Bỏ sổ hộ khẩu, bỏ chứng minh nhân dân là không đúng, không chính xác

Hòa Nguyễn Thứ ba, ngày 07/11/2017 11:03 AM (GMT+7)
Trung tướng Trần Văn Vệ - Quyền Tổng Cục trưởng Tổng Cục cảnh sát, Bộ Công an thông tin như vậy tại buổi họp báo về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính sáng nay (7.11) trước nhiều ý kiến về việc bỏ Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân.
Bình luận 0

Trao đổi với báo chí, Trung tướng Trần Văn Vệ - Quyền Tổng Cục trưởng Tổng Cục cảnh sát, Bộ Công an khẳng định, việc người dân cũng như có thông tin bỏ “Sổ hộ khẩu”, bỏ Chứng minh nhân dân là không đúng, không chính xác.

img

Theo ông Vệ, đây chỉ là thay đổi về hình thức quản lý, không có chuyện bỏ quản lý hộ khẩu.

Ông Vệ cũng cho biết, dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng từ năm 2012 và hiện tại đang đi đến những bước cuối cùng để hoàn thiện.

Quyền Tổng Cục trưởng Tổng Cục cảnh sát, Bộ Công an thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tổng hợp các dữ liệu về dân cư Việt Nam, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng.

Thông qua việc tổ chức thu thập thông tin sẽ tạo nên hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, đảm bảo an sinh xã hội; là căn cứ quan trọng để cơ quan nhà nước nghiên cứu..., rút ngắn thời gian, giảm chi phí, thời gian đi lại của công dân; thông tin được thu thập, cập nhật thường xuyên góp phần quản lý chặt, đấu tranh tội phạm hiệu quả; được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin.

“Cơ sở dữ liệu ra đời nhằm thay đổi hình thức quản lý dân cư thủ công sang điện tử, theo hướng hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước” - Trung tướng Trần Văn Vệ nói.

Ngày 30.10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.

Theo Nghị quyết, Chính phủ đã thông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân. Trong đó, có phương án sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng "sổ hộ khẩu" và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Sau khi Nghị quyết 112/NQ-CP được ban hành, nhiều người dân thắc mắc, khi nào sẽ bãi bỏ “sổ hộ khẩu” và nếu không có sổ hộ khẩu, người dân sẽ thực hiện các thủ tục hành chính như thế nào?

Trao đổi với báo chí, thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72, Bộ Công an) cho biết, Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực kể từ ngày ký (30.10.2017).

Tuy nhiên, trong nghị quyết cũng nêu rõ Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát, đề xuất lộ trình đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan tới công dân theo lộ trình xây dựng, hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do vậy, thông tin, bãi bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân từ ngày 30.10.2017 là chưa chính xác.

“Hiện sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân vẫn còn nguyên giá trị theo quy định của Luật Cư trú và Luật Căn cứ công dân”, thượng tá Trần Hồng Phú nói.

Theo lãnh đạo Cục C72, Bộ Công an đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Dự kiến, đầu năm 2020, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân sẽ đi vào vận hành, khi đó sẽ có lộ trình để đơn giản hóa từng loại giấy tờ. Việc bãi bỏ sổ hộ khẩu cũng cần phải có lộ trình và đảm bảo các điều kiện cần thiết.

Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết thêm, cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân là tập hợp thông tin cơ bản của công dân Việt Nam sử dụng chung cho các thủ tục hành chính và mỗi công dân sẽ được cấp một số định danh duy nhất để dùng chung trong các thủ tục hành chính.

“Việc cấp cho mỗi công dân một số định danh duy nhất sẽ đảm bảo được việc kết nối thông tin giữa cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý với dữ liệu chuyên ngành do các bộ ngành quản lý. Các bộ ngành sẽ thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính cho công dân”, thượng tá Trần Hồng Phú thông tin.

Lãnh đạo Cục C72 cũng cho biết, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ đi vào vận hành, công dân khi thực hiện các giao dịch hành chính chỉ cần cung cấp 3 thông tin cơ bản, gồm: họ tên, mã số định danh và chỗ ở hiện tại.

“Thông qua dữ liệu dân cư, cơ quan Nhà nước sẽ khai thác thông tin cơ bản của công dân để giải quyết thủ tục hành chính”, thượng tá Trần Hồng Phú nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem