Báo nước ngoài: Người dân Việt Nam tin vào Chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19

V.N Thứ sáu, ngày 27/03/2020 10:56 AM (GMT+7)
Báo chí nước ngoài ca ngợi các biện pháp chống dịch quyết liệt của Việt Nam đã giúp giữ cho tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở mức thấp.
Bình luận 0

Reuters ngày 26/3 ghi nhận Việt Nam đã cách ly hàng chục nghìn người khi làn sóng người Việt ở nước ngoài đổ về để tránh dịch Covid-19 đang lan rộng ở Châu Âu và Mỹ.

"Mặc dù Việt Nam vẫn là một quốc gia nghèo hơn ở Đông Nam Á, các nỗ lực của Việt Nam chống virus đã được ca ngợi trong nước, và đã đảm bảo con số người nhiễm thấp hơn nhiều nước láng giềng" - Reuters viết.

Hãng tin trích lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đây là "giai đoạn quyết định" trong cuộc chiến chống virus.

Todd Pollack, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Trường Y Harvard, nói với Reuters rằng Việt Nam đã chọn cách tiếp cận tiêu chuẩn trong chiến lược phản ứng sớm, dựa trên kinh nghiệm của mình là nước đầu tiên ngoài Trung Quốc bị dịch SARS tấn công năm 2003. "Cách ly các cá nhân đã tiếp xúc với ca bệnh hoặc đi từ các vùng nguy cơ cao chắc chắn là một chiến lược quan trọng" - ông nói.

Reuters cũng ghi nhận công sức của các chiến sĩ quân đội trong phòng chống dịch. "Mọi người được cổ vũ bởi những câu chuyện trên mạng xã hội về những người lính mệt mỏi sau khi giúp đỡ mọi người, hoặc phải ngủ trong rừng để nhường chỗ cho những người đến các trung tâm cách ly quân đội" - Reuters viết.

Nguyen Ha My, một sinh viên từ Hungary trở về, cách ly tại một doanh trại cách Hà Nội 160km, nói với Reuters: "Trại cách ly không thể giống ở nhà, không nơi nào có thể giống ở nhà, nhưng ở đây tôi cảm thấy an toàn. Những người lính ở đây rất quan tâm. Tôi được cấp những thứ nhỏ nhất như dầu gội, sữa tắm, kể cả giấy vệ sinh. Cô và những người khác trong trại cho biết, mọi người đều thực hiện giãn cách xã hội, và ai có triệu chứng đầu tiên đều lập tức được chuyển đi nơi khác trong trại.

Nguyen Nhat Anh, một người vừa rời Việt Nam sang Australia học trong tháng Hai và trở về cuối tuần trước, cho biết: "Trong trại cách ly giống một kỳ nghỉ. Wifi miễn phí, ăn uống miễn phí, khẩu trang miễn phí. Chỉ hơi đau tim khi có ai cùng phòng ho".

Báo Đức Deutsche Welle của Đức chạy dòng tít: "Làm thế nào Việt Nam thắng cuộc chiến chống corona virus?". Tờ báo đặt câu hỏi, vì sao một nước đông dân, láng giềng của Trung Quốc, ngân sách thấp lại có thể giữ được tỷ lệ nhiễm Covid-19 rất thấp? So sánh với tình hình ở Đức, tờ báo viết: "Cho dù nhìn những con số đó một cách thận trọng, thì có một điều rõ ràng: Việt Nam đã làm rất tốt trong cuộc chiến chống corona virus cho tới nay". 

img

Báo Đức đăng tải hình ảnh poster chống dịch của Việt Nam. Ảnh: Deutsche Welle.

Tờ báo cho rằng Việt Nam đã huy động trên mọi mặt trận. Trong khi các nước phương Tây như Đức chỉ liệt kê người nhiễm và những người tiếp xúc trực tiếp, thì Việt Nam tìm kiếm đến F2 F3, hạn chế đi lại và tiếp xúc của họ.

Báo Đức cho rằng tâm trạng chung trên mạng xã hội và qua trò chuyện với người dân, có thể thấy đa số dân chúng đồng ý với các biện pháp của Chính phủ. Người dân cũng chấp nhận cái giá phải trả về kinh tế, được dự báo sẽ rất nặng nề với Việt Nam. Theo con số chính thức, 3.000 doanh nghiệp đã đóng cửa trong 2 tháng đầu năm. Để giảm bớt gánh nặng, chính phủ đã sẵn sàng bơm 1,1 tỉ USD vào nên kinh tế.

Tuy nhiên các chuyên gia dự đoán thu thuế sẽ hết do cuộc khủng hoảng và Chính phủ đã kêu gọi tự nguyện đóng góp. "Và người dân đóng góp những gì có thể, bởi họ tin vào Chính phủ trong cuộc khủng hoảng này và vào cuộc chiến chống corona virus".

Tờ Financial Times của Anh hôm 23/3 có bài viết với tựa đề: "Cuộc chiến với virus corona của Việt Nam đã được khen ngợi là mô hình chi phí thấp". Bài báo cho biết, khi người dân còn đang đón Tết Nguyên Đán thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp chính phủ tuyên chiến với corona.

"Kể từ đó Việt Nam đã chứng tỏ là mô hình kiềm chế dịch ở một đất nước với nguồn lực hạn chế, nhưng với sự lãnh đạo đầy quyết tâm" - FT viết.

Thay vì xét nghiệm hàng loạt như Hàn Quốc, Việt Nam tập trung vào cách ly người nhiễm và truy tìm dấu vết người tiếp xúc thứ hai, thứ ba. Tờ báo dẫn lời PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nói: "Xét nghiệm hàng loạt rất tốt, nhưng nó phụ thuộc vào nguồn lực mỗi nước". 

Ngoài việc truy tìm các tiếp xúc của người nhiễm, Việt Nam cũng áp dụng cách ly bắt buộc, trưng dụng sinh viên ngành y, các bác sĩ y tá về hưu tham gia chống dịch.

"Việt Nam là một xã hội huy động" - nhà nghiên cứu Carl Thayer, giáo sư danh dự Đại học New South Wales của Australia nói với FT. "Đó là đất nước một đảng cầm quyền, họ có lực lượng công an, quân đội lớn, và một chính phủ từ trên xuống dưới vốn rất giỏi trong việc chống đỡ các thảm họa thiên nhiên".

FT cũng cho rằng báo chí Việt Nam rất kiên trì đưa các thông điệp chống dịch, các quan chức minh bạch về việc dịch bùng phát. Bộ Y tế thường xuyên gửi tin nhắn liên quan đến corona virus và những lời khuyên sức khỏe.

Một khảo sát của công ty Nielsen Việt Nam - công ty nghiên cứu thị trường, cho thấy phần lớn người trả lời biết rõ về các triệu chứng của Covid-19. "Các nỗ lực của chính phủ chống Covid-19 đã được ủng hộ rộng rãi, điều đó có thể dược đánh giá qua những bài viết trên mạng xã hội ca ngợi các nhân viên y tế và câu khẩu hiệu lan rộng trên mạng: Ở nhà là yêu nước" - FT viết.

Tờ báo Anh cũng nhận xét Việt Nam đã mạnh tay với những kẻ gieo rắc tin giả về virus, với khoảng 800 người đã bị cảnh sát triệu tập và bị phạt.

Báo  Asia Times của Hong Kong hôm 19/3 thì ghi nhận  Việt Nam đã phản ứng nhanh hơn hầu hết các quốc gia Châu Á khi tạm ngừng đi lại với Trung Quốc. Tờ báo dẫn lời nhà nghiên cứu Hai Hong Nguyen của Đại học Queensland, Australia cho biết, lúc đầu khi có trường hợp đầu tiên hồi tháng Giêng, nó đã gây nên sự bối rối và việc mua đồ tích trữ. "Tuy nhiên sau những hành động cụ thể và những phát biểu của nhà chức trách, các đại diện  doanh nghiệp được đăng tải trên báo chí, tình hình đã trở lại bình thường và trong tầm kiểm soát" - nhà nghiên cứu này nói.

Tờ báo cũng dẫn lời Giáo sư Carl Thayer ca ngợi chính phủ đã chủ động hành động và cho biết, người dân ghi nhận công sức của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Dẫn lời học giả Alexander Vuving ở Trung tâm Nghiên cứu An ninh Daniel K Inouye tại Honolulu, Hawaii, Mỹ, tờ báo nói Việt Nam đã rất minh bạch trong thông tin về dịch.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem