác động môi trường cẩu thả, sơ sài trước khi xây Thủy điện Sông Tranh 2, các nhà khoa học, chuyên gia không hề bất ngờ, bởi đó là cách làm phổ biến hiện nay.
Bình luận 0

Cách làm phổ biến

Đánh giá tầm quan trọng về việc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, PGS-TS Nguyễn Hồng Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho rằng: “Việc làm báo cáo đánh giá tác động môi trường là điều bắt buộc phải làm của bất kỳ công trình thủy điện nào ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

img
Ông Nguyễn Xuân Diệu (đi đầu)- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo PCLB T.Ư thị sát đập Sông Tranh 2.

Để có bản báo cáo trung thực, khách quan và chính xác, phía chủ đầu tư phải thuê những chuyên gia đầu ngành làm việc nghiên cứu đánh giá. Không thể cóp nhặt những đánh giá khác để ghép vào báo cáo của mình. Việc EVN cóp nhặt bản báo cáo độc lập của anh Lê Trần Chấn – chuyên gia địa lý sinh vật (Viện Địa lý) lồng vào báo cáo của EVN về Thủy điện Sông Tranh 2 tức là làm bậy”.

Về việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với xây dựng thủy điện hiện nay, ông Phạm Hồng Giang- Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam cho rằng: “Theo những trường hợp tôi được biết thì việc làm báo cáo tác động về môi trường thường bị coi nhẹ, đơn vị làm báo cáo chỉ làm qua loa để nộp, nhiều khi cóp nhặt từ các loại báo cáo khác. Tôi cho rằng các báo cáo thẩm tra về tác động môi trường trong thời gian vừa qua không nghiêm túc”.

Còn tiến si Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho hay: “Từ trước đến nay, các báo cáo đánh giá tác động môi trường phần lớn là làm cho có, vì luật pháp yêu cầu phải có thì chủ đầu tư làm thôi, những ông chủ đầu tư hay những đơn vị thẩm định rất ít quan tâm đến báo cáo này, họ chỉ quan tâm đến báo cáo tiền khả thi vì cái này liên quan đến tiền nong đầu tư. Việc làm báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng là dịp để lĩnh tiền một cách nhẹ nhàng, bởi làm báo cáo này được chi khá nhiều tiền”.

Cần bổ sung quy định

“Làm như vậy là thảm hoạ”

Về bản báo cáo sơ sài và “cóp nhặt” của EVN, ngày 27.9, ông Lê Phước Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Không kể là chuyện động đất kích thích có xảy ra hay không thì bản báo cáo 200 trang mà chỉ có 1/2 trang đề cập đến vấn đề này thì đúng là làm ăn quá cẩu thả. Nếu có thật thì chúng tôi sẽ đề nghị làm rõ vấn đề này trước Chính phủ. Liên quan đến tính mạng của nhân dân, tài sản của Nhà nước mà làm như thế thì đúng là thảm họa.

Trả lời câu hỏi cần phải làm gì để việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường được làm nghiêm túc chính xác, ông Phạm Hồng Giang cho rằng: “Theo tôi cần thiết phải có một đội tư vấn độc lập và thật sự am hiểu về các lĩnh vực trên để đánh giá thật chính xác khách quan. Đồng thời phải có một đơn vị độc lập để phản biện báo cáo đó, để đánh giá đúng hay sai. Trên cơ sở phản biện như vậy, hội đồng của các cơ quan nhà nước mới có căn cứ để đánh giá được và quyết định thông qua dự án này hay không”.

Về vấn đề này, tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh: “Muốn ngăn chặn tình trạng trên, phải lưu tâm những đơn vị tư vấn làm báo cáo môi trường như vậy, phải phạt nặng hoặc cấm làm tư vấn trong 5 năm nếu làm ẩu, làm sai”.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS - TS Nguyễn Hồng Phương đề xuất: Để ngăn chặn việc làm báo cáo một cách hình thức, chúng ta cần phải xem lại hệ thống luật pháp đã quy định điều này chưa, nếu chưa thì cần chỉnh sửa luật.

Phải có điều khoản mới bổ sung nhằm thắt chặt quá trình đánh giá tác động môi trường và phải quy trách nhiệm rõ cho các bên tham gia từ chủ đầu tư, từ người quản lý nhà nước cho đến các nhà khoa học”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem