Bộ trưởng NNPTNT: Nỗi lo lớn nhất là tiêu thụ nông sản

Ngọc Lê Thứ năm, ngày 11/06/2015 09:00 AM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, tất cả các mặt hàng nông sản đều không phải như dưa hấu, hành tím; chẳng hạn như hồ tiêu được mùa được giá.
Bình luận 0
Sáng nay (11.6), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát trực tiếp trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII với các vấn đề đang được các đại biểu (ĐB) và cử tri đặc biệt quan tâm. Trong văn bản trả lời ban đầu, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã trả lời 26 câu hỏi của các ĐB Quốc hội. Dự kiến, Bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ tiếp tục trả lời 34 câu hỏi tại hội trường của các ĐB.

Nội dung trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát tập trung vào 4 nội dung: Tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục trong thời gian tới; thực trạng “liên kết 4 nhà” và giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; giải pháp tiêu thụ sản phẩm và quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững cây công nghiệp ở Việt Nam hiện nay; giải pháp hỗ trợ ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và phát triển ngư trường.

Ở phiên Bộ trưởng Bộ NNPTNT trả lời chất vấn, bộ trưởng các bộ: Công thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát trả lời chất vấn.

Trong phần đầu của buổi chất vấn trước Quốc hội sáng nay (11.6), đã có tới 11 ĐB đặt hơn 20 câu hỏi trực tiếp cho Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, trong đó hầu hết các câu hỏi tập trung vào việc tiêu thụ nông sản, liên kết bốn nhà, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Vẫn có nhiều mặt hàng nông sản được mùa, được giá

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt câu hỏi: "Bây giờ người nông dân trồng lúa, rồi trái cây cũng khó bán, trồng hành cũng không có đầu ra, nuôi con cá cũng không bán được. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì để giúp người dân yên tâm sản xuất và trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc giải quyết vấn đề đó đến đâu?".

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắn nói: Tình hình thực tế không đến nỗi không sáng sủa như thế. “Trong những ngày này, tôi đã liên tục gọi điện cho các địa phương để cập nhật tình hình. Hôm qua, tôi có gọi điện cho đồng chí Giám đốc Sở NNPTNT Cần Thơ và được đồng chí cho biết, ở Cần Thơ, lúa được mùa, trái cây được mùa, được giá. Tại Hậu Giang, đồng chí Giám đốc Sở NNPTNT cũng bảo các loại trái cây như cam, chanh được mùa, lúa hè thu được 6,2 tấn, tăng hơn so với mức 5,4 tấn của năm 2014” - ông Phát khẳng định.

Theo Bộ trưởng, tất cả các mặt hàng nông sản đều không phải như dưa hấu, hành tím; chẳng hạn như hồ tiêu được mùa được giá. Hiện nay có 5 mặt hàng không được giá là lúa gạo, cao su, cà phê, tôm, cá; ngược lại có 5 mặt hàng được giá là tiêu, điều, đồ gỗ, sắn, rau quả, trong đó sắn tăng 44%.

“Trong mọi tình huống, chúng ta phải bình tĩnh để xử lý, như dưa hấu vừa qua, giá xuống là do thông quan, thực tế ở Quảng Ngãi chỉ có 100.000 tấn dưa hấu, còn cả nước mỗi năm chúng ta có tới 1,2 triệu tấn. Hành tím ở Sóc Trăng thì có tới 70% là xuất khẩu sang Indonesia, nhưng từ cuối 2014 Indonesia dừng nhập khẩu hàng của Việt Nam, đã ảnh hưởng, làm tồn đọng hành trong dân. Chúng tôi đã sang Indonesia làm việc với đồng nghiệp để tháo gỡ, nhưng do liên quan đến chính sách nội bộ của họ nên còn vướng mắc” - Bộ trưởng Phát nói.

Bộ trưởng cũng khẳng định, để nông dân có thu nhập cao hơn từ nông nghiệp, chúng ta phải làm những sản phẩm có chất lượng cao hơn, giá trị cao hơn và bền vững, hiệu quả hơn, sản xuất những gì thị trường cần.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đặt câu hỏi: "Theo Bộ trưởng, trong các khâu sản xuất nông nghiệp, đâu là khâu lớn nhất, trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu và cách chịu trách nhiệm của Bộ trưởng cụ thể thế nào, cách giải quyết của Bộ trưởng ra sao?".

Trả lời câu hỏi này, ông Phát nói nỗi lo lớn nhất của Bộ trưởng Bộ NNPTNT là tiêu thụ nông sản và cái khó khăn lớn nhất của Bộ trưởng Bộ NNPTNT là khâu chế biến. "Nông dân chúng ta làm rất giỏi, nhưng khâu chế biến chưa tương xứng nên vẫn phải bán thô với giá trị thấp, mà để làm được cả khâu tiêu thụ và chế biến phải có doanh nghiệp. Cho nên, Chính phủ đã chỉ đạo tới đây chúng ta phải tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp lớn như Hoàng Anh Gia Lai, TH true MILK, Vingroup… đầu tư vào nông nghiệp và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện việc thu hút đầu tư".

Về trách nhiệm của mình, ông Phát thẳng thắn: "Rõ ràng chúng tôi có trách nhiệm trong việc hướng dẫn làm quy hoạch, chính sách nên đang hướng dẫn thủ tục về thú y, kiểm dịch thuận lợi cho nông dân. Thực tế, trừ ngô và đỗ tương, chúng ta sản xuất rất nhiều sản phẩm dư thừa, làm ra 1 cân tôm, 1 cân lúa cũng phải nghĩ tới xuất khẩu. Khâu trồng trọt, chăn nuôi của chúng ta tốt, nhưng khâu chế biến lại không tốt, nên chúng tôi đã khắc phục điều này".

Không thể thu hồi đất của nông dân cho DN làm nông nghiệp

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đặt câu hỏi: "Nguyên nhân chính nào dẫn đến doanh nghiệp (DN) tư nhân, DN nước ngoài ít đầu tư vào nông nghiệp và cần có chính sách gì thu hút họ đầu tư ồ ạt vào nông nghiệp, tất nhiên trừ DN trong nước?".

img
ĐB Đỗ Văn Đương đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Cao Đức Phát.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: Cái chính là trong nông nghiệp nước ta, chúng ta đã chia ruộng đất cho các hộ nông dân, trong nông nghiệp trực tiếp có 10 triệu hộ. Cho nên, cái khó nhất của DN tư nhân là đất, chúng ta không thể thu hồi ruộng đất của hàng trăm, hàng nghìn hộ giao cho DN làm, mặc dù họ có thể làm tốt hơn. Để khắc phục, các địa phương đang tiến hành vận động, thu xếp để nông dân cho DN thuê đất sản xuất.

ĐB Đương đặt tiếp câu hỏi: "Hạn hán nghiêm trọng ở miền Trung, Tây Nguyên có liên quan gì đến phá rừng, chặn sông làm thủy điện? Nếu đúng như vậy, trách nhiệm hỗ trợ và bồi thường của các DN thủy điện với bà con nông dân có cần đặt ra hay không, có cần hạn chế bớt hoặc đóng cửa các nhà máy thủy điện để cứu các dòng sông?".

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời: "Đối với người dân Ninh Thuận, chưa bao giờ hạn hán gay gắt như năm nay, trong 20 năm làm nông nghiệp, chưa bao giờ tôi thấy hạn hán như thế, cả 2 năm rồi không có mưa, nhiều nơi đã 4 vụ rồi, có 10.000ha tiếp tục không gieo cấy được. Nguyên nhân là do ElNino. Vậy tình hình này làm thế nào, có lặp lại không? Tôi cho rằng, chúng ta phải hình dung đến tình huống xấu hơn, phải tính toán đến cả bài toán trước mắt và lâu dài. Ở Ninh Thuận, địa phương cũng đã làm hết mọi cách để khắc phục, song về lâu dài phải đầu tư xây dựng nhiều hơn các hồ để chứa nước.

Rừng cũng rất quan trọng, vì nhiều hồ dù dung tích tới 60 triệu mét khối cũng không có nước do trữ lượng nước ở rừng quan trọng, nên phải xây dựng song song cả hai. Một nửa tỉnh Ninh Thuận canh tác nhờ nước từ hồ thủy điện trên Lâm Đồng, nên chúng ta cũng phải nhìn thấy 2 mặt của vấn đề, thủy điện không làm mất nước và không phải thủy điện gây nên hạn hán".

Chưa thỏa mãn với câu trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát, ĐB Đỗ Văn Đương truy tiếp: "Tôi thấy Bộ trưởng chưa trả lời câu hỏi giải pháp đột phá thu hút DN đầu tư ồ ạt vào nông nghiệp? Nhìn chung câu trả lời của Bộ trưởng còn chung chung quá".

Bộ trưởng Phát cho rằng: "Về giải pháp đột phá khi thu hút DN, như tôi đã trả lời khó khăn lớn nhất của họ là đất. Nhiều DN bảo cấp cho tôi vài trăm, vài nghìn ha thì làm gì có chỗ đất trống, trừ các nông - lâm trường, như Hoàng Anh Gia Lai, TH true MILK chúng ta đã tạo điều kiện cho họ liên kết với nông trường. Chúng ta phải có chính sách để cho DN thuê lại ruộng đất của nông dân, như ở Vĩnh Phúc họ đã làm rất tốt vấn đề này".

Phải có 2ha đất, nông dân trồng lúa mới đủ sống

Về vấn đề người trồng lúa đang làm không đủ sống, ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) đặt câu hỏi: "Chúng ta đang xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp, trong khi thế giới lại nhập gạo chất lượng cao, nên xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thấp, gạo bán không ai mua, trách nhiệm của ai? Và phải làm gì để người trồng lúa có thể sống nhờ trồng lúa?".

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Thực tế, chúng ta đã rất cố gắng để xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường chất lượng cao, như năm 2014, chúng ta đã xuất khẩu 1,1/6,5 triệu tấn gạo Jasmine, 5 tháng đầu năm cũng đã xuất khẩu được 580.000 tấn. "Vậy câu hỏi, nông dân trồng lúa có thu nhập thấp, bao giờ làm giàu? Tôi cho rằng, sản xuất lúa gạo vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa có thu nhập, nhưng để hộ trồng lúa sống được, có thu nhập, theo các nhà nghiên cứu phải có diện tích tối thiểu 2ha, trong khi nước ta có 4,1 triệu ha nhưng có tới 9,3 triệu hộ nông dân, tức mỗi hộ chưa được 0,5ha. Theo tính toán, nông dân hiện chỉ có lãi có 1.000 đồng/kg, mỗi ha chỉ có lãi 6 triệu đồng. Mặc dù năng suất lúa nước ta gấp rưỡi thế giới, nhưng phải có thời gian và nguồn lực".

Nông sản Việt Nam không an toàn là thông tin không chính xác

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về việc sản xuất sản phẩm sạch, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã phủ nhận thông tin cho rằng nông sản Việt Nam đều không an toàn.

Cụ thể, ĐB Nguyễn Sỹ Cương hỏi: “Sản xuất thực phẩm sạch của chúng ta dường như đang quay lại sản xuất với quy mô nhỏ như các hộ nông dân trồng để tự cung cấp cho mình, hay các đại gia đi mua đất để tự trồng cung cấp sản phẩm sạch cho mình và người thân. Còn đa số người dân, hằng ngày vẫn phải đi mua sản phẩm có nhiều dư lượng không đảm bảo an toàn. Vậy, chúng ta phải làm gì để có các sản phẩm sạch?”.

Giải đáp câu hỏi này, Bộ trưởng Phát khẳng định: “Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm số 1 của ngành nông nghiệp và ngành đã làm hết sức quyết liệt để có sản phẩm an toàn cho người dân. Chỉ trong hơn 1 năm qua, Bộ NNPTNT đã xây dựng 9 thông tư, 20 chỉ thị, 1 quyết định liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm”.

Để chứng minh kết quả thực hiện, ông Phát đã đưa ra một số con số cụ thể. Theo đó, qua quá trình giám sát của cơ quan chuyên môn đã phát hiện 6,8% mẫu thịt lợn nhiễm chất kháng sinh vượt tiêu chuẩn cho phép, tương tự ở thủy sản là 2,4% và rau 5,4%.

“Chúng ta nghe thường chỉ nghe về sự cố, nên nhiều người cứ tưởng nông sản nước ta là không an toàn, điều đó là không chính xác. Chúng ta xuất khẩu tới trên 30 tỷ USD nông sản vào cả những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU và vẫn được họ chấp nhận, thì không thể nói nông sản của chúng ta không an toàn. Tuy nhiên, không chỉ đối với sản phẩm xuất khẩu chúng tôi mới kiểm soát chặt chẽ, mà ngay cả các sản phẩm tiêu thụ trong nước chúng tôi cũng thực hiện nghiêm. Đối với tôi, điều quan trọng nhất là đảm bảo đời sống cho 90 triệu người dân Việt  Nam” - ông Phát khẳng định.

Theo ông Phát, để sản xuất sản phẩm sạch, điều quan trọng nhất là hướng dẫn nông dân áp dụng đúng quy trình sản xuất sạch, sản xuất theo chuỗi liên kết. Trước mắt, Bộ NNPTNT đã phối hợp với TP.HCM và Hà Nội hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi. Đồng thời, tiếp tục xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem