Bộ trưởng VHTTDL khẳng định chưa có thông tin quan chức góp tiền xây chùa

Hà Thúy Phương Thứ tư, ngày 05/06/2019 18:10 PM (GMT+7)
Nguyễn Mai Bộ - ĐBQH tỉnh An giang đưa ra câu hỏi cho Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện xoay quay vấn đề đang nóng từ đầu năm tới giờ là kinh doanh tâm linh và hoạt động mê tín dị đoan.
Bình luận 0

Trong phiên chất vấn chiều nay 5/6, Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Nguyễn Mai Bộ đưa ra hai câu hỏi cho Bộ trưởng VHTTDL: "Trong báo cáo số 126 ngày 3/6/2019, Bộ VHTTDL không thừa nhận khái niệm du lịch tâm linh, Bộ trưởng cho biết quan điểm về thương mại hóa xây dựng một số công trình tâm linh, tạm gọi là "chùa BOT", có việc một số quan chức đóng cổ phần vào việc xây dựng chùa để kiếm lời sau khi công trình hoạt động không? Bộ Công An và Bộ VHTTDL đã có giải pháp gì để xử lý hoạt động lệch chuẩn vi phạm pháp luật của một số công dân Việt Nam lợi dụng tôn giáo tâm linh để vi phạm pháp luật?".

img

Đại biểu quốc hội tỉnh An Giang Nguyễn Mai Bộ

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, du lịch hiện nay được phân thành nhiều loại hình như: du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch đô thị, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm và nhiều loại hình khác… Tuy nhiên khái niệm này là tương đối. 

Theo Bộ trưởng VHTTDL, trong quy hoạch có khái niệm khu du lịch quốc gia. Khái niệm du lịch tâm linh được hiểu là nằm trong du lịch văn hóa. “Một số khu du lịch hiện nay có cơ sở tín ngưỡng tôn giáo như chùa. Khu du lịch này không gọi là khu du lịch tâm linh vì có rất nhiều loại hình trong đó, có sân golf, cơ sở lưu trú, có tham quan..., mà gọi là khu du lịch quốc gia. Trong khu du lịch quốc gia đó có sản phẩm du lịch văn hóa và du lịch tâm linh như đền, chùa, nhiều loại hình khác”, ông Thiện giải thích.

img

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn. Ảnh: Lê Hiếu.

Bộ trưởng cũng nhận định Bộ VHTTDL  là cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến văn hóa, thực hiện lối sống văn minh, còn vấn đề quản lý tôn giáo và chùa thuộc bộ Bộ Nội vụ, nhưng với khía cạnh quản lý văn hóa thì chưa thấy có thông tin nào về việc có sự đóng góp của quan chức để xây dựng chùa. Bộ trưởng cũng đề nghị: "Nếu đại biểu có thông tin gì thì có thể cung cấp để xử lý theo quy định pháp luật", ông Thiện nói.

Bộ trưởng đưa ra quan điểm của mình về việc thương mại hóa tâm linh, thu lời bất chính, thực hiện hành vi mê tín dị đoan là vi phạm pháp luật, cần lên án và xử lý.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý là không có khái niệm "chùa BOT", lấy các công trình tín ngưỡng tôn giáo để nói như thế là không được, xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo. Bà cũng yêu cầu đại biểu đưa ra vấn đề thì phải chịu trách nhiệm về sự chất vấn của mình và "đề nghị nếu ĐBQH có thông tin chính xác xin cung cấp để Quốc hội cũng giám sát việc này và các cơ quan quản lý nhà nước xem có việc này hay không và xử lý theo đúng quy định".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem