Bạo hành trẻ ngày càng tăng: Lỗi vì đâu?

Tùng Anh Thứ sáu, ngày 08/04/2016 15:11 PM (GMT+7)
“Khi diễn ra hành vi bạo hành trẻ thì người chăm sóc đang rơi vào trạng thái căng thẳng về tâm lý (stress), dẫn đến mất kiểm soát về mặt nhận thức và hành vi. Khi đó, trẻ chính là đối tượng bị…chịu hậu quả” - TS Nguyễn Thị Kim Anh, Hiệu phó Trường Cao đẳng Trung ương TP.HCM chia sẻ.
Bình luận 0

Đây là một trong những ý kiến tại hội thảo “Đảm bảo an toàn cho trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non, thực trạng và giải pháp” được Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 8.4.

90% giáo viên bị stress

Ngày 16.3, dư luận xôn xao về vụ clip 1 bé trai 4 tuổi tại Trường Mầm non tư thục Khai Minh (quận 11, TP.HCM) bị hai cô giáo nhéo bầm tai, phạt bê cơm hơn 1 giờ và liên tục đánh vào chân, quăng ra sàn nhà thô bạo.

Năm 2015, có rất nhiều vụ bạo hành khủng khiếp xảy ra, chỉ riêng trong tháng 10, đã có các vụ: em bé 2 - 3 tuổi tại trường mầm non Xuân Mai (Văn Quan, Lạng Sơn) do quấy khóc bị cô giáo nhốt bên ngoài, bới rác ăn; vụ cô giáo mầm non dùng tay đánh vào mặt, lắc đầu vì… trẻ ăn chậm ở Trường Mầm non tư thục Nụ Cười Xinh (Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Hà Nội); vụ phụ huynh Đinh Thị Thúy Hằng có con học tại Trường Mầm non Sơn Ca (Đồng Hới, Quảng Bình) bắt quả tang con bị cô giáo trói và nhét giẻ vào miệng.

Theo TS Nguyễn Thị Kim Anh, thực chất, bạo hành chính là những hành vi ứng xử tiêu cực với trẻ em vượt quá khả năng ứng phó của người chăm sóc, nuôi dưỡng, gây tổn thương về mặt thực thể và tâm lý cho trẻ. Nói một cách dễ hiểu, khi diễn ra hành vi bạo hành trẻ, người chăm sóc đang rơi vào trạng thái căng thẳng về tâm lý (stress), dẫn đến mất kiểm soát về mặt nhận thức và hành vi. Khi đó, trẻ chính là đối tượng bị… chịu hậu quả.

img

Nhiều trẻ bị bạo hành chỉ vì…không chịu ăn (Ảnh minh họa).

Bà Kim Anh chứng minh, giáo viên là đối tượng có tỷ lệ mắc stress cao hơn hẳn so với công nhân hay nhân viên y tế. Cụ thể, theo một nghiên cứu quy mô nhỏ của TS Phạm Mạnh Hà - Khoa Tâm lý ĐH Quốc gia Hà Nội, trên 333 giáo viên cho thấy khoảng 90% bị stress nghề nghiệp, trong khi đó một nghiên cứu khác trên đối tượng công nhân và nhân viên y tế là 71% và 27%. Một khảo sát khác khác mới đây trên 102 giáo viên mầm non tại thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) đã có tới 59,8% giáo viên mắc stress nghề nghiệp.

Cô giáo không biết chữ

TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh - Trung tâm Nghiên cứu giáo dục mầm non (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) chia sẻ, khi kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non, nhiều nơi vẫn đưa ra được chứng chỉ quản lý giáo dục nhưng khi đưa phiếu hỏi điều tra cho họ đọc và điền thì họ bảo… không biết chữ. Lý do họ đưa ra là đi mua chứng chỉ và thuê người quản lý.

"Điều đó cho thấy, đằng sau mấy tấm chứng chỉ mầm non có rất nhiều vấn đề. Nếu cứ để những cơ sở mầm non hoạt động dưới sự điều hành của những con người như thế thì việc trẻ em bị bạo hành lúc nào cũng sẽ là nguy cơ” - TS Trinh cho hay.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, trình độ của giáo viên, chủ nhóm trường, nhóm trẻ cũng là một vấn đề đáng bàn dẫn tới việc gia tăng các vụ bạo lực.

“Yêu cầu giữ trẻ quá lớn khiến “bùng nổ” các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ tự phát khiến việc quản lý của cơ quan chức năng không xuể. Nhiều chủ trường chạy theo lợi nhuận, tuyển cả những người không được đào tạo hay đào tạo không đến nơi đến chốn, thả nổi để giáo viên tùy tiện hành xử với học sinh dẫn đến hậu quả nghiêm trọng” - TS Lâm nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem