Bộ Giao thông-Vận tải rao bán trụ sở, cao ốc sẽ mọc lên?

Thứ ba, ngày 15/05/2012 06:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nếu xây dựng nhà cao tầng làm số người ở khu vực này nhiều hơn khoảng 500- 600 người của Bộ GTVT đang làm việc hiện nay. Bộ GTVT sẽ không gương mẫu trong giảm ùn tắc giao thông.
Bình luận 0

Liên quan đến việc di dời trụ sở của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), ngày 14.5, một số chuyên gia cho rằng, Bộ GTVT phải tính đến việc giảm áp lực dân số và giao thông ở trung tâm thành phố. Nếu xây dựng nhà cao tầng, tăng dân số ở đây, Bộ GTVT không gương mẫu trong việc giảm ùn tắc giao thông.

Trước đó, ngày 10.5, Bộ GTVT có thông cáo liên quan đến đề án công nghiệp hóa, hiện đại hóa Bộ này, trong đó có việc di dời trụ sở của Bộ ở 80 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hiện nay ra khu vực Mỹ Đình, Hà Nội. Phương án dự kiến triển khai là bán trụ sở cũ để lấy kinh phí mua trụ sở mới.

img
Trụ sở Bộ GTVT tại 80 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Một vấn đề được nhiều người quan tâm là trụ sở ở vị trí đắc địa của Bộ GTVT hiện nay sau khi bán đi sẽ sử dụng vào mục đích gì?

Đặc biệt, khi một thứ trưởng của Bộ này cho biết, một trong các phương án đang được xem xét là bán trụ sở hiện nay cho một công ty cổ phần để lấy một toà nhà văn phòng do công ty này đầu tư tại quận Cầu Giấy. Như vậy, có khả năng, với bàn tay của một doanh nghiệp, khu đất vàng 80 Trần Hưng Đạo sẽ mọc lên một tòa nhà cao tầng.

Trao đổi với phóng viên NTNN, chuyên gia giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thủy, từng làm việc tại trụ sở 80 Trần Hưng Đạo nhiều năm cho rằng:

“Một trong những mục đích di chuyển bộ ngành là giảm ùn tắc giao thông. Nếu xây dựng nhà cao tầng làm lượng người ở khu vực này cao hơn số lượng khoảng 500- 600 người của Bộ GTVT đang làm việc hiện nay thì không đạt được mục đích đó. Bộ GTVT sẽ không gương mẫu trong giảm ùn tắc giao thông”.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc sử dụng trụ sở hiện nay phải đúng theo quy hoạch của thủ đô. Ông Hùng cũng dẫn ra quan điểm của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại buổi làm việc với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia:

“Nếu để lấy tiền cho các bộ xây trụ sở mới hoặc các trường mới thì buộc chúng ta phải bán diện tích trụ sở cũ cho tư nhân, như vậy mục đích di dời để giảm tải không đạt được”.

Ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, việc một cơ quan thuộc Chính phủ tự đứng ra mua bán, lo liệu trụ sở như vậy là không nên vì thiếu một quy hoạch tổng thể.

Chủ tịch thành phố cũng nói rằng, ông sẽ không tiếp tục ký cho các dự án chung cư hình thành ở các địa điểm trường học, trụ sở được chuyển đi.

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Phạm Sỹ Liêm cũng cho rằng, Bộ GTVT phải thực hiện đúng theo quy hoạch.

Tại khu đất của Bộ GTVT hiện nay có thể hình thành một bãi đỗ xe để giảm ùn tắc, một công viên, một trường phổ thông, thậm chí là một khách sạn nhưng phải phù hợp với quy hoạch, trong đó có việc đảm bảo về giao thông.

Ông Liêm còn cho rằng, việc một cơ quan thuộc Chính phủ tự đứng ra mua bán, lo liệu trụ sở như vậy là không nên vì thiếu một quy hoạch tổng thể.

“Chính phủ hình thành nên các bộ thì phải lo chỗ làm việc cho các bộ này để tạo sự thống nhất. Chính phủ nên lập một quy hoạch, phương án triển khai tổng thể; việc trụ sở mới ở đâu, xây dựng như thế nào; đất trụ sở cũ xử lý ra sao phải do một cơ quan thực hiện. Để các bộ tự làm, trong đó có Bộ GTVT sẽ dễ dẫn đến manh mún, thiếu thống nhất” – ông Liêm nói.

Ông Nguyễn Thế Bá - Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam: Đừng chỉ nghĩ tới kinh tế

Di dời trụ sở, không thể nghĩ chuyện bán đất. Khu này nên để làm nơi vui chơi giải trí, cây xanh vì mật độ xây dựng của Hà Nội quá cao. Nếu đơn vị nào đặt vấn đề mua mảnh đất đó thì cũng phải xây dựng theo quy hoạch, không thể cho xây dựng chung cư cao tầng hoặc trung tâm thương mại vì hiện mật độ dân số khu vực nội thành đã quá cao.

KTS Trần Trọng Hanh: Cẩn thận kẻo thất thoát lớn

Theo Luật Đất đai, toàn bộ trụ sở các cơ quan Nhà nước là giao đất không thu tiền sử dụng đất nên muốn đấu giá, muốn bán thì phải chuyển mục đích sử dụng đất. Nếu chuyển cho một doanh nghiệp khác vào làm thì sẽ trốn nghĩa vụ tài chính. Đây là đất công, nếu lấy đất đó thì mặc nhiên trốn được giá thị trường, Nhà nước bị thất thoát một khoản lớn.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Ngạc nhiên việc rao bán

Tất cả những tài sản dù giao Bộ Tài chính hay chính quyền địa phương thì cũng là tài sản quốc gia. Đây là tài sản của Nhà nước chứ đâu phải Bộ nào kiếm ra đâu mà rao bán. Tôi rất ngạc nhiên thấy thông tin trụ sở Bộ được rao bán.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem