“Bảo tàng sống” ở Quảng Trị

Thứ hai, ngày 23/07/2012 07:14 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tháng 7, ở Quảng Trị thật đông những cựu chiến binh đến đây thăm lại đồng đội. Rất nhiều những anh, chị, em đi tìm những “tay, chân” của mình và cả những người con đầu đã chớm bạc khắc khoải tìm cha.
Bình luận 0

Ở Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị, những cung đường, những góc chiến hào… của trận đánh cuối cùng trong cuộc đời người lính luôn sống lại từng giờ, từng ngày theo dòng người đến và đi tìm hài cốt liệt sĩ.

img
Vợ chồng ông Nịu, bà Hạnh bên bức di ảnh của liệt sĩ Thái Xuân Xu trong Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị.

Ngôi nhà của nước mắt

Chúng tôi đến Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ ở Quảng Trị lúc đã 20 giờ, nhưng toàn khu nhà đón tiếp vẫn đang trong giờ làm việc. Chị lễ tân đang tất bật chỉ dẫn cho khách vào phòng nghỉ.

 Phòng Giám đốc Nguyễn Minh Hoàn cửa vẫn mở toang, còn ông đang căng mắt đọc các tập hồ sơ để giải quyết kịp thời các chế độ chính sách cho thân nhân liệt sĩ và chỉ dẫn cho họ những nơi cần đến trong hành trình đi tìm và thăm viếng liệt sĩ.

Ông Hoàn kể: Sau chiến tranh, thân nhân liệt sĩ tìm về Quảng Trị ngày một đông. Cơ cực nhất là chuyện bà con phải ăn nghỉ vạ vật ở nhà ga, bến xe không ít người còn bị mất cắp, bị trấn lột. Tột cùng đau đớn phải kể đến trường hợp hài cốt liệt sĩ vừa tìm thấy bị kẻ trộm tưởng là tài sản mà lấy đi.

Năm 1997, tỉnh Quảng Trị đã nâng cấp khu thương binh nặng Đông Hà thành Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ cho bà con nghỉ lại, đồng thời tổ chức đội xe máy 3 chiếc để chở bà con đi viếng và tìm mộ liệt sĩ…

Cũng từ ngày ấy, khu nhà này trở thành không gian đặc biệt như một “bảo tàng sống” về những tháng ngày khói lửa trên mảnh đất Quảng Trị. Có lẽ chỉ có nơi này, những đau đớn, khắc khoải bao năm của những thân nhân liệt sĩ mới được kể ra cặn kẽ đến từng chi tiết. Và nước mắt, hầu như ai đến cũng đổ. Chưa tìm được - khóc, tìm được - khóc, đau đớn nhất là nước mắt thất vọng trong ngày về mà chưa tìm thấy người thân.

Ông Hoàn cho biết, mỗi năm, Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ đón tiếp 9.000 - 10.000 lượt thân nhân liệt sĩ trong cả nước đến Quảng Trị thăm viếng và tìm kiếm mộ liệt sĩ.

Chuyện về những người khách

Gần 15 năm làm lễ tân ở Nhà đón tiếp, chị Lê Công Diệu My đã chứng kiến hàng ngàn câu chuyện xúc động quanh chuyện đi tìm mộ liệt sĩ. Một lần Nhà khách đón một phụ nữ người Dao ở tận Yên Bái đi tìm hài cốt của chồng hy sinh ở chiến trường Quảng Trị.

Trong câu chuyện đứt quãng, bập bẹ bằng tiếng Kinh, người phụ nữ kể, anh chị mới cưới nhau được 3 ngày thì anh phải vào chiến trường. Ba ngày hạnh phúc đó, tình yêu của họ đã “đơm hoa'', chị sinh đứa con gái kháu khỉnh. Người trong bản bảo cháu giống bố như lột. Con lớn lên cứ nhất quyết bắt mẹ “mang'' bố về.

Lần theo những manh mối của đồng đội anh, cuối cùng là vào chiến trường Quảng Trị, nhưng bao ngày tìm kiếm chị vẫn không “mang” được anh về cho con gái…

Những chuyện về vợ đi tìm hài cốt chồng, con đi tìm cha, anh em đi tìm nhau không ít ở Quảng Trị, nhưng câu chuyện cặp vợ chồng đi tìm hài cốt người yêu cũ của vợ thì chắc chỉ có ở đây. Đó là chuyện đi tìm mộ người yêu cũ của một cán bộ đang công tác tại Tổng cục Đường sắt.

Vợ của anh bây giờ và người yêu cũ cùng học tại Trường Đại học Giao thông - Vận tải trước khi anh lên đường đi chiến đấu ở Quảng Trị. Buổi tiễn đưa, anh trao cho chị chiếc khăn tay và nói: ''Khi nào về, anh sẽ cưới em''.

Chỉ với gần 20 người cùng 3 ô tô và 3 xe máy, những cán bộ nhà khách đã làm việc không biết mệt mỏi để phục vụ tốt nhất từng thân nhân liệt sĩ đến mảnh đất Quảng Trị. Họ tự hào đã góp phần làm dịu bớt nỗi đau cho bao người.

Ở hậu phương, chị mòn lòng chờ đợi nhưng anh không về nữa. Theo áp lực của gia đình, chị dằn lòng, gạt nước mắt đi lấy chồng. Đến nay, khi con cháu đề huề và có một gia đình hạnh phúc, chị vẫn không nguôi ý định đi tìm mộ anh.

Chồng chị cũng từng là lính, anh hiểu được những điều chị mong ước. Hàng năm, hai vợ chồng gom tiền, vào Quảng Trị, đi hết vùng này sang vùng khác tìm hài cốt anh, nhưng đến nay vẫn chưa thấy.

Hôm đến Nhà đón tiếp, chúng tôi gặp vợ chồng ông bà Thái Xuân Nịu và Nguyễn Thị Hạnh đang đi tìm hài cốt của người anh trai ông Nịu là liệt sĩ Thái Xuân Xu. Ông bà là giáo viên về hưu quê ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) nhưng đang sống ở Ninh Thuận.

Ông Nịu cho biết, ông bắt đầu tìm kiếm anh trai từ năm 1991. Cứ nghỉ hè là 2 vợ chồng lại gom tiền, bắt xe ra Quảng Trị để tìm anh. Năm vừa qua, 2 vợ chồng cùng nghỉ hưu nên có điều kiện hơn để tìm anh trai.

Trong năm, ông bà đã 2 lần ra Quảng Trị, ngày ngày mượn xe máy của Nhà đón tiếp, đi khắp mọi nẻo núi rừng, quyết tìm bằng được hài cốt người anh…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem