Bóng đá Việt học gì từ Arsenal?

Thứ năm, ngày 18/07/2013 13:00 PM (GMT+7)
Arsenal gần một thập kỷ nay không biết đến danh hiệu sang nước ta du đấu bỗng tạo thành hệ quy chiếu cho sự “chuyên nghiệp” của bóng đá nước nhà.
Bình luận 0
Vui vì “đối tác” có thương hiệu sang ta đã đành, nhưng lại buồn vì hóa ra mọi thứ liên quan đến bóng đá chuyên nghiệp của ta lại chỉ có thế.
Thật như thôn quê...
Trước trận giao hữu đội tuyển Việt Nam- Arsenal 1 ngày, nhân chuyến công tác ngoài Hà Nội (nơi diễn ra trận đấu này) chỉ những chi tiết nhỏ thôi, phóng viên Dân Việt đã cảm nhận được tình yêu thật nhất có thể của những nông dân hoặc trẻ nhỏ làng quê Việt Nam với… Arsenal là thế nào.

img

Ở Thuận Thành (Bắc Ninh), có những chiếc xe máy biển “99” gắn logo Arsenal giữa biển số đã phai mờ bụi thời gian. Có những chú nhóc đá bóng sân cát, sân đất với những chiếc áo Arsenal được may dệt kiểu “Made in Bắc Ninh” đã sờn, cũ và sau lưng áo thậm chí còn có các tên tuổi chỉ còn là hoài niệm như Henry, Bergkamp...
Nhưng tình yêu bóng đá ấy trong trẻo lắm. Anh Nguyễn Công Hưng (Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết: “Tôi yêu Arsenal từ 15 năm trước, khi họ vô địch Giải ngoại hạng Anh mùa 1997-1998 với lối chơi tấn công mê đắm”.
Thuận chuyện, anh Hưng bộc bạch: Arsenal thu hút được nhiều người dân thôn quê như anh bởi sự nhiệt tình, thật tâm trong lối chơi. Hỏi một câu: “Yêu Arsenal thế, sao anh không lên Hà Nội mua vé vào sân Mỹ Đình xem thần tượng đá bóng?”. Anh Hưng chỉ cười hiền mà không đáp. Nụ cười ấy là một nỗi niềm hay là một câu hỏi ngược với người hỏi?
Cùng thời điểm ấy, ở Hà Nội lại không có được niềm vui tương tự. Trên đường Trịnh Hoài Đức - con phố “phe vé” nổi tiếng, chỉ dừng lại một chút, đã có nhiều “con phe” chạy lại hỏi: “Mua vé không em, kiểu gì cũng có”.
Hỏi: “4 loại vé, giờ giá bao nhiêu?”.
Trả lời: “Loại nào cũng có. Giá gốc!”.
Hỏi tiếp: “Không bán được thì anh (chị) làm thế nào?”.
Lại trả lời: “Chán lắm! Chẳng được xu nào. Cái “thằng” Arsenal này tạo sốt ảo 1 ngày đầu, giờ làm anh (chị) chết dở rồi đây. Mấy ngày nay chẳng còn ai đến hỏi mua vé nữa, lo quá!”.
Cái giá của giấc mơ
Thời buổi suy thoái kinh tế hóa ra lại ảnh hưởng đến tình yêu (ở đây là tình yêu bóng đá), thứ tưởng như ít bị ảnh hưởng đến kinh tế nhất. Vé loại 700.000 đồng/vé được mua hết, trong khi vé loại 1.500.000 đồng/vé thì ế chỏng chơ là một ví dụ. Đến cuối giờ bóng lăn, giá vé cứ rẻ như bèo (vì người thực sự muốn mua vé đắt tiền để vào sân rất ít) và sự hào hứng của người hâm mộ giảm sút nghiêm trọng lại càng tạo nên một bài học cho cánh phe vé.
Nhưng, cái cần suy nghĩ nhất chính là cung cách đối diện với một sự kiện quan trọng của bóng đá Việt Nam. Câu hỏi đầu tiên và duy nhất: Tại sao chúng ta chưa bao giờ thiếu bị động và thiếu lộn xộn khi tổ chức một sự kiện bóng đá như thế này?
Đội Arsenal từ Anh đến với vị thế như thế nào? Từ năm 2004 đến nay, họ chẳng đoạt nổi một chiếc cúp nào. Họ đến Việt Nam theo kiểu du lịch và quảng bá thương hiệu chứ vấn đề chuyên môn coi như bằng không. Nhưng, Việt Nam đã tự đẩy mình vào vô vàn rắc rối.
Thứ nhất, chúng ta tự “cãi nhau” về chuyên môn theo kiểu “nên ưu tiên cầu thủ có cống hiến trong quá khứ hay là tạo điều kiện cọ xát cho cầu thủ trẻ dự SEA Games tới?”.
Thứ hai, công tác tổ chức vô cùng lủng củng, từ chuyện bán vé tới chuyện an ninh, tiền sân bãi…
Thứ ba, sự tiếp đón của nước chủ nhà khiến những vị khách buộc phải thể hiện đến tận cùng khả năng “ngoại giao” khi họ có lẽ cũng không biết phải làm thế nào để ứng xử cho đúng với sự cuồng nhiệt của nước chủ nhà.
Nhưng suy cho cùng, cũng nên cảm ơn Arsenal mà chúng ta biết thế nào là sự chuyên nghiệp nửa vời về nhiều khía cạnh của bóng đá Việt Nam. V.League đã từng là giải đấu số một của Đông Nam Á, nhưng giờ thì không còn vị thế ấy nữa.
Long Nguyên (Long Nguyên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem