Bộ trưởng nói gì khi giấy khen không còn giá trị, HS nào cũng giỏi?

Nhóm PV Thứ tư, ngày 06/06/2018 09:36 AM (GMT+7)
Sáng 6.6, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã “đăng đàn” trả lời chất vất Quốc hội. Nhiều đại biểu quan tâm và đưa ra câu hỏi cho người đứng đầu ngành về thực trạng “cháu nào cũng giỏi, giấy khen trong trường học quá nhiều, không còn giá trị?”
Bình luận 0

Phát biểu đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, giáo dục và đào tạo là vấn đề liên quan đến mọi người, mọi nhà, đến tương lai đất nước. Đây là lĩnh vực rộng lớn, cần có thời gian mới phát huy được những kết quả của đổi mới. Thời gian qua ngành còn nhiều hạn chế, thiếu sót, còn vấn đề tồn tại, trong đó có nhiều vấn đề gây bức xúc cho nhân dân, có nhiều việc chưa đạt kỳ vọng của Quốc hội, cử tri và nhân dân. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, Bộ trưởng khẳng định: "Chúng tôi xin chịu trách nhiệm về những gì chưa làm được".

img

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: VNE

Đại biểu Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) chất vấn Bộ trưởng về việc giấy khen trong nhà trường đang mất dần giá trị, tỷ lệ học sinh giỏi khá nhiều. Điều này biểu hiện rõ nét của bệnh thành tích. Vậy giải pháp "chữa" căn bệnh này một cách dứt điểm như thế nào?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn thừa nhận, bệnh thành tích đã có từ lâu, ngành cũng rất cố gắng giải quyết và kiên quyết "nói không với bệnh thành tích". Ngành cũng đã có các văn bản nêu rõ bỏ rất nhiều cuộc thi, không tính điểm vào thi đua.

“Tới đây thông qua Luật Giáo dục cũng đưa vấn đề này vào. Thầy cô giáo nào có kết quả tích cực thì được ghi nhận chứ không phải chỉ căn cứ vào đăng ký thi đua. Vì đăng ký thi đua là gốc gác của vấn đề bệnh thành tích trong giáo dục. Thủ tướng đã chỉ đạo, thi đua phải thiết thực và ngành giáo dục phải tiên phong", Bộ trưởng khẳng định.

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) về phân luồng trong giáo dục hướng nghiệp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định đây không phải vấn đề mới, nhưng thời gian qua kết quả thực hiện chưa tốt. Nguyên nhân nhiều nhưng trước hết từ nhìn nhận từ ngành giáo dục thì hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp chưa rõ ràng trong phân luồng. “Trong tháng 5, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ LĐTBXH tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” – Bộ trưởng Nhạ nói.

img

Ảnh minh họa. I.T

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện mỗi năm số sinh viên, học sinh đi ra nước ngoài học tập dạng học bổng và không học bổng rất lớn (chi phí khoảng 3-4 tỷ USD). Vì vậy, bây giờ phải làm sao thu hút các gia đình có điều kiện không chỉ cho con cái ra nước ngoài học tập mà ngay trong nước cũng có thể hưởng nền giáo dục tốt. Bộ trưởng cho biết thêm, chúng đã tham mưu cho Thủ tướng.

Đại biểu K'Nhiễu (Lâm Đồng) nêu thực trạng vấn đề cử tuyển bộc lộ nhiều hạn chế. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, cử tuyển là chính sách được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Cách đây 5-7 năm thì chính sách này phát huy tác dụng cao, vì sau khi cử con em đi học về thì được bố trí việc làm. Tuy nhiên, gần đây, cử tuyển có vấn đề, nhiều cháu đi học về không bố trí được việc làm. Bộ trưởng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội từ kỳ họp trước, ngành đã tiến hành khảo sát các đối tượng chương trình 30a và những vùng khó khăn... và cũng sẽ đưa vào Luật Giáo dục lần này, bên cạnh đó rà soát đúng đối tượng cử tuyển.

Ba nhóm vấn đề các đại biểu quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gồm: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem