Bệnh “đầu nhỏ” có nguy cơ vào Việt Nam và lan rộng

Diệu Linh Thứ ba, ngày 02/02/2016 06:41 AM (GMT+7)
31 quốc gia trên thế giới đã có ca bệnh do virus Zika. Virus được truyền qua muỗi nên tốc độ lây lan rất nhanh. Bộ Y tế nhận định, khả năng virus Zika thâm nhập và lan rộng ở nước ta là rất lớn.
Bình luận 0

Châu Mỹ rúng động vì Zika

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến hết tháng 1, đã có 31 quốc gia trên thế giới ghi nhận virus Zika, trong đó chủ yếu là các nước châu Mỹ. Tính tới nay, đã có 6 nước châu Âu bao gồm Anh, Italia, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch và Thụy Sĩ ghi nhận các trường hợp bệnh nhân nhiễm virus Zika sau khi đi du lịch Nam Mỹ. “Hàng xóm” của Việt Nam là Thái Lan cũng nằm trong “bản đồ” các nước có nhiễm virus Zika.

img

Thông thường muỗi Aedes chỉ có thể mang 1 trong 2 loại virus. Nếu muỗi đã mang virus sốt xuất huyết thì khó có thể cùng lúc nhiễm virus Zika. Tuy nhiên, muỗi sinh sôi liên tục và có khả năng lây lan mầm bệnh sang người. Vì thế, chỉ cần 1 người nhiễm virus Zika vào Việt Nam  sẽ có khả năng nhân mầm bệnh theo cấp số nhân. “Không loại trừ virus biến chủng, tái tổ hợp 2 chủng virus này. Lúc đó, việc chẩn đoán, phòng chống sẽ khó khăn hơn rất nhiều”.

PGS-TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư

img

Virus Zika được cho là nguyên nhân chính gây ra dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.     I.T

Hiện chưa có số liệu cụ thể về các ca mắc virus Zika. Nhưng một số nước có ảnh hưởng nặng nhất là Colombia với gần 14.000 ca nhiễm bệnh. Còn tại Brazil cũng ước tính gần 1 triệu người mắc virus Zika.

Theo WHO, virus Zika có thể khiến 3-4 triệu người nhiễm virus. Tuy nhiên chỉ 1/5 người phơi nhiễm virus bị đau ốm, nhưng tất cả những người nhiễm virus Zika đều có thể mang mầm bệnh và lây truyền sang người khác qua đường muỗi đốt. Triệu chứng bị bệnh Zika khá giống với bệnh sốt xuất huyết như sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ, đau khớp và phát ban nên cũng khó nhận biết.

img

Trường hợp mắc bệnh “đầu nhỏ” do virus Zika đầu tiên tại Mỹ Latinh.  I.T

Ông Katsuyasu Kato – đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, điều đáng lo ngại có sự liên quan giữa virus Zika và hội chứng teo não ở trẻ sơ sinh (bệnh đầu nhỏ). Thế giới ghi nhận sự gia tăng của các trẻ em bị “đầu nhỏ” ở khu vực các nước có virus Zika. Những bà mẹ mang thai bị nhiễm virus Zika sẽ lây truyền sang con và khiến não của thai nhi bị teo nhỏ, sau khi sinh bị dị tật, chậm phát triển trí tuệ. Theo báo cáo của Bộ Y tế Brazil, tính đến cuối năm 2015, Brazil có gần 3.000 trẻ mắc chứng não nhỏ khiến 40 trẻ sơ sinh tử vong, nhiều trẻ bị di chứng nặng nề. Rất nhiều trẻ “đầu nhỏ” được sinh ra bởi bà mẹ nhiễm virus Zika và bản thân trẻ cũng nhiễm virus Zika. Tại nhiều nước như Brazil, El Sanvador, Comlombia, Honduras và Ecuador, chính phủ đã đưa ra khuyến cáo phụ nữ không nên mang thai để phòng ngừa dị tật thai nhi cho đến khi dịch Zika được khống chế.

Theo ông K.Kato, trước tình hình dịch bệnh Zika diễn biến phức tạp, WHO đã họp khẩn với các quốc gia đang có bệnh để bàn phương án ngăn chặn dịch bệnh. 

Khẩn cấp chuẩn bị “đón” Zika

Theo ông Trương Đình Bắc – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), virus Zika được lây truyền qua trung gian muỗi Aedes. Người mang virus bị muỗi đốt sẽ “lây” virus cho muỗi và muỗi bệnh sẽ đốt người khoẻ và truyền virus Zika sang. Một số bằng chứng cũng cho thấy virus Zika có thể lây truyền qua đường tình dục.

Thai phụ không nên đến quốc gia có virus Zika

ộ Y tế vừa có công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp diệt virus Zika. Đặc biệt, người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus Zika chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. Người dân tiến hành các biện pháp diệt muỗi như đối với bệnh sốt xuất huyết (đậy kín dụng cụ đựng nước, diệt loăng quăng (bọ gậy), dọn các phế thải có thể đựng nước mưa quanh nhà; ngủ màn, mặc quần áo dài chống muỗi đốt kể cả ban ngày... Đặc biệt, phụ nữ đang mang thai không nên đến các khu vực, quốc gia đang có virus Zika. 

Tại cuộc họp khẩn với Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC)- Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu các cơ quan liên quan đề ra phương án phòng chống dịch Zika xâm nhập vào Việt Nam. Trong đó, quy trình giám sát, phát hiện và hướng dẫn xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị phải được đặc biệt chú trọng.

“Muỗi Aedes ở Việt Nam không hiếm. Đây là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường gặp ở Việt Nam. Ngoài ra, phần lớn người nhiễm virus Zika không có triệu chứng mắc bệnh (người lành mang virus), do đó việc kiểm soát các ca bệnh vào Việt Nam là rất khó khăn. Nếu virus Zika vào Việt Nam, trên môi trường sẵn có muỗi trung gian truyền bệnh Aedes, nguy cơ dịch bệnh Zika lan nhanh ra cộng đồng là rất lớn” – Thứ trưởng Long cho biết. Theo ông Long, Việt Nam cũng chưa có miễn dịch cộng đồng căn bệnh này, đây là loại virus mà thế giới chưa có vaccine và thuốc đặc trị. Vì thế, chỉ cần một trường hợp bệnh xuất hiện tại Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh lan rộng là điều có thể xảy ra.

Theo ông Bắc, thời gian ủ bệnh do virus Zika là từ 3 - 12 ngày. Hầu hết các trường hợp nhiễm virus Zika có biểu hiện triệu chứng nhẹ và vừa. Có đến 80% các trường hợp nhiễm virus Zika không có triệu chứng bệnh. Còn các trường hợp bị bệnh cũng có dấu hiệu gần giống triệu chứng bệnh sốt xuất huyết, do đó việc chẩn đoán bệnh rất khó khăn. Bệnh này không nguy hiểm với người trưởng thành vì hầu hết các ca nhiễm virus đều tự khỏi. Nhưng virus này giống như virus Rubella đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai. Mẹ nhiễm virus Zika sẽ khiến thai nhi mắc hội chứng teo não và sinh ra đứa trẻ với cái đầu nhỏ, ảnh hưởng tới nhận thức và vận động của trẻ.

Theo ông Bắc, hiện nay, chỉ có xét nghiệm máu mới tìm ra virus Zika, tuy nhiên ở giai đoạn đầu của bệnh, việc chẩn đoán này cũng rất khó khăn, dễ nhầm lẫn với sốt xuất huyết.

Ông K.Kato cho biết sẽ có phương án giúp đỡ Việt Nam nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Zika cho Việt Nam, tránh lây nhiễm chéo. Ông Anthony -  Giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ (CDC US), khẳng định sẽ hỗ trợ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh qua các công cụ cần thiết và đội ngũ chuyên gia đến từ Hoa Kỳ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem