Bỏ tiền bồi hoàn, Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh còn dám vượt biên chế?

Lương Kết Thứ sáu, ngày 14/12/2018 07:00 AM (GMT+7)
Theo TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nếu như đề xuất người đứng đầu phải bồi hoàn số kinh phí đã sử dụng vượt quá số biên chế công chức được giao hoặc thực hiện không đúng đối tượng được thực hiện, thì chẳng còn ai dám làm sai để bị mất tiền túi.
Bình luận 0

img

TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (ảnh IT).

Trong dự thảo nghị định thay thế nghị định 21/2010 và nghị định 110/2015 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến rộng rãi có đề xuất rất đáng chú ý: Người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương phải bồi hoàn số kinh phí đã sử dụng vượt quá số biên chế công chức được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thực hiện không đúng đối tượng, không đúng quy định về quản lý, sử dụng biên chế công chức.

Theo TS Nguyễn Tiến Dĩnh, đề xuất nêu trên là sự cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm về mặt tài chính. Đây là đề xuất rất cần thiết để thực hiện nghiêm việc quản lý biến chế công chức.

“Quy định hiện nay chưa cụ thể hình thức xử lý người đứng đầu Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh khi thực hiện không đúng quy định về quản lý biên chế công chức. Thời gian qua, dù đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế nhưng không ít nơi sử dụng biên chế vượt chỉ tiêu được giao. Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 cho thấy, có 11 địa phương sử dụng vượt gần 8.000 biên chế so với số biên chế công chức được giao”, TS Dĩnh nói.

Ông Dĩnh cho biết thêm, đề xuất trên có sự tác động trực tiếp vào lợi ích kinh tế của người đứng đầu khi họ làm không đúng. Tuy nhiên cần phải có sự giám sát chặt chẽ, nếu không người đứng đầu đó lại dùng kinh phí của cơ quan ra bồi hoàn thì tính răn đe mất tác dụng.

“Khi sử dụng vượt biên chế công chức, người đứng đầu sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật; đưa vào xem xét phân loại đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm; rồi lại phải bỏ tiền túi ra bồi hoàn. Với chế tài như vậy chắc chẳng Bộ trưởng, trưởng ngành hay Chủ tịch tỉnh nào cố tình mắc phải để bị xử lý”, TS Dĩnh cho hay.

img

Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến (ảnh IT).

Từng làm công tác tổ chức Tỉnh ủy, ông Mai Sỹ Diến, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, ông ủng hộ đề xuất nêu trên của Bộ Nội vụ. Bởi quy định này phù hợp với chủ trương của Đảng, nâng cao hơn nữa trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu Bộ, ban ngành, địa phương.

Hiện nay cũng có quy định về trách nhiệm người đứng đầu trong việc sử dụng biên chế công chức nhưng chưa quy định về vấn đề liên quan đến tài chính. Người đứng đầu sử dụng vượt biên chế công chức gây ảnh hưởng cho ngân sách thì phải bồi hoàn, tôi ủng hộ đề xuất này”, ông Mai Sỹ Diến nói.

img

TS Nguyễn Sĩ Dũng (ảnh IT).

Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, chế tài xử lý việc làm không đúng của Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch tỉnh phải là chế tài chính trị, không nên lẫn chế tài giữa các thiết chế.

“Đối với cán bộ công chức hành chính thì có dùng chế tài xử phạt tiền còn cán bộ ở tầm chính trị (Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch tỉnh trở lên) phải áp đặt theo chế tài về mặt chính trị. Nếu như Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh sử dụng vượt biên chế công chức họ sẽ bị Quốc hội (với Bộ trưởng), Hội đồng nhân dân tỉnh (với Chủ tịch tỉnh) chất vấn, bỏ phiếu tín nhiệm. Không nên dùng chế tài hành chính cho những quan chức chính trị”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem