Bí thư Tỉnh ủy có phải đối tượng được bảo vệ đặc biệt?

Lương Kết Thứ sáu, ngày 19/08/2016 14:15 PM (GMT+7)
Sau vụ Bí thư tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường bị nghi phạm Đỗ Cường Minh bắn chết tại phòng làm việc, dư luận đặt câu hỏi: Đối với Bí thư Tỉnh ủy – người đứng đầu một địa phương - công tác bảo vệ được thực hiện như thế nào?
Bình luận 0

Theo Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), Pháp lệnh Cảnh vệ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2005 có nêu: Cảnh vệ là công tác bảo vệ đặc biệt do Nhà nước tổ chức thực hiện để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đối tượng cảnh vệ.

Về đối tượng được cảnh vệ hay còn gọi là bảo vệ đặc biệt gồm: Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành T.Ư Đảng; Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Uỷ ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.

img

Nơi xảy ra vụ án mạng ở Yên Bái được phong tỏa để phục vụ điều tra.

Đối với Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng sẽ được bảo vệ tiếp cận thường xuyên, vũ trang tuần tra, canh gác thường xuyên nơi ở và nơi làm việc và các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật.

Đối với khu vực làm việc của Trung ương Đảng; khu vực làm việc của Chủ tịch nước; khu vực làm việc của Quốc hội; khu vực làm việc của Chính phủ cũng như nơi của Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng sẽ được vũ trang tuần tra, canh gác thường xuyên, kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật, phương tiện ra, vào và các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật.

Theo Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an, chiểu theo quy định của Pháp lệnh Cảnh vệ thì Bí thư Tỉnh ủy không phải là đối tượng được bảo vệ đặc biệt.

Trước câu hỏi: Tại trụ sở Tỉnh ủy và UBND các tỉnh đều có lực lượng công an canh gác, việc này thực hiện theo quy định nào, Thiếu tướng Quân giải thích: Ở tỉnh, các trụ sở như Tỉnh ủy, UBND là mục tiêu được cảnh sát bảo vệ chứ không phải là cảnh vệ.

"Bí thư Tỉnh ủy được bảo vệ theo kiểu có cảnh sát gác ở cổng trụ sở làm việc để bảo vệ chung của cả trụ sở, chứ không được bảo vệ theo kiểu cảnh vệ, nghĩa là luôn có người đi kèm để đảm bảo an toàn. Khi vị Bí thư thấy có nguy cơ gì, nếu yêu cầu sẽ được tăng cường lực lượng bảo vệ" - tướng Quân cho biết.

Tại buổi họp báo chiều 18.8 công bố thông tin vụ án mạng, bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đến trụ sở Tỉnh ủy Yên Bái thông qua Văn phòng để  gặp Bí thư Tỉnh ủy. Sau đó đối tượng nổ nhiều phát súng để bắn Bí thư Tỉnh ủy trong phòng làm việc.

Đỗ Cường Minh tiếp tục sang phòng của Chủ tịch HĐND, kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Ngô Ngọc Tuấn để bắn ông này, sau đó đối tượng tự sát bằng súng.  Theo thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, tiếng súng K59 tiếng nổ không lớn, lại trong phòng kín nên không nhiều người nghe thấy. Quá trình di chuyển giữa hai phòng, cán bộ nhân viên Tỉnh ủy Yên Bái còn nhìn thấy Minh và chào hỏi bình thường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem